Cuộc chiến hàng hiệu nhìn từ tòa nhà cao nhất Việt Nam
Bên trong những trung tâm thương mại của Parkson, nơi các sản phẩm hàng hiệu của Lascoste, Giovanni, Calvin Klein, Nine West, Vera được bày bán, người ta không khó để nhận ra Parkson là nơi tập trung của các thương hiệu xa xỉ.
8 không phải là con số trung tâm thương mại cuối cùng của Parkson tại Việt Nam.
Gia nhập thị trường từ năm 2005, tập đoàn Malaysia đến vào thời điểm các trung tâm thương mại cao cấp vẫn còn rất thiếu. Quanh đi quẩn lại chỉ có Vincom và một vài trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Lợi thế ít cạnh tranh kết hợp với vị trí đẹp (nằm ở khu vực trung tâm), doanh thu của Parkson tại Việt Nam liên tục tăng trưởng.
Việc Parkson liên tục mở rộng tại Việt Nam không có gì lạ.Theo nghiên cứu của CBRE về mặt bằng bán lẻ ở các thị trường thánh phố chính ở châu Á, mặt bằng bán lẻ ở hai khu vực trung tâm là Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh vẫn còn rất thấp nếu so sánh với các thành phố lớn trong khu vực như Bắc Kinh, Thượng Hải, Jarkata hay Bangkok.
Tiềm năng nhưng không có nghĩa là dễ khai thác. Theo ghi nhận của Parkson, khoảng thời gian 3 năm trở lại đây, từ năm 2010 - 2012, lợi nhuận của tập đoàn liên tục sụt giảm dù doanh thu có tăng. Ghi nhận từ báo cáo của năm tài khóa 2012, lợi nhuận khu vực của Parkson tại Việt Nam năm 2012 đã giảm phân nửa.
Lợi nhuận giảm, mức lợi nhuận tính bình quân trên số lượng trung tâm thương mại của Parkson tại Việt Nam cũng ở mức thấp nhất so với các quốc gia có sự hiện diện của tập đoàn bán lẻ này như Trung Quốc hay Malaysia.
Việc Parkson sụt giảm mạnh lợi nhuận trong năm 2012 bên cạnh ảnh hưởng của nền kinh tế đang gặp khó khăn, người dân giảm chi tiêu còn đến từ việc tập đoàn này liên tục mở rộng.Chi phí xây dựng trung tâm thương mại Parkson Landmark 72 đã tiêu tốn của tập đoàn này 10 triệu USD tiền đầu tư và cần thời gian để "hồi vốn". Thêm vào đó, việc Parkson mở rộng hoạt động ra khỏi khu vực trung tâm các thành phố lớn là Hồ Chí Minh và Hà Nội sang các khu vực xa trung tâm hơn khiến việc kinh doanh gặp khó khăn hơn.
Tương tự như Parkson, một đại gia hàng đầu của ngành bán lẻ Hàn Quốc là Lotte cũng đang chịu lỗ. Năm 2010, Lotte Vietnam Shopping, một công ty con của Lotte tại Việt Nam đã chịu một khoản lỗ 15,8 tỉ won (tương đương 14,5 triệu USD), còn Lotte Cinema lỗ 1,46 triệu USD. Sang năm 2011, hai công ty này tiếp tục gánh một khoản lỗ tương tự.
Tuy nhiên, bất chấp lợi nhuận đang suy giảm, cả Parkson lẫn Lotte vẫn không ngừng đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh thị trường chính là Malaysia và Trung Quốc, Việt Nam đang là quốc gia được Parkson chú trọng phát triển. Khoảng giữa tháng 12 năm 2012, trung tâm thương mại thứ 9 của Parkson đã được khởi công tại TP. Hồ Chí Minh và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý 4 năm nay. Ngoài ra, tập đoàn này sẽ sẽ tiếp nhận 2 trung tâm thương mại nữa tại thành phố Hồ Chí Minh.
Việc cả Parkson, Lotte đều mạnh dạn đầu tư cho thị trường hàng hiệu của Việt Nam vẫn còn đầy sức hút. Và không chỉ có Parkson hay Lotte là người duy nhất thấy điều này. Các tập đoàn lớn trên thế giới tập đoàn Takashimaya, Aeon (Nhật Bản) hay cả những tập đoàn trong nước cũng không giấu diếm tham vọng xâm lấn vào thị trường đầy tiềm năng và còn sơ khai này.
Nguồn CafeBiz
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư