Hủy
Kiều bào

Người Việt bốn phương

Thứ Tư | 17/01/2018 15:19

Ông Nguyễn Phú Bình, tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần 8 nhiệm kỳ 2014-2019, đề nghị hiện thực hóa “Ngày Quốc Tổ toàn cầu”.
 

Thực hiện hóa "Ngày Quốc Tổ toàn cầu”

Thể theo nguyện vọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và trong nước, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, ông Nguyễn Phú Bình, tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 8 (khóa VIII) nhiệm kỳ 2014-2019, đã đề nghị hiện thực hóa “Ngày Quốc Tổ toàn cầu”.

Những năm gần đây, tại các nước có cộng đồng người Việt Nam sinh sống, hàng năm thường tổ chức ngày Việt Nam hoặc Lễ hội Việt Nam vào các thời điểm khác nhau. Ý tưởng nên xác định một “Ngày Việt Nam” để đồng bào trong nước và cộng đồng người Việt Nam trên toàn thế giới cùng tổ chức các hoạt động cộng đồng, hướng về Tổ tiên đất nước đã được kiều bào đề xuất. Theo bà con kiều bào ở nhiều nước có đông người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập, Ngày Giỗ tổ Hùng Vương là sự lựa chọn tốt nhất. Đây là ngày hội truyền thống của dân tộc tưởng nhớ công lao dựng nước của vua Hùng, được người dân Việt Nam trong và ngoài nước trân trọng.

Nguoi Viet bon phuong
 

Quá trình liên hệ và trao đổi đã hình thành “Nhóm sáng kiến về Ngày Quốc Tổ toàn cầu”. Thành viên ban đầu là một số kiều bào định cư tại nước ngoài, cá nhân công tác trong lĩnh vực truyền thông, cơ quan nghiên cứu văn hóa, xã hội, giáo dục, nghệ sĩ, doanh nhân... Chủ tịch Nguyễn Phú Bình cho biết, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài đã sớm tiếp xúc, làm việc với Nhóm, đã cùng các thành viên giới thiệu, phân tích chủ đề này tại các hội thảo, diễn đàn, trên phương tiện truyền thông đại chúng, trình bày với Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ban ngành liên quan. Sáng kiến đã nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt.

Thể theo nguyện vọng của Nhóm và nhận thấy việc thực hiện sáng kiến này phù hợp với tôn chỉ, mục đích, cũng như chức năng và nhiệm vụ của Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài. Hội đã tiếp nhận Nhóm sáng kiến và thống nhất thành lập Ban vận động cho “Ngày Quốc Tổ toàn cầu”, với Ban Cố vấn và Ban Thư ký, là các nhân sĩ, trí thức danh tiếng, có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, văn hóa, xã hội.

Ngày Giỗ tổ Hùng Vương đã được Nhà nước xác định là Ngày lễ chính thức với các nghi lễ tưởng niệm được cử hành ở Phú Thọ và nhiều tỉnh thành trong cả nước, thu hút sự quan tâm của đông đảo đồng bào trong và ngoài nước. UNESCO cũng đã công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; Ngày Giỗ tổ Hùng Vương đã được cộng đồng người Việt Nam tại nhiều nước tổ chức hàng năm.

Vì vậy, Ban Vận động đã làm việc với lãnh đạo một số Hội người Việt Nam tại các nước để phát động cuộc vận động này vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương năm nay (10.3 âm lịch). Để tạo hiệu ứng cao, Ban Vận động đã chọn địa bàn trọng điểm để tổ chức là Cộng hòa Séc, nơi có cộng đồng người Việt Nam tương đối lớn, có truyền thống đoàn kết và kinh nghiệm tổ chức thành công nhiều hoạt động cộng đồng trong nhiều năm qua. Cạnh đó, Ban Vận động cũng chọn một số địa bàn khác như Nga, Hungary, Đức, Ukraina, Hàn Quốc, Lào, Thái lan, Campuchia..., để tổ chức vận động nếu đủ điều kiện.

Tên gọi được điều chỉnh từ “Ngày Giỗ tổ Hùng Vương” thành “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu” theo ý kiến của kiều bào, nhằm tôn thêm tính chất thiêng liêng của ngày này trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Ngày 10.3 âm lịch tính sang dương lịch mỗi năm sẽ khác nhau và các hoạt động cộng đồng thường tổ chức vào ngày cuối tuần. Vì vậy, ở mỗi địa bàn có thể linh hoạt chọn ngày dương lịch gần với ngày 10.3 âm lịch (trước hoặc sau). Năm nay, tại Séc, chọn ngày 22.4 nhằm ngày 7.3 âm lịch.

Hiện nay, Ban Vận động đã hoàn thành việc xây dựng chương trình - kịch bản cho ngày này ở Séc gồm 3 phần: Lễ - Hội - Hội thảo về kiều bào với Ngày Giỗ tổ, thiết kế logo, chọn mẫu tượng thờ Vua Hùng, trang phục chủ tế, bài văn tế, xây dựng website, hồ sơ lưu trữ... Chủ tịch Nguyễn Phú Bình hy vọng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở các tỉnh/thành phố, các Hội thân nhân kiều bào, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài các tỉnh hưởng ứng, chung tay tổ chức hoạt động này một cách trang trọng. Các phương tiện truyền thông tập trung đưa tin về hoạt động này ở các địa phương, trung ương và cả địa bàn các nước do cộng đồng người Việt Nam tổ chức.

Làm gì để thu hút trí thức người Việt phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước?

Câu hỏi được đặt ra tại Hội thảo “Phát huy vai trò của tri thức khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài trong thời đại công nghiệp 4.0”. Trí thức kiều bào người Việt tập trung chủ yếu ở các nước phát triển. Theo quan sát của bà Đặng Thị Thu Hà, Phụ trách Vụ Quan hệ Kinh tế, Khoa học và Công nghệ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, những năm gần đây, hàng trăm trí thức Việt Nam đã từ nước ngoài trở về làm việc, tập trung vào các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của đất nước, như các dự án năng lượng, giáo dục và khởi nghiệp.

Nguoi Viet bon phuong
 

Lực lượng trí thức ở nước ngoài là một trong những nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp. Tuy nhiên, theo bà Hà, các chính sách đã được ban hành chưa đủ mạnh, chế độ đãi ngộ chưa hấp dẫn, lực lượng trí thức người Việt ở nước ngoài đầu tư chất xám vào trong nước. Nước ta chưa có đầu mối và hệ thống phối hợp thông tin, trao đổi, hướng dẫn giúp trí thức ở nước ngoài tiếp cận với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước để đóng góp ý tưởng sáng tạo, ý tưởng kinh doanh. Trong khi đó, cơ chế làm việc vẫn theo kiểu “xin - cho” và điều này đã tạo tâm lý chưa sẵn sàng về Việt Nam làm việc, cống hiến.

Thiếu môi trường khởi nghiệp và sáng tạo, chất xám của Việt Nam có nguy cơ chảy ra nước ngoài. Vấn đề lớn nhất với hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam chính là nguồn vốn cũng như khuôn khổ pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm. Những vấn đề này có thể khiến cho những trí thức người Việt ở nước ngoài nản lòng, ngay cả khi họ thiện chí hỗ trợ phát triển khởi nghiệp của đất nước.

Bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm đề án Vietnam Silicon Valley của Bộ Khoa học Công nghệ, hoạt động khởi nghiệp đang cần được hỗ trợ, không chỉ về tài chính, mà còn về kiến thức, kinh nghiệm từ các trí thức người Việt ở nước ngoài. Muốn vậy, điều cần làm đó là thay đổi về mặt chính sách để trọng dụng các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức đầu ngành với cơ chế trả lương và đãi ngộ thích đáng. Thêm vào đó, sự thay đổi về mặt cơ chế, chính sách theo hướng trao quyền chủ động cho những trí thức, nhà khoa học trong công cuộc nghiên cứu, đóng góp, hỗ trợ là yếu tố quan trọng tạo động lực cho lực lượng này về nước cống hiến. Nhà nước nên dành sự ưu tiên cho việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, khích lệ sự hình thành, phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp công nghệ. Điều này sẽ thu hút lực lượng cố vấn cao cấp, với kiến thức, trí tuệ, nguồn vốn, mối quan hệ góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới