Hủy
Kinh Doanh

Bộ Công thương ưu ái cấp quota nhập đường cho một số doanh nghiệp?

Thứ Hai | 12/11/2012 12:48

 
 
Theo ý kiến đại biểu Quốc hội, việc công bố hạn ngạch nhập khẩu đường trong thời gian thu hoạch mía ở vùng ĐBSCL khiến giá nguyên liệu giảm mạnh.

Trong phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đã chất vấn đề vấn đề cấp quota nhập khẩu đường.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, dựa trên đề xuất của Bộ Công thương, năm 2012 Chính phủ cho nhập 70 nghìn tấn đường, thời điểm nhập là tháng 8 và tháng 9.

Việc nhập khẩu đường sẽ là bình thường và cần thiết nếu đường tiêu thụ trong nước còn thiếu, song thực tế đây lại là điều không bình thường và gây bức xúc với người nông dân và nhà sản xuất mía đường ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vì 2 lý do.
Thứ nhất, thời điểm nhập khẩu vào tháng 8 và tháng 9 là không phù hợp và nhạy cảm vì đây là thời điểm vùng ĐBSCL đang thu hoạch mía, do vậy chủ trương cho nhập khẩu đường vào thời điểm này làm người sản xuất điêu đứng, giá nguyên liệu giảm mạnh, kéo theo giá đường ăn trong nước giảm
Thứ hai, theo báo cáo của hiệp hội mía đường, thời điểm này tồn kho đường là 314 nghìn tấn. "Câu hỏi đặt ra là tại sao Bộ Công thương lại ưu ái cấp quota cho 1 số doanh nghiệp nhập thêm 70 nghìn tấn đường dẫn đến chênh lệch giá không công bằng giữa các doanh nghiệp, gây khó khăn cho các nhà máy sản xuất mía đường trong nước", đại biểu Thủy nói.

Trước câu hỏi này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải trình, khi tham gia Tổ chức thương mại Quốc tế (WTO), Việt Nam đã đấu tranh giữ lại 4 mặt hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp là nhập khẩu phải có hạn ngạch, tức không được tự do nhập khẩu, trong đó có đường ăn.

Khi đã đấu tranh được vấn đề này, Việt Nam sẽ phải cam kết duy trì lượng hạn ngạch nhập khẩu tối thiểu trong 1 năm có mức thuế ưu đãi, nếu khẩu nhập ngoài hạn ngạch thì phải chịu mức thuế cao hơn, Bộ trưởng Hoàng cho hay.

Trả lời về cấp hạn ngạch đường 2012, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, theo cam kết phải cấp hạn ngạch trên 100 nghìn tấn, nhưng mới cấp có 70 nghìn tấn. Bộ trưởng cũng cho rằng việc cấp hạn ngạch nhập khẩu đường không phải là trách nhiệm của riêng Bộ Công thương, mà còn có sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội Mía đường để xác định hạn ngạch tối thiểu cho nhập là bao nhiêu và thời điểm nào.

Bộ Công thương không quyết định được mà chỉ là đơn vị cuối cùng công bố hạn ngạch nhập khẩu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Theo vị này, sau khi thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng các hiệp hội, việc công bố hạn ngạch nhập khẩu vào cuối vụ mía đường, tức khoảng cuối tháng 7 là phù hợp.

Đến nay, ước tính thực hiện nhập 65 nghìn tấn, so với hơn 1,4 triệu tấn đường tiêu thụ cả nước là không lớn lắm, người đứng đầu ngành Công thương nhận xét.

Thời gian tới, nếu có khiếm khuyết nữa thì Bộ Công thương sẽ xem xét việc công bố và xác định hạn ngạch phù hợp hơn, tránh việc ảnh hưởng tới sản xuất trong nước, ông nói.

Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội cũng phản ánh vừa qua, một số lô hàng thủy sản Việt Nam bị các nước nhập khẩu đưa ra các lý do về chất lượng, nhất là dư lượng kháng sinh vượt quy định để từ chối các đơn hàng.

Bộ trưởng Bộ Công thương thông tin, đây là các nước nhập khẩu rất nhiều thủy sản từ Việt Nam, nếu bị dựng hàng rào thương mại thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thương mại.

Trước tình hình này, thời gian qua Chính phủ đưa ra một số giải pháp khắc phục. Thứ nhất, bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp, nông dân khắc phục tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật quá lượng cho phép, ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thứ hai, khi xảy ra hiện tượng có nước có yêu cầu vô lý với hàng thủy sản Việt Nam, Bộ Công thương cũng đã liên hệ với cơ quan ngoại giao để có những phản ứng phù hợp với các trường hợp này, trên quan điểm phản đối việc phân biệt đối xử, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam.

Thứ ba, cần có chính sách hỗ trợ xuất khẩu thủy sản, trong đó phải tìm thị trường mới qua việc thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại mạnh mẽ hơn, ký kết các hiệp định thương mại.

Thứ tư, tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người sản xuất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản cũng cần liên kết, bảo vệ lẫn nhau, tránh trường hợp bán phá giá để cạnh tranh, làm giảm uy tín thủy sản Việt Nam.

Nguồn Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới