Hủy
Doanh Nhân

Phó tướng của ông Bình

Quảng Định Thứ Ba | 17/12/2024 15:25

Bức ảnh được cho là chụp đầy đủ nhất các thành viên đồng sáng lập FPT. Ông Đỗ Cao Bảo ngồi ngoài cùng bên trái (hàng đầu tiên), phía sau là ông Trương Gia Bình.

 
 
Cuộc gặp tình cờ 36 năm trước đã đưa Đỗ Cao Bảo trở thành 1 trong 13 thành viên đồng sáng lập FPT.

“Đồng sáng tạo tương lai”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT, dành 12 phút diễn thuyết về chủ đề trên tại sân khấu FPT Techday 2024. Dưới khán phòng sức chứa 5.000 người, ở hàng ghế đầu, một người đàn ông trong bộ vest xám nhạt, trầm ngâm nhìn ông Bình, thỉnh thoảng nở nụ cười. Vị khán giả đó là ông Đỗ Cao Bảo, ủy viên Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân sự và Lương thưởng của tập đoàn này.

Mùa hè định mệnh

Là một trong những thành viên đồng sáng lập FPT vào năm 1988, nhưng ít ai biết, ông Bảo không thuộc diện nhóm nhân sự đầu tiên được ông Trương Gia Bình chiêu mộ gia nhập FPT. Thời điểm đó, triết lý của ông Bình là Công ty phải tập hợp toàn người tài năng, dân chuyên toán quốc gia hoặc quốc tế, được đào tạo ở nước ngoài. Do vậy, 12/13 thành viên đồng sáng lập FPT đều có quá trình học tập ở nước ngoài. Riêng ông Đỗ Cao Bảo học toán điều khiển tại Học viện Kỹ thuật Quân sự trong nước.

Nhưng một hội nghị tin học ở Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) đã thay đổi hoàn toàn sự nghiệp của Đỗ Cao Bảo. Đó là một ngày hè năm 1988. Ông Trương Gia Bình cũng có mặt tại hội nghị. Khi những người dự sự kiện đều cầm giấy phát biểu, nhà sáng lập FPT thấy có một thanh niên trắng trẻo, gầy gò, đeo kính cận dày cộp, ngồi ở góc hội trường và điều khiển chiếc máy chiếu, khiến các con chữ nhảy múa đầy sinh động trên màn chiếu lớn của hội nghị. Với ông Bình, đấy là công nghệ cao.

Ngay tối hôm sau, trên ban công tầng 5 của một căn hộ tập thể nhìn ra hồ Thành Công, Đỗ Cao Bảo được thuyết phục về ý tưởng thành lập công ty của ông Trương Gia Bình và trở thành đồng sáng lập thứ 13 của FPT.

 

Ông Bảo nhớ lại, để kiếm tiền nuôi Công ty, các nhà đồng sáng lập FPT phải làm cả dây chuyền sấy thuốc lá, buôn bán xe tải, sắt thép. Thậm chí, ông Bình và các thành viên còn bán vàng tiết kiệm để trả lương. “Anh Bình tạo cho mọi người niềm tin ở tương lai phía trước, khiến chúng tôi kiên trì gắn bó dù Công ty khó khăn. Lúc đó, FPT trả lương tôi 7 USD/tháng, trong khi có công ty lớn khác đã trả tôi 200 USD với chức vụ Giám đốc...”, ông kể lại.

Rồi những năm 1989, 1990, ông Bảo dành thời gian dài tìm kiếm cơ hội xuất khẩu phần mềm tại Đức, Pháp. Tới cuối năm 1994, ông trở thành Giám đốc đầu tiên của FPT IS (Công ty Hệ thống thông tin FPT) và dẫn dắt đơn vị này trở thành quả đấm thép của FPT, dẫn đầu về kinh doanh của Tập đoàn suốt 10 năm sau đó.

Sự tình cờ của 36 năm về trước đã đưa Đỗ Cao Bảo trở thành 1 trong 100 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam ở thời điểm hiện tại (dựa trên việc nắm giữ cổ phiếu FPT, ông có giá trị tài sản khoảng 1.900 tỉ đồng). Nhưng ngoài giá trị vật chất, quá trình đồng hành với FPT mới là điều khiến ông Bảo thấy hứng thú suốt chặng đường làm doanh nhân của mình. FPT là nơi ông phát hiện ra mình không chỉ có đam mê về phần mềm, mà còn có sở trường về xây dựng mối quan hệ, kinh doanh, làm việc với con người.

“Chê chém gió càng chứng tỏ FPT đúng”

Trong cuộc phỏng vấn với Tạp chí NCĐT, lão tướng sinh năm 1957 này ít nói về mình. Thay vào đó, ông chia sẻ nhiều về người đứng đầu FPT. Còn trên Facebook cá nhân, ông không ngại bày tỏ quan điểm gai góc để bảo vệ hình ảnh Tập đoàn cùng những ý kiến của Chủ tịch Trương Gia Bình, khi bị cộng đồng mạng hoài nghi và cho là “nổ”.

Với ông Bảo, chỉ những người có đủ thông tin và dữ liệu thông qua các cuộc tiếp xúc ở tầm quốc tế mới nhìn thấy cơ hội kinh doanh sớm. Ông Bình là người như vậy. Chủ tịch FPT từng tổ chức ăn tối và nói chuyện ở nhà riêng với một đoàn 50 doanh nhân lớn nhất Bắc Âu khi họ tới Việt Nam, hay có dịp trò chuyện riêng với Jensen Huang (sáng lập Nvidia), Jack Ma (sáng lập Alibaba), hay lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn. Do thông tin nhận được nhiều hơn người bình thường nên ông Bình có thể nhìn thấy cơ hội mà người khác không thấy.

 

“Ở Việt Nam, không ai nhìn thấy cơ hội về bán dẫn và trí tuệ nhân tạo nhiều như anh Bình. Nhiều người không thấy cơ hội và nói anh Bình chém gió. Nhưng cơ hội chỉ còn là cơ hội khi ít người nhìn thấy. Nhiều người chê là chém gió, càng chứng tỏ FPT đang đúng”, ông Bảo nói.

Từ câu chuyện ít người chia sẻ với niềm tin vào công nghệ của FPT, doanh nhân Đỗ Cao Bảo chỉ ra việc áp đặt suy nghĩ lên người khác đang kìm hãm sự phát triển. Là người từng kinh doanh ở nhiều nước Nam Á, Đông Nam Á, ông biết rõ rằng, những điều một số người hay chê bai Việt Nam thì các quốc gia khác đều có hoặc tệ hơn. Hay nhiều người lấy sự kiện một tập đoàn nào đó trên thế giới không đầu tư vào Việt Nam mà nhận định môi trường đầu tư Việt Nam kém hấp dẫn. Nhưng phương pháp luận đúng là phải tính tổng mức đầu tư FDI vào Việt Nam trong quãng thời gian 1 năm, 5 năm, 10 năm. Nếu con số này cao hơn các nước khác, chứng tỏ môi trường đầu tư Việt Nam hấp dẫn hơn.

“Người Việt vốn có bàn tay khéo léo và tố chất tốt chẳng thua kém nước nào trong khu vực, nhất là về phần mềm, A.I và bán dẫn. Jensen Huang thấy được điều đó nên ông mới cam kết biến Việt Nam trở thành quê hương thứ 2 của Nvidia. Ông ta nói vậy nhưng nhiều người không tin. Còn tôi tin ông nói thật và sẽ làm thật”, ông Bảo nói.
 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới