Hủy
Kinh Doanh

Cuộc "đua" chuyển đổi số của các ngân hàng

Nhật Lệ Thứ Sáu | 08/07/2022 16:25

Kết quả của sự đầu tư số hóa cũng tác động mạnh mẽ tới tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của MSB. Ảnh: TL.

 
 
Ngày 28/6/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định số 1097/QĐ-NHNN Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022.

Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch bao gồm các nội dung: (i) Phát triển chính phủ số: Cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Ngân hàng Nhà nước đáp ứng yêu cầu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 phát sinh hồ sơ đạt 80%; Tỉ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 100%; Tỉ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100% (đối với thủ tục hành chính tiếp nhận tại Bộ phận một cửa của Ngân hàng Nhà nước); Tỉ lệ báo cáo định kỳ của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện trực tuyến đạt 50%; Tỉ lệ đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước cung cấp dữ liệu mở đầy đủ theo danh mục đạt 50%; (ii) Phát triển kinh tế số và xã hội số: Tỉ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt từ 65-70%.

 

Ngân hàng Nhà nước cũng đặt mục tiêu xây dựng và ban hành Kế hoạch của ngành Ngân hàng, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số theo Quyết định số 186/QĐ-BTTTT ngày 11/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Xây dựng và ban hành Kế hoạch sử dụng hoặc dịch chuyển lên nền tảng điện toán đám mây; Thực hiện việc chuyển đổi IPv6. 

 

Nắm bắt xu hướng này, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) định hướng việc đẩy mạnh số hóa là một phần quan trọng trong chiến lược kinh doanh tổng thể. Bên cạnh đó, MSB cũng đưa số hóa trở thành nền tảng thúc đẩy lợi nhuận của Ngân hàng. 

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc MSB chia sẻ: “Công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng kích thích khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ bởi xu hướng hiện nay của người dùng là yêu thích tính cá nhân hóa trong trải nghiệm, hướng đến việc tự xử lý hầu hết các giao dịch quan trọng mà không cần tới quầy. Về phía ngân hàng, số hóa cũng tiết giảm chi phí đáng kể thông qua việc tối ưu hóa quy trình và đẩy mạnh chuyên môn hóa”. 

Kết quả của sự đầu tư số hóa cũng tác động mạnh mẽ tới tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của MSB. Số dư CASA tăng từ mức 35,8% của cuối năm 2021 lên mức 38,3% tại thời điểm 31/3/2022. MSB ước tính sẽ giữ tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi đến cuối năm đạt 38% - 40%, tiếp tục nằm trong top đầu thị trường. 

 

Theo thông tin từ phía MSB, ngân hàng này hiện là đơn vị tiên phong trên thị trường trong việc số hóa hoàn toàn quy trình vay vốn. Trong khi đó, ở việc số hóa ngân hàng cũng không thể không kể đến Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank). TPBank áp dụng sáng tạo số từ lớp nền tảng như trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (Machine Learning), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing) đến lớp giải pháp như nhận diện sinh trắc học, nhận diện ký tự và tự động hóa với robot.

Mảng dịch vụ số hóa của TPBank năm 2021 đã chiếm 93% tổng số giao dịch, với giá trị dịch vụ trung bình mỗi tháng tăng tới 250% so với năm 2020. Thành tích này đã tiếp tục tạo nền tảng vững chắc cho chặng đường phát triển tương lai, nơi TPBank vươn tới đỉnh cao, khẳng định vị thế Ngân hàng của Kỷ nguyên Số.

Có thể bạn quan tâm 

Số hóa cho "vua"


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới