Chiến dịch trấn áp bạo loạn lớn nhất của cảnh sát cơ động TP HCM
Nhóm người gây rối mỗi lúc một đông và bắt đầu nẹt pô, phóng xe lạng lách, lao cả vào các lực lượng cảnh sát cơ động đang làm nhiệm vụ. Càng về sáng, các đợt tấn công của những kẻ quá khích càng dữ dội hơn. Những chai thuỷ tinh chứa đầy xăng, phía trên gắn bấc chất trong các thùng được chở tới bằng xe máy cho những thanh niên gây rối ném về phía cảnh sát.
"Chúng tôi được lệnh phải kìm chế, động viên nhau chịu đựng, không đáp trả nhóm người hung dữ ấy bởi phần đông họ là những người yêu nước", trung uý Phan Thanh Tòng - Tiểu đoàn 1 Trung đoàn cảnh sát cơ động Công an TP HCM - kể về cuộc trấn áp lớn nhất từ trước đến nay khi bảo vệ các khu công nghiệp trước tình trạng bạo động hồi tháng 5.
Thời điểm đó, hàng nghìn người dân cả nước đã tụ tập phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong thềm lục địa Việt Nam. Nhiều kẻ lợi dụng tình hình này đã kích động gây bạo động. Ngày 13/5, một số khu công nghiệp ở các tỉnh giáp ranh TP HCM như Bình Dương, Đồng Nai bị nhóm người kích động đốt phá và trộm cắp tài sản, kể cả các công ty của Đài Loan, Nhật...
Tình hình phức tạp lan có chiều hướng lan xuống TP HCM, Ban giám đốc Công an TP HCM lệnh cho toàn lực lượng sẵn sàng ra quân bảo vệ các khu chế xuất Linh Trung I, II và khu công nghiệp Linh Chiếu (trên địa bàn quận Thủ Đức). Trinh sát của Trung đoàn cảnh sát cơ động được tung đi nắm tình hình ở nhiều khu vực trung tâm thành phố, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc, các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn… để sẵn sàng xử lý các tình huống.
Dự tính tình hình có thể xấu đi, lực lượng cảnh sát cơ động đã huy động cả nghìn cán bộ chiến sĩ, 42 xe chở quân, 3 xe chống bạo động, 15 chó nghiệp vụ hệ tấn công... phối hợp với địa phương ngăn chặn những kẻ manh động, đập phá các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là của Trung Quốc.
Nằm trong lực lượng có mặt đầu tiên, trung uý Phan Thanh Tòng cùng nhiều đồng đội ém quân tại UBND phường Linh Trung (quận Thủ Đức). Các cảnh sát cơ động đã triển khai canh giữ ở các con đường, tập trung đông ở cổng khu công nghiệp. Lúc này, hàng nghìn người đã tập trung tuần hành dọc các tuyến đường và ở các khu chế xuất Linh Trung I, II, Khu công nghệ cao (quận Thủ Đức). Họ đứng trước hàng rào cảnh sát, giương cao cờ Tổ quốc, hô hào.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các khu công nghiệp khác của TP HCM, kéo dài gần 6 tiếng. Đến 1h sáng hôm sau, phần lớn người dân đã thu xếp băng rôn, lần lượt về. Đám đông còn lại hơn trăm người chủ yếu là những nhóm thanh niên bặm trợn. Họ áp sát cổng, xô đẩy nhưng lực lượng cảnh sát vẫn giữ vững hàng ngũ. Càng về sáng, trung uý Tòng cùng đồng đội càng đối mặt với nhiều đợt tấn công dữ dội hơn.
Dưới ánh đèn vàng vọt, các cảnh sát cơ động tay ôm khiên chắn, khum sát người để đỡ những trận "mưa" bom xăng, gạch đá, bột ớt… trút từ trên xuống. Mắt cay xè, gáy bỏng rát bởi bột ớt, nhiều người quỵ ngã vì bị ném trúng hay choáng vì những tiếng nổ.
"Lúc đó chúng tôi chỉ biết giữ vững tay, anh em nhắc nhở nhau thu mình sát lại để tránh chấn thương, không gây thêm kích động. Nhưng đến lúc không thể chịu nổi, chúng tôi phải dùng quả nổ nghiệp vụ và bình xịt hơi cay để đẩy đám đông ra xa", viên cảnh sát vào ngành 9 năm kể.
Chiếc cổng sắt dài chừng 20 m bị xô ngã, cảnh sát và nhóm người bên ngoài chỉ còn cách nhau qua hàng khiên sắt. Phía trong, trung uý Tòng cùng đồng đội nhìn rõ từng khuôn mặt thanh niên đỏ gay, mắt trợn ngược đầy hung tợn. Có khả năng họ say rượu hoặc sử dụng chất gây nghiện. Do phải phân chia lực lượng chốt ở nhiều nơi, tổ của anh Tòng chỉ có 15 chiến sĩ cố thủ ở cổng. Thời gian và sức ép nặng nề trôi qua từng phút đối với anh và đồng đội. "Đợi chi viện quá lâu, có lúc tôi nghĩ mình buông xuôi. Vẫn còn rất nhiều chai xăng đang ném, nhiều đồng đội của tôi đã bị bỏng", anh Tòng chia sẻ.
Trong khi đó, không được may mắn như tiểu đội của trung uý Tòng, nhóm cảnh sát làm nhiệm vụ tại cổng C (khu chế xuất Linh Trung I) đã bị tấn công, vỡ cả đội hình. "Lực lượng mỏng, anh em cứ che chỗ này là nhóm khác lại len vào bên trong. Đám đông tràn vào các công ty gần đấy lấy nhiều bình CO2 xịt vào chúng tôi", một cảnh sát trẻ cho hay.
Cố thủ đến khoảng 4h ngày 14/5, các khu vực bị tấn công được tăng cường bởi hàng trăm chiến sĩ của các tiểu đoàn 2, 3. Cùng lúc này, lệnh tấn công được lãnh đạo Công an TP HCM thông qua, nhiều cảnh sát cơ động cùng chó nghiệp vụ xông ra trấn áp, bắt nhi
Trời hừng sáng thì cảnh sát làm chủ tình thế, ổn định an ninh trật tự. Nhiều kẻ gây rối, trộm cắp được cảnh sát cơ động bàn giao cho công an địa phương xử lý. Những ngày sau đó, lực lượng chống bạo động vẫn thay nhau bám trụ ở các khu công nghiệp để giữ trật tự.
Đây được cho là chiến dịch trấn áp lớn nhất từ trước đến nay của Trung đoàn cảnh sát cơ động Công an TP HCM. "Đã xác định theo nghiệp này là phải đối mặt với nguy hiểm để giữ vững an ninh, bình yên cho mọi người. Đó vừa là nhiệm vụ, vừa là vinh quang giúp chúng tôi vượt qua nhiều tình huống thập tử nhất sinh", trung úy Tòng nói.
Nguồn VnExpress
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư