Hủy
Kinh Doanh

Bước nhảy A.I của Đông Nam Á

Việt Phong (Tổng hợp) Thứ Hai | 27/11/2023 07:30

Báo cáo Venture Pulse quý I/2023 của KPMG cũng nhấn mạnh sự hứng thú của các nhà đầu tư đối với A.I. Ảnh: The Medical City.

Các quốc gia Đông Nam Á đang đẩy mạnh A.I vì công nghệ này có tiềm năng đóng góp tới 1.000 tỉ USD vào nền kinh tế khu vực vào năm 2030.
 

Tại bệnh viện The Medical City ở thủ đô Manila, Philippines, bác sĩ X-quang Jose Legarda và nhóm của ông đang sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo (A.I) Lunit Insight CXR (được đưa vào sử dụng từ tháng 1 năm nay) để nhận diện các ca nghiêm trọng như tràn khí màng phổi hay xẹp phổi, cho phép các bác sĩ nhanh chóng bắt tay vào việc điều trị bệnh. “Tính kịp thời là cực kỳ quan trọng trong điều trị bệnh. Và trong trường hợp đặc biệt này, nó cứu mạng người. Vì thế, ứng dụng A.I trong X-quang thực sự rất hữu ích”, bác sĩ Legarda nói.

Bác sĩ Legarda mô tả Lunit Insight CXR, một công cụ A.I được sản xuất bởi Hàn Quốc có thể phát hiện 10 loại bất thường trong chụp X-quang ngực như “đôi mắt thứ 2” vì cũng giúp bác sĩ xác nhận lại những chẩn đoán của họ, vốn phải dựa trên rất nhiều năm kinh nghiệm mới có thể chẩn đoán được. “Đôi khi chúng ta ngờ vực phán đoán của chính mình. Nhưng khi có được đôi mắt thứ 2 nhờ công cụ A.I, bạn có thể nhìn thấy được những thứ mà mình có thể đã bỏ lỡ, hoặc khẳng định những gì mình đang thấy”, ông nói thêm.

Bùng nổ ứng dụng A.I 

A.I đã phát triển mạnh trên toàn cầu, đặc biệt từ sau sự ra đời của ChatGPT vào cuối năm ngoái. Những công nghệ dựa trên A.I như chatbot tự động thay con người làm những công việc có tính lặp đi lặp lại trong khi các công cụ A.I tạo sinh như ChatGPT và Midjourney cho phép các doanh nghiệp tạo ra nội dung nhanh hơn với chi phí lao động giảm mạnh.

 

Các quốc gia Đông Nam Á không bị bỏ quá xa trong cuộc đua này. Philippines, chẳng hạn, những năm gần đây đã bắt đầu tích hợp A.I vào các lĩnh vực quan trọng như chính phủ, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, vận tải và tài chính. “A.I đã hiện hữu ngoài kia và chúng ta thấy được một số người đã và đang hưởng lợi từ A.I bằng cách thúc đẩy việc triển khai A.I và biến A.I trở thành trợ thủ của họ”, Michelle Alarcon, Chủ tịch Hiệp hội Phân tích và Trí tuệ nhân tạo Philippines (AAP), vốn đang làm việc với chính phủ nước này để khai phá tiềm năng khổng lồ của A.I, nhận xét.

Không chỉ Philippines, chính phủ các nước Đông Nam Á khác cũng đã đi những bước đầu tiên trong việc nâng cao năng lực A.I, trong đó Singapore đang dẫn đầu khi ra mắt Chiến lược Quốc gia vào năm 2019. Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam cũng đã phác thảo các chiến lược A.I quốc gia của riêng mình và đưa ra lộ trình triển khai A.I khi nhận ra tiềm năng của A.I trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy cải tiến và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ và trải nghiệm khách hàng.

Một nghiên cứu năm 2020 của Kearney chỉ ra mặc dù việc sử dụng A.I vẫn còn ở giai đoạn sơ khai tại Đông Nam Á, nhưng A.I có tiềm năng đóng góp tới 1.000 tỉ USD vào nền kinh tế ASEAN vào năm 2030. Nghiên cứu này lấy Singapore như một ví dụ, dẫn chứng các mảng dịch vụ ở đây đã đóng góp chủ chốt vào GDP của đảo quốc sư tử. Singapore cũng có một nền kinh tế kỹ thuật số tiên tiến với tính hiệu quả và tự động hóa cao, đặt nước này vào một vị thế rất thuận lợi để khai phá đầy đủ tiềm năng của A.I.

Theo chia sẻ của bà Josephine Teo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore, trong 5 năm qua, chính phủ nước này đã đầu tư 500 triệu USD vào việc nghiên cứu và phát triển A.I. Chính phủ đã sử dụng A.I trong các quy trình xử lý nhằm gia tăng năng suất và mang lại lợi ích tốt hơn cho công dân nước họ. Hàng ngàn cán bộ viên chức đang sử dụng một chatbot chính phủ dựa trên ChatGPT để hỗ trợ họ viết, nghiên cứu và mã hóa. Chatbot có tên là Pair, được phát triển bởi cơ quan công nghệ chính phủ Singapore GovTech, vốn nhắm đến mục đích cuối cùng là tung ra chatbot này cho khoảng 150.000 nhân viên chính phủ.

Chính phủ Việt Nam cũng đang dự định triển khai A.I để nhận diện và cảnh báo các trường hợp trốn thuế. Ảnh: Quý Hòa
Chính phủ Việt Nam cũng đang dự định triển khai A.I để nhận diện và cảnh báo các trường hợp trốn thuế. Ảnh: Quý Hòa.

Nhiều sáng kiến cũng được ra mắt để nuôi dưỡng tài năng công nghệ ở Singapore như chương trình đào tạo của Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm, vốn đã đào tạo và sắp xếp cho hơn 2.600 cá nhân vào các vị trí A.I và phân tích dữ liệu. “Singapore nổi trội vì tầm nhìn của nước này, một tầm nhìn tổng thể chính phủ về cách A.I sẽ được phát triển trên phạm vi toàn quốc gia và có cả một ban chỉ đạo cấp cao cho việc này”, Jacob Hook, đối tác điều hành tại hãng tư vấn quản lý Oliver Wyman, nhận xét.

Các quốc gia Đông Nam Á khác cũng đang khai thác A.I để cải thiện năng suất và tính hiệu quả ở các lĩnh vực chủ chốt. Tại Indonesia, Chính phủ sử dụng một ứng dụng A.I gọi là Telemedicine Indonesia để nối kết bệnh nhân với các bệnh viện và bác sĩ trong suốt đỉnh điểm khủng hoảng COVID-19.

Tại Việt Nam, thành phố Huế cũng đang sử dụng một nền tảng tương tác gọi là Hue-S, nơi công dân có thể cung cấp các phản hồi theo thời gian thực với cơ quan chính quyền. Chính phủ Việt Nam cũng đang dự định triển khai A.I để nhận diện và cảnh báo các trường hợp trốn thuế nhằm giảm sai sót từ phía con người, gia tăng mức độ tuân thủ thuế và đảm bảo nguồn thu chính phủ.

Tại Thái Lan, Cơ quan Quản lý hành chính vùng đô thị Bangkok (BMA) cũng sử dụng A.I để quản lý những con đường có lượng xe đông đúc. Theo đó, công nghệ được sử dụng để ước lượng lưu lượng giao thông, phân tích các điểm kẹt xe và triển khai các giải pháp. Ví dụ, phần mềm cho phép BMA điều chỉnh thời gian đổi màu đèn giao thông để phù hợp với lưu lượng giao thông hay theo dõi những vi phạm như lái xe máy vào phần đường dành cho người đi bộ.

 

Trong khi đó, Datuk Aminuddin Hassim, Tổng Thư ký Bộ Khoa học, Công nghệ và Cải tiến Malaysia, cho biết nước này sử dụng A.I để kiểm tra quang học tự động trong sản xuất và tự động hóa, cơ giới hóa cọ dầu trong nông nghiệp.

Xu hướng các doanh nghiệp ứng dụng A.I vào hoạt động kinh doanh cũng tăng mạnh. Theo báo cáo của IDC, tỉ trọng doanh nghiệp ứng dụng A.I trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tăng từ mức 39% vào năm 2020 và 2021 lên mức 76% vào năm 2022. Đặc biệt, khu vực Đông Nam Á chứng kiến chi tiêu vào các giải pháp A.I sẽ tăng từ mức 174 triệu USD năm 2022 lên con số 646 triệu USD vào năm 2026. 

Cũng theo báo cáo, thị trường cho công nghệ này được dự báo sẽ tăng trưởng hằng năm 40,8% trong giai đoạn 2021-2026. Ngành ngân hàng, dịch vụ tài chính và bảo hiểm có mức chi tiêu nhiều nhất, chiếm tới 26,6% tổng chi tiêu vào A.I tại khu vực Đông Nam Á, theo sau là ngành sản xuất với 17%, khu vực chính quyền là 11%. Động lực thúc đẩy ứng dụng các nền tảng A.I chủ yếu là do nhu cầu phải nâng cao năng suất lao động, gia tăng tốc độ ra mắt sản phẩm mới và cải thiện năng lực quản lý rủi ro.

Senti AI, đơn vị đi tiên phong trong việc sử dụng công nghệ ở Philippines, chẳng hạn, cung cấp cho các doanh nghiệp công nghệ NLP (xử lý ngôn ngữ tự nhiên) để giúp “dò” cảm xúc về sản phẩm của họ trên mạng xã hội. Các công ty viễn thông như PLDT, Smart, Globe đã và đang phát triển các robot đối thoại để gọi nhắc nhở những khách hàng chưa trả hóa đơn điện thoại đúng hạn. Tại Thái Lan, công ty công nghệ nông nghiệp Easy Rice đang sử dụng công nghệ A.I để kiểm tra, thẩm định chất lượng và giống lúa thu hoạch để giảm chi phí phát sinh do lỗi con người gây ra và số hóa quy trình thẩm định này.

Sóng đầu tư vào A.I 

Hưởng ứng cơn sốt A.I trong khu vực, các startup A.I của Đông Nam Á đã huy động 1,1 tỉ USD vào tháng 9/2023, tăng 126% so với tháng 8, theo DealStreetAsia. Đây là lần thứ 3 trong năm 2023 số vốn gọi được của các startup đã vượt mốc 1 tỉ USD tại khu vực này. Trong khi đó, theo Tech In Asia, tính từ đầu năm đến tháng 9/2023, có 27 startup A.I Đông Nam Á đã nhận được vốn rót so với con số 32 startup của cả năm 2022. Singapore có số lượng startup A.I nhiều nhất trong khu vực với 116 công ty nhờ có các chính sách ưu đãi đầu tư cùng lực lượng lao động kỹ năng cao.

 

Báo cáo Venture Pulse quý I/2023 của KPMG cũng nhấn mạnh sự hứng thú của các nhà đầu tư đối với A.I. “Những startup A.I mà có thể cho thấy tiềm năng của A.I ở quy mô công nghiệp hoặc ứng dụng thương mại, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất tiên tiến, vận tải, quản lý năng lượng, công nghệ y tế và tối ưu hóa quy trình và năng suất sẽ thu hút những đồng đô la đầu tư”, ông Irene Chu, đối tác của KPMG China, nhận định. East Ventures, chẳng hạn, đã trở nên tích cực với công nghệ A.I kể từ tháng 8 năm ngoái khi hãng này đầu tư vòng hạt giống vào Bahasa.ai. của Indonesia.

Kết quả của sự phấn khởi này là quy mô thị trường A.I Đông Nam Á được dự báo sẽ đạt 26,89 tỉ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng kép CAGR 19,87% trong giai đoạn 2023-2030, theo Statista Market Insights. Riêng thị trường A.I tạo sinh của khu vực dự kiến sẽ đạt 7,65 tỉ USD vào năm 2030 với CAGR 27,33% trong cùng giai đoạn.

Dẫu vậy, những nỗi lo ngại về A.I vẫn còn đó như nỗi lo A.I sẽ khiến nhiều người mất việc và khả năng sử dụng A.I để lừa đảo. Mặc dù tình trạng mất việc sẽ khó tránh khỏi đối với một số công việc nhưng Varun Arora, đứng đầu mảng kỹ thuật số châu Á - Thái Bình Dương tại Kearney, vẫn giữ quan điểm rằng ứng dụng A.I nên được xem là sự hỗ trợ cho công việc của người lao động và giúp nâng cao khả năng ra quyết định. Tuy nhiên, ông cho rằng chìa khóa nằm ở việc đào tạo lại kỹ năng cho phù hợp.

Đồng quan điểm, ông Teo Peiru, CEO của KeyReply, Công ty xây dựng trợ lý ảo A.I cho các doanh nghiệp, cho rằng những công ty tích hợp A.I vào hoạt động của họ có trách nhiệm phải đào tạo lại lao động của mình. “Qua kinh nghiệm của chúng tôi, không có khách hàng nào của chúng tôi sa thải lao động do áp dụng A.I. Điểm mấu chốt là sử dụng A.I như một công cụ giúp nhân viên đạt được các chỉ số hiệu suất một cách hiệu quả hơn”, Peiru nói.
 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới