Hủy
Kinh Doanh

Các hãng mì ngoại đua nhau thay đổi để giành thị phần Việt Nam

Thứ Hai | 17/10/2016 18:37

 
 
Việt Nam thuộc nhóm nước tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất thế giới, do đó, các hãng mì Nhật Bản luôn muốn giành được nhiều thị phần nhất có thể.

Theo Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới, người Việt ăn khoảng 4,8 tỷ gói mì trong năm 2015. Với dân số khoảng 90 triệu người, trung bình mỗi người ăn hơn 50 gói mì mỗi năm.

Chiếm 5% lượng tiêu thụ toàn cầu, Việt Nam hiện là thị trường mì gói lớn thứ 4 thế giới, sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản. Xu hướng thay đổi lối sống của người dân do tăng trưởng kinh tế xem ra khá là phù hợp với kế hoạch mở rộng thị trường của các hãng mì Nhật.

Trước đây, các công ty Nhật chủ yếu tập trung phát triển sản phẩm mì gói giá rẻ. Nhưng nay, họ đang tập trung vào cho loại mì ly ăn liền có giá cao hơn, nhằm hướng đến các khách hàng có thu nhập cao hơn.

Acecook Việt Nam, một công ty con của Acecook Nhật Bản có trụ sở tại Osaka, hiện đang nắm 50% thị phần mì ăn liền tại Việt Nam. Vào tháng 7, hãng mì này cho ra mắt mì ly Handy Hảo Hảo với nhiều thịt và rau hơn bình thường. Với giá 8.000 đồng/ly, loại mì này đắt hơn gấp đôi so với mì gói trong bao nilon thông thường. Acecook Việt Nam đã bắt đầu bán loại mì mới ở TPHCM, Hà Nội và một số thành phố lớn khác. Hãng này lên kế hoạch mở rộng kinh doanh loại mì ly này ra khắp cả nước từ tháng 10.

Nhà máy mới nhất của Acecook Việt Nam nằm trong một khu công nghiệp cách trung tâm TPHCM 40 phút lái xe. Nhà máy này gồm 3 dây chuyền sản xuất, trong đó có 1 dây chuyền được thiết kế riêng để làm mì ly. Dây chuyền này có thể sản xuất tới 180 triệu ly mì Handy Hảo Hảo và các loại mì ly khác. Hãng cũng tính mở thêm một nhà máy mì ly nữa ở miền Bắc.

Sản phẩm chính của Acecook Việt Nam là Hảo Hảo đã xuất hiện trên thị trường từ năm 2000. Lý do chính để công ty chuyển đổi từ mì gói sang mì ly là do lượng người có thu nhập trung bình ngày càng tăng. Nhóm này chủ yếu sống ở các đô thị và có sở thích ăn uống ngày càng đa dạng hơn.

Nhu cầu mì ăn liền tại Việt Nam đạt đỉnh năm 2013 với 5,2 tỷ gói mì được tiêu thụ. Tuy nhiên, con số này đã giảm dần trong hai năm sau đó.

Kinh tế tăng trưởng 5 - 7%/năm khiến số người thu nhập cao tăng lên. Số lượng các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh và cửa hàng tiện lợi cũng tăng lên nhanh chóng, khiến cho nhu cầu ăn mì ly gia tăng theo nhờ tính tiện lợi, theo lãnh đạo Acecook Việt Nam cho biết.

"Mì ly bán chạy hơn mì gói trong một số cửa hàng ở TPHCM", Junichi Kajiwara, Chủ tịch Acecook Việt Nam, nói. "Đây là điều mà trước đây có tưởng tượng cũng không hình dung ra được". Acecook Việt Nam dự tính sẽ tăng tỷ trọng doanh thu từ mì ly từ 2% hiện nay lên 5% vào cuối năm 2017.

Nhiều công ty đối thủ của Acecook cũng cho ra mắt các sản phẩm mì ly có hương vị độc đáo phù hợp với khẩu vị người Việt. Trong tháng 7, Nissin Food đưa ra thị trường Việt Nam nhãn hiệu mì ly nổi tiếng toàn cầu của hãng này là Cup Noodles. Mặc dù có giá khá đắt, 12.000-15.000 đồng/ly, nhưng theo lãnh đạo Nissin giải thích, đây là chiến lược của họ nhằm tạo nên nhu cầu ăn mì đắt tiền cho người có thu nhập trung bình.

Các công ty mì Hàn Quốc và doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nhanh chóng nắm bắt được nhu cầu mi ly.

"Dân số Việt Nam đang tăng trưởng và người dân đang ngày càng giàu có hơn, kể cả ở vùng nông thôn", Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện văn phòng Hà Nội của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) nói. "Có nhiều cơ hội để thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ".

Nhờ tham gia vào TPP, Việt Nam cũng tạo cơ hội cho các hãng mì Nhật đẩy mạnh xuất khẩu hơn một khi TPP có hiệu lực. Đổi lại, Acecook Việt Nam cũng đã xuất khẩu nhiều sản phẩm từ Việt Nam sang Bắc Mỹ và châu Âu. Doanh nghiệp này lên kế hoạch tăng tỷ lệ xuất khẩu trong tổng doanh thu từ 8% hiện tại lên 20% trong vòng 3 năm tới.

Trường Văn

Nguồn Asahi


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới