Điệu Ceroc của ông chủ NZTech
"Khi chồng tôi bị bắn chết 4 năm trước, tôi không dám tin mình có thể tìm lại mùa xuân cho con trai khi ấy mới 2 tuổi của mình”, góa phụ trẻ Wageha Akbaryan có chồng bị sát hại trong cuộc giao tranh tại vùng lửa đạn Afghanistan trả lời báo giới trong ngày đoàn tụ với gia đình chồng tại Palmerston North (New Zealand) sau gần 4 năm ly tán. Cậu bé 6 tuổi Ali Komail, con trai cô, lúc này đã bắt đầu đi học, ngước đôi mắt đen tròn cùng Wageha cảm ơn tổ chức Refugee Family Trust. Suốt 5 năm từ ngày được sáng lập bởi doanh nhân gốc Việt Mitchell Phạm, tổ chức từ thiện Refugee Family Trust đã tìm lại mùa xuân cho hơn 100 gia đình khi hỗ trợ họ được đoàn tụ tại xứ sở chim Kiwi.
Kể từ lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất Cực Nam này hơn 31 năm trước, Mitchell Phạm vẫn giữ nguyên thói quen chạy bộ dọc bờ biển đón bình minh mỗi sáng. Thỉnh thoảng, cậu bé nhập cư lúc 14 tuổi năm nào nay đã là Giám đốc Tập đoàn Augen Software Group cao hứng nhún chân nhảy điệu Ceroc trên cát. Điệu nhảy này đã không chỉ giúp Mitchell Phạm, từng đoạt vô địch giải khiêu vũ quốc tế khối liên minh Úc-New Zealand, hòa nhập với cuộc sống xa xứ, mà con cân bằng cuộc sống một doanh nhân thành đạt nhưng bận rộn.
“Mitchell Phạm là tài sản quốc gia của xứ Kiwi chúng tôi” là lời chia sẻ của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Steven Joyce, trong lễ khai trương Trung tâm Kiwi Connection tại TP.HCM nhằm thúc đẩy kết nối giao thương giữa New Zealand với Việt Nam vào giữa năm ngoái. Từ năm 2011, Mitchell Phạm đã được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vinh danh trao giải Lãnh đạo Quốc tế Trẻ (Young Global Leader) và Tập đoàn Augen Software Group do anh sáng lập 24 năm qua được giải thưởng uy tín Red Herring dành cho Top 100 doanh nghiệp dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trước đó, tài sản mà Mitchell Phạm tích lũy cho mình chính là sự kiên định từ những ngày “vác bụng rỗng đến giảng đường”. Buổi sáng, anh là sinh viên ngành công nghệ thông tin tại Đại học Auckland, chiều đi làm thêm 2 công việc một lúc và tối đêm về ôm hoài bão thành “ông chủ” cùng bạn học Peter Vile đồng sáng lập ra Augen Software Group.
Xuất phát điểm là doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực phần mềm vốn dĩ còn quá mới mẻ ở thị trường New Zealand những năm 1990, Mitchell phải trải qua không ít khó khăn. Hợp đồng viết phần mềm đầu tiên trị giá 10.000 USD đến được với Augen Software là thành quả chung sức sau 3 năm cặm cụi “gõ code miễn phí”. Vào thời điểm năm 1996, anh và Peter Vile “ngộp thở” khi lần đầu tiên được nhận số tiền cổ tức 12,5 USD của Tập đoàn.
Suốt quãng thời gian lập nghiệp cơ hàn ấy, người đàn ông gốc Việt này vẫn đều đặn 3 lần mỗi tuần, trong suốt 11 năm trời, tìm về nơi anh sống những ngày đầu tiên đến đất New Zealand, để kiên trì tìm mọi manh mối nuôi hy vọng tìm lại được gia đình thân yêu bị ly tán lúc anh mới 12 tuổi. “Tôi không muốn thế giới văn minh sau bao nhiêu năm vẫn đang tiếp diễn cảnh những em bé xa vòng tay người thân, bơ vơ trên những mảnh đất lạ”, Mitchell Phạm trầm giọng giải thích lý do khi đã là doanh nhân sở hữu khối tài sản nhiều triệu đô, anh vẫn âm thầm sáng lập ra tổ chức Refugee Family Trust năm 2011.
Cùng với sự lớn mạnh của công nghệ trên toàn cầu, ngày nay, Tập đoàn Augen Software của Mitchell Phạm đã trở thành tập đoàn đa quốc gia với 6 công ty thành viên, nằm trong số gần 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao tại xứ Kiwi. Đây là lĩnh vực đóng góp 8% GDP New Zealand, đem lại giá trị 6,5 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2016, tạo ra hơn 100.000 việc làm. Sau 12 năm hoạt động tại Công viên Phần mềm Quang Trung TP.HCM, Công ty Augen Việt Nam (công ty con của Augen Software Group) đã đạt doanh thu cao và cũng là nơi đặt trụ sở của Kiwi Connection.
Ảnh: Sơn Phạm |
Mitchell Phạm, vị Chủ tịch trẻ tuổi nhất trong lịch sử ngành công nghệ cao ở New Zealand (NZTech) và một trong những người Việt kiều thành công nhất trong ngành ICT hiện nay, khẳng định: “Augen Software sẽ cùng Kiwi Connection tạo nên cửa ngõ chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp công nghệ cao New Zealand đang đầu tư tại Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung. Trong năm mới 2017 này, lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) và các ứng dụng công nghệ cao sẽ lên ngôi và hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”.
7h sáng, khi vịnh Mission Bay lộng gió và tràn ngập nắng, Mitchell Phạm lại thong dong dắt Nước Tương và Nước Mắm (tên 2 chú cún cưng đã gắn bó với gia đình anh gần 10 năm) trở về nhà, chỉ cách bãi biển 5 phút đi bộ. Trong căn biệt thự trắng, người vợ gốc Anh đang nhanh tay đặt bông hoa mới hái trong vườn trang trí lên trên tô mì vịt tiềm đợi Mitchell đi dạo biển trở về. Hơn ai hết, Karen hiểu rõ đây là bữa sáng yêu thích giúp Mitchell giảm nỗi nhớ quê hương dịp Tết khi xuân đã về trên biển sáng nay.
Nhân chuyến công tác đầu xuân tại Auckland, vị Chủ tịch Việt kiều Kiwi mê khiêu vũ đã dành thời gian trò chuyện cùng độc giả NCĐT.
Trên đầu anh đang đội bao nhiêu chiếc mũ?
Không nhiều, 8 hay 9 cái thôi! Chiếc “mũ” mới nhất là vị trí Chủ tịch NZTech, nơi quy tụ gần 30.000 doanh nghiệp trong ngành công nghệ xứ Kiwi này. Chiếc “mũ thuyền trưởng” tôi yêu nhất là với Augen Software Group, đã gắn bó với tôi suốt 24 năm qua. Năm mới 2017, tôi không định giảm bớt mà chỉ muốn chinh phục những chiếc mũ lạ với nhiều thách thức mới ít người khai phá. Tôi cũng có thú vui sưu tập “Trucker Hat và Dad Cap” lên đến cả trăm chiếc.
Anh nghĩ mình khiêu vũ có đẹp không?
Vừa đủ chuẩn và uyển chuyển để giao lưu cho bạn nhảy hài lòng và truyền cảm hứng để khán giả nhớ tên mình. Tôi coi điệu Ceroc vừa là môn thể thao cho cơ thể và nghệ thuật cho tâm hồn, ngay từ những bước nhảy đầu tiên cho đến ngày đoạt chức vô địch giải khiêu vũ quốc tế khối Úc Châu - Australasian Ceroc Dance Championship năm 1997. Người doanh nhân muốn vươn tầm quốc tế, tôi nghĩ, nên kiên trì rèn luyện cho bằng được sự cân bằng hài hòa giữa công việc, gia đình và nuôi dưỡng sự sáng tạo bằng một tâm hồn lạc quan, khỏe mạnh.
Anh duy trì một tâm hồn lạc quan và tràn đầy năng lượng như thế nào?
Tôi tuân thủ việc đọc sách và tập gym đều đặn mỗi ngày, điều hành con người và quản trị công việc bằng đam mê và chia sẻ. Cuối tuần, tôi nắm tay Karen đi dạo biển để buổi tối được cô ấy “thưởng” đồ ăn Việt tự nấu.
Anh chiêm nghiệm điều gì sau những năm tháng bôn ba?
Qua chặng đường hơn 30 năm lập nghiệp trên đảo quốc Kiwi này, tôi nghiệm ra cuộc đời doanh nhân như những chiến hạm. Muốn chinh phục đại dương bao la, ngoài việc tự trang bị tri thức và tâm đức thì quan trọng hơn cả vẫn là bản đồ! Tầm nhìn chiến lược sẽ giúp thuyền trưởng lèo lái chiến hạm doanh nghiệp đi đúng mục tiêu. Khi ấy, lửa đam mê sẽ truyền cảm hứng và thu hút những người giỏi có tâm cùng đồng hành vượt qua thử thách tìm đến những đại dương xanh mới!
Các chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư New Zealand thấy gì ở thị trường Việt Nam sau mỗi lần anh đứng ra làm cầu nối?
Họ thấy một chú hổ đang chuyển mình lớn mạnh từng giờ. Sau làn sóng đầu tư đến từ các quốc gia láng giềng Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc, New Zealand đã và đang nhanh chóng xoay trục đầu tư vốn vào Việt Nam, vì họ tin tưởng vào nền kinh tế đang tăng trưởng thuộc vào hàng nhanh nhất trong khu vực châu Á, dựa trên nền tảng sức cầu nội địa mạnh của tầng lớp người tiêu dùng trẻ.
Minh Nguyệt
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Quảng Định
-
Nguyễn Hằng
-
Lam Nhi
-
Andreas Kaplan (Bảo Hân ghi)