Hủy
Kiều bào

Vận hội mới của ALOV

Hải Vân Thứ Ba | 01/10/2024 15:49

ALOV kết nạp thành viên mới và giao lưu với Đoàn Doanh nghiệp Nhật vào đầu tháng 7 tại Hà Nội. Ảnh: TL.

 
 
Kết quả Chương trình hành động giai đoạn 2019-2024 là nền tảng để ALOV triển khai các giải pháp kết nối cộng đồng người Việt toàn cầu.

Đại hội Đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 đã diễn ra trong 3 ngày từ ngày 18-20/9/2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Đại hội có nhiệm vụ đánh giá toàn diện tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024, rút ra bài học thực tiễn sâu sắc, đề ra các chương trình hành động thiết thực, hiệu quả cho nhiệm kỳ mới.

Nhân dịp này, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV) đã đánh giá kết quả triển khai thực hiện chương trình hành động trong giai đoạn 2019-2024 và đưa ra những giải pháp phát huy công tác công tác với người Việt Nam ở nước ngoài trong giai đoạn mới, từ nay đến năm 2029.

Quảng bá văn hóa, ngôn ngữ đến cộng đồng người Việt trên thế giới

Đáp ứng sáng kiến của nhóm đồng bào ta ở nước ngoài, được sự bảo trợ của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao, trong các năm 2019-2024, ALOV đã phối hợp với các tổ chức trong cộng đồng người Việt tại các nước tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại trên 10 địa bàn ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức nhằm mục tiêu lan tỏa các giá trị truyền thống của dân tộc trong cộng đồng người Việt trên toàn thế giới và giúp đồng bào ta ở nước ngoài gắn bó với quê hương, đất nước. Trước đó, việc tổ chức sự kiện này đã phải tạm thời ngừng lại do dịch COVID-19, dù ở nhiều quốc gia trên thế giới, có nơi đã tổ chức 3-4 lần, có nơi 6 lần.

Công tác dạy tiếng Việt đã được ALOV đẩy mạnh, thông qua phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Bộ Giáo dục và Đào tạo, xây dựng giáo trình dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, tham gia các hoạt động tập huấn cho giáo viên dạy tiếng Việt.

Hội đã phối hợp với Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng giáo trình dạy tiếng Việt online “Em học tiếng Việt“ thông qua các thứ tiếng khác. Đến nay, có 9 bộ sách khác đã được hoàn thành. Gần đây nhất, ngày 8/9, Hội đã phối hợp với các Hội người Việt Nam tại Anh và Nhật tổ chức thành công các trường dạy tiếng Việt online cho con em đồng bào ta tại Anh (bước đầu thu hút 220 em) và Nhật (bước đầu thu hút trên 250 em). Thời gian tới, cách làm này sẽ sớm được nhân rộng sang các địa bàn khác.

Hội cũng đã tổ chức nhiều hoạt động để truyền bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua dân ca và bài hát Việt Nam. Hội đã phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi của các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA), các Hội người Việt Nam tại châu Âu, Nhật, Lào, Thái Lan… tổ chức thành công cuộc liên hoan “Tôi yêu tiếng nước tôi” tại những nước này. Ngoài ra, dự án dạy tiếng Việt thông qua truyện cổ tích Việt Nam cũng đang được xúc tiến mạnh mẽ.

Tham gia xây dựng các văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến kiều bào

Lãnh đạo Hội luôn tích cực tham gia xây dựng các văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến đồng bào ta ở nước ngoài nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho đồng bào ta ở nước ngoài, tại các diễn đàn trong và ngoài Mặt trận Tổ quốc. Đặc biệt, Lãnh đạo Hội đã kiên trì kiến nghị vận dụng Luật Quốc tịch hiện hành theo hướng mở nhằm công nhận quốc tịch Việt Nam cho những người chưa thôi quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp có hại cho an ninh quốc gia.

Hội đã kiến nghị sửa đổi Luật Quốc tịch để cho phép những người đã thôi quốc tịch Việt Nam được trở lại quốc tịch Việt Nam trong bối cảnh nhiều nước châu Âu sửa đổi Luật cho phép đa quốc tịch. Hội cũng đã ký thỏa thuận với Liên đoàn Luật sư Việt Nam thành lập Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho đồng bào ta ở nước ngoài trong các vấn đề xuất nhập cảnh, cư trú, hôn nhân, thừa kế.

Khai thác nguồn lực to lớn của người Việt ở nước ngoài

Với sự bảo trợ của Mặt trận Tổ quốc và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, ALOV đã thành lập Diễn đàn Hỗ trợ đầu tư cho người Việt Nam ở nước ngoài (INVESFOV), nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, đầu tư và thương mại trong cộng đồng kiều bào với đất nước. Hiện tại, website của Diễn đàn INVESFOV đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép nhằm thu hút nguồn vốn của đồng bào ta ở nước ngoài vào các dự án trọng điểm, hợp lệ.

Thông qua việc giới thiệu của trí thức, nhân sĩ đang sinh sống, làm việc tại các nước có nền công nghệ cao, Hội cũng đang liên kết với một số tổ chức xã hội nghề nghiệp đưa ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo vào các cơ sở giáo dục trong nước.
Hội đang phối hợp với Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam (VUPDA) hỗ trợ Dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử và văn hóa Cầu Long Biên” của kiến trúc sư Nguyễn Nga, đã trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét. Hội cũng hợp tác với Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA) ủng hộ sáng kiến của các nhóm trí thức, doanh nhân Việt Nam trong và ngoài nước nhằm đưa Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng phụ tùng cho thị trường hàng không thế giới. 

Hội cũng phối hợp với Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nhân Việt Nam cùng với các tổ chức doanh nhân Việt Nam tại châu Âu tổ chức Diễn đàn văn hóa tại châu Âu nhằm tạo kênh kết nối mới giữa giới doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các trung tâm tư vấn, dịch vụ do Hội lập ra đã đổi mới hoạt động nên tạo được hiệu quả trong việc thu hút các cá nhân, tổ chức người Việt Nam ở các nước tham gia đóng góp cho sự phát triển một số lĩnh vực kinh tế ở trong nước.

Tăng cường mạng lưới truyền thông 

Hội đã và đang tập trung tăng cường mạng lưới truyền thông của Hội, nòng cốt là Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư và các trang thông tin trên các nền tảng công nghệ nhằm truyền tải thông tin của Hội và tình hình đất nước, cũng như chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước đến kiều bào và cập nhật thông tin cộng đồng người Việt trên thế giới đến với người dân trong nước. 

Đặc biệt, chương trình “Dấu ấn Việt Nam” hợp tác với Đài Truyền hình đối ngoại VTV4 mỗi tuần phát một chương trình bắt đầu từ giữa năm 2023, kéo dài trong 2 năm đã giới thiệu những thành tựu mọi mặt, nét đẹp thiên nhiên, văn hóa của đất nước, đạt được 2 giải cao trong Liên hoan các chương trình thông tin đối ngoại cuối năm 2023.

Kiện toàn tổ chức ALOV

Được sự quan tâm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố, mạng lưới thành viên của Hội đã được mở rộng đến khoảng 1/2 số tỉnh, thành trong cả nước. 

Hội cũng đã thu hút được các ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện cho các Hội người Việt cùng nhiều cá nhân đồng bào ta tại các nước tham gia Hội với tư cách Hội viên, Hội viên danh dự, Hội viên liên kết. ALOV cũng đã thu hút được nhiều chuyên gia, trí thức, doanh nhân trẻ tham gia Hội, làm cho các hoạt động của Hội ngày một sôi nổi và hiệu quả hơn. 

Hiện tại, Hội đã có 1 lãnh đạo tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 1 Đại biểu Quốc hội, 3 ủy viên Đoàn Chủ tịch và trên 20 ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiều người là lãnh đạo các tổ chức xã hội, nghề nghiệp nên giúp tăng cường đáng kể khả năng phối hợp công tác và kết nối giữa các tổ chức làm công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài trong và ngoài nước.

ALOV hỗ trợ đồng bào vùng lũ huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên ngày 13/9/2024.
ALOV hỗ trợ đồng bào vùng lũ huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên ngày 13/9/2024. Ảnh: TL

Phát huy hơn nữa công tác Mặt trận

Trong giai đoạn tới, từ nay đến năm 2029, Hội tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà Hội là thành viên, với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý nhà nước của Hội và các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội, ở Trung ương và địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ chung đối với đồng bào ta ở nước ngoài.

ALOV tiếp tục kiên trì kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền vận dụng Luật Quốc tịch hiện hành theo hướng mở nhằm giúp cho đồng bào ta ở nước ngoài chưa thôi quốc tịch Việt Nam được cấp quốc tịch Việt Nam, trừ những trường hợp không phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia. Đồng thời, Hội kiên trì kiến nghị sửa đổi Luật Quốc tịch theo hướng cho phép những người đã thôi quốc tịch Việt Nam được trở lại mang quốc tịch Việt Nam ở những nước đã thay đổi luật cho phép đa quốc tịch, kiến nghị xây dựng lộ trình thực hiện quyền bầu cử và ứng cử cho công dân Việt Nam ở nước ngoài.

ALOV hỗ trợ đồng bào miền Bắc ở vùng lũ lụt.
ALOV hỗ trợ đồng bào miền Bắc ở vùng lũ lụt. Ảnh: TL.

ALOV sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Luật sư Việt Nam triển khai thỏa thuận lập Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho đồng bào ta ở nước ngoài trong các vấn đề xuất nhập cảnh, cư trú, hôn nhân, thừa kế, đầu tư, hoạt động thương mại.

Đối với các hoạt động văn hóa, giáo dục nhằm gắn kết đồng bào, nhất là giới trẻ trong cộng đồng với đất nước: tiếp tục triển khai Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ở các địa phương. Hiện tại, Hội tiếp tục biên soạn giáo trình dạy tiếng Việt song ngữ, mở rộng các lớp dạy tiếng Việt online sang các địa bàn có điều kiện, thúc đẩy cuộc vận động dạy và học tiếng Việt thông qua bài hát Việt và dân ca “Tôi yêu tiếng nước tôi” tại các địa bàn, dạy và học tiếng Việt qua truyện cổ tích.

Việc hoàn thiện cơ chế vận hành Diễn đàn INVESFOV cũng tiếp tục được thúc đẩy, cải thiện hoạt động của các trung tâm tư vấn và dịch vụ của Hội. Ngoài ra, để tiếp tục chương trình “Dấu ấn Việt Nam”, Hội sẽ phối hợp triển khai Hệ thống giải thưởng Dấu ấn Việt Nam để vinh danh các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hội tiếp tục phối hợp với các tổ chức xã hội, nghề nghiệp thực hiện thành công một số dự án cụ thể như dự án Cầu Long Biên, dự án phát triển sản xuất phụ tùng linh kiện hàng không và các hoạt động kết nối doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài.

Cùng với đó, Hội kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cho phép người Việt Nam ở nước ngoài dù mang quốc tịch Việt Nam hay nước ngoài được tham gia làm thành viên của Hội Liên lạc cũng như các tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong nước. Đồng thời, kiến nghị các biện pháp tăng cường hiệu quả hoạt động của các Hội thành viên tại các địa phương, tiếp tục mở rộng mạng lưới Hội tại những địa phương còn lại. 

Để lan tỏa các hoạt động của Hội đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài, Hội đặc biệt chú ý kiện toàn lãnh đạo và tổ chức bộ máy Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư, đồng thời tăng cường hiệu quả những kênh truyền thông khác của Hội trên các nền tảng số.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới