Cuộc chiến “hậu cần” thương mại điện tử
Ảnh: TL
Công ty Cổ phần Dịch vụ Giao Hàng Nhanh (GHN) vừa đưa vào hoạt động hệ thống phân loại hoàn toàn tự động, có khả năng phân loại 30.000 đơn hàng/giờ tại kho GHN ở Long Biên, Hà Nội. Nếu trước đây, khi phân loại thủ công với quy mô lớn, GHN có thể phải mất 3 tiếng để phân hàng, thì bây giờ chỉ cần 30 phút cho cùng lượng hàng tương tự. “Đây là tốc độ giao hàng vượt trội tương đương với tiêu chuẩn của các quốc gia phát triển nhất về thương mại điện tử như Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc”, ông Lương Duy Hoài, Đồng sáng lập, Giám đốc Điều hành GHN, giới thiệu.
Cùng thời điểm, Công ty Cổ phần Công nghiệp BW (BW Industrial), đơn vị có quỹ đất công nghiệp lên đến 230ha tại Việt Nam, công bố hợp tác chiến lược cùng lúc với Shopee và BEST Inc. Đại diện BW Industrial tiết lộ, kho hàng tại TP.HCM là đơn hàng thứ 3 của Shopee và là kho tự động đầu tiên của BEST Inc. tại Việt Nam. Đáng chú ý BEST Inc. là nhà cung cấp dịch vụ logistics thông minh tại Trung Quốc, vừa được Alibaba mua lại, mỗi ngày xử lý hơn 20 triệu đơn hàng chuyển phát và dự kiến cuối năm nay vượt 30 triệu đơn hàng.
Sự rốt ráo của cả GHN, BEST và Shopee trong việc tìm kiếm và nâng cấp kho hàng cho thấy cuộc cạnh tranh diễn ra quyết liệt hơn trong thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Thị trường này được Euromonitor dự báo sẽ tăng trưởng 32% mỗi năm trong giai đoạn 2018-2022. Bên cạnh đó, khoảng 30% dân số được dự đoán sẽ chuyển qua mua sắm trực tuyến vào năm 2020.
Các sàn thương mại điện tử Việt Nam trong vài năm trở lại đây đã đẩy mạnh hệ thống kho vận hậu cần nhằm tối ưu hiệu suất và chi phí. Chẳng hạn, Tiki đã hợp tác với UniDepot, một công ty chuyên cung cấp kho bãi và dịch vụ hậu cần, để chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng trong tương lai. Trong khi đó, Lazada mở các kho giao nhận tại TP.HCM, Đà Nẵng và Bắc Ninh. LEL Express đã đưa trung tâm phân loại hàng hóa thứ 2 ở Hà Nội đi vào hoạt động với công suất khoảng 10.000 sản phẩm/giờ.
Bên cạnh cuộc chạy đua “đốt tiền” cho khuyến mãi, cuộc chiến hậu cần về kho bãi, giao nhận cũng trở nên quyết liệt hơn khi tất cả các sàn đều muốn gia tăng trải nghiệm của khách hàng. “Muốn giao hàng được trong 2 giờ, Tiki buộc phải có hàng trong kho mới xử lý kịp. Trong giao nhận, vận chuyển chiếm phần lớn thời gian do vậy thời gian xử lý đơn hàng phải rút ngắn lại,” ông Trần Ngọc Thái Sơn, Tổng Giám đốc Tiki, khẳng định việc mở rộng năng lực kho vận là mục tiêu để Tiki chiếm ưu thế trong thị trường thương mại điện tử.
Với sự tăng trưởng cao và liên tục từ năm 2015, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), dự báo thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt mục tiêu 13 tỉ USD vào năm 2020.
Bên cạnh việc tối ưu thời gian giao nhận, đầu tư vào kho bãi, logistics hiện đại còn là cách các công ty thương mại điện tử tối ưu chi phí nhân lực. Ông C.K. Tong, Tổng Giám đốc BW Industrial, cho biết, 2 kho BW Industrial cung cấp cho đối tác có tổng diện tích 5ha tại TP.HCM. “Với 2 sản phẩm nhà kho của Shopee và BEST Inc., BW kỳ vọng tạo ra khái niệm mới về kho vận thông minh tích hợp các yếu tố địa điểm, thiết kế và tự động”, ông C.K. Tong cho biết. Từ nhu cầu này, BW Industrial đang hoàn thiện nền tảng bất động sản công nghiệp và kho vận hậu cần có thể đáp ứng được các tập đoàn đa quốc gia, 3PL (cung cấp dịch vụ logistics bên thứ 3 hay logistics theo hợp đồng) và các công ty thương mại điện tử như Shopee.
Ông Trần Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Shopee Việt Nam, cho biết, các giải pháp hậu cầu kho vận tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, trong khi khả năng đáp ứng nhu cầu đơn hàng cho khách hàng nhỏ lẻ còn hạn chế, đặc biệt là hệ thống kho bãi. Trong đó, hệ thống kho vận là tiền đề cho việc mở rộng quy mô và phát triển của Shopee khi thương mại điện tử đang phát triển nhanh, đặc biệt nhu cầu mua sắm trong các đợt cao điểm. Với kho hàng mới thuê từ BW Industrial, Shopee tăng số lượng kho lên con số 3 tính trên cả nước.
Kho hậu cần hiện đại sẽ giúp các công ty thương mại điện tử giải quyết bài toán về thời gian giao hàng. Không chỉ Lazada Việt Nam, Tiki cũng có bước chuẩn bị khá kỹ khi đưa ra dịch vụ giao hàng 2 giờ. Trước đó, Shopee Việt Nam đưa ra dịch vụ giao hàng 4 giờ thử nghiệm đối với người bán và mua hàng ở một số quận thuộc TP.HCM.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch VECOM, cho rằng xét về năng lực cung ứng, các công ty chuyên nghiệp ước tính phục vụ được chỉ 30% khối lượng đơn hàng. “Ngoại trừ các công ty lớn, các công ty nhỏ đa phần sử dụng dịch vụ gọi xe công nghệ. Đó là điều bất hợp lý trong thương mại điện tử. Đầu tư hậu cần kho vận là yếu tố quan trọng quyết định thành công trong thương mại điện tử”, ông Dũng nhận định.
“Tôi đang mong chờ hệ thống thứ 2 sẽ đi vào hoạt động vào tháng 11 tới tại TP.HCM”, ông Lương Duy Hoài, GHN, cho biết. Đây là một trong nhiều khoản đầu tư lớn về hạ tầng công nghệ và vận hành giúp GHN luôn giao nhanh và ổn định. Cùng với GHN, hiện nay, Việt Nam có hơn 50 đơn vị giao hàng nhanh quy mô lớn nhỏ. Con số này đã tăng 10 lần trong vòng 5 năm. VECOM ghi nhận một số doanh nghiệp chuyển phát cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát từ 62-200%.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ