Đảo ngược toàn cầu hóa: Không phải quốc gia nào cũng đủ sức hấp dẫn như Việt Nam
Vốn FDI vào Việt Nam không bị ảnh hưởng
Việt Nam đang là một trong số ít các quốc gia trên thế giới được đánh giá là sẽ có nhiều khả năng sớm phục hồi nền kinh tế hơn sau đại dịch. Kinh tế trong nước đã được tái khởi động và đang dần hoạt động trong trạng thái bình thường mới.
Mọi việc đang đi theo hướng tích cực, nhưng còn nhiều khó khăn và thách thức không chỉ Việt Nam mà các quốc gia khác trên thế giới sẽ phải đối mặt trong 6 tháng tới. Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh đáng kể để trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Một trong những lợi thế đó là việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bởi đây là một yếu tố quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Những năm gần đây, nguồn vốn FDI vào Việt Nam tăng đáng kể so với các nước trong khu vực. Năm 2019, tổng vốn FDI đăng ký đạt hơn 38 tỉ USD - tăng 7% so với năm 2018, và đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Phần lớn nguồn vốn này chảy vào lĩnh vực sản xuất nhờ một số yếu tố hấp dẫn như nguồn lao động chất lượng cao, chi phí thấp – chỉ bằng khoảng 1/3 so với chi phí lao động tại Trung Quốc – và vị trí địa lý thuận lợi của Việt Nam giáp với Trung Quốc và phần còn lại trong chuỗi cung ứng châu Á về may mặc, đồ nội thất, hàng điện tử và các ngành công nghiệp khác.
Sau khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 và một số sự kiện khác, quá trình đảo ngược của việc toàn cầu hóa “deglobalizatizion” từ từ diễn ra.
Đại dịch COVID cho thấy những yếu kém của rất nhiều chuỗi cung ứng và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự đoán dòng vốn FDI toàn cầu sẽ sụt giảm 30% sau đại dịch. Một số chính trị gia, ở nhiều nước, với lòng ái quốc, muốn các công ty đưa việc sản xuất về lại trong nước để tạo thêm việc làm cho dân bản địa.
Chúng tôi tin rằng nguồn vốn FDI vào Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng từ xu hướng này, và thậm chí sẽ còn tăng lên. Quá trình đảo ngược toàn cầu hóa bao gồm 3 vấn đề chính, như sau:
Lo ngại về sự quá phụ thuộc vào các nhà cung cấp tại Trung Quốc. Các doanh nghiệp thường nghĩ rằng mình có một chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng thực tế là chuỗi cung ứng Trung Quốc.
Người tiêu dùng phản đối tiêu cực với Trung Quốc. Theo một nghiên cứu của Bloomberg, tại Mỹ, 80% người dùng không muốn mua hàng “made in China”, và xu hướng này cũng khá phổ biến ở các nước Châu Âu với tỉ lệ thấp hơn.
Xu hướng “khu vực hóa”: theo đó nhà sản xuất sẽ tập trung vào các thị trường khu vực thay vì thị trường toàn cầu. Ví dụ như, một nhà máy đặt ở Mê hi cô sẽ sản xuất hàng hóa cho Canada và Mỹ, trong khi một nhà máy đặt tại Việt Nam sẽ sản xuất hàng hóa cung cấp cho các nước ở khu vực Châu Á.
Vài chính khách của Mỹ và châu Âu nói về việc đưa các cơ sở sản xuất về lại chính quốc, quả là một ý tưởng chính trị hiệu quả nhưng thực tế không đơn giản như vậy vì một số nguyên nhân sau:
-Chi phí lao động là một trong những nguyên nhân chính – thông thường chi phí cho 1 công nhân nhà máy ở châu Âu hoặc Mỹ cao hơn rất nhiều so với chi phí trả cho nhân công tại châu Á.
-Lĩnh vực sản xuất ở Mỹ hầu như không còn tồn tại, với mức đóng góp thấp nhất vào tăng trưởng GDP của nước này trong 70 năm qua.
-Lực lượng lao động lành nghề ở Mỹ và châu Âu không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất. Ở Mỹ, hệ thống dạy nghề không đáp ứng nổi yêu cầu về chất lượng lao động, trong khi đó các nước Châu Âu đang đối mặt với vấn đề dân số già, tỷ lệ sinh rất thấp.
Từ nhiều năm nay, hầu hết các doanh nghiệp đều muốn giảm thiểu chi phí, và vấn đề này sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn khi chi phí lao động ngày một tăng cao cộng thêm những bất ổn về mặt kinh tế từ đại dịch. Do áp lực về tỉ suất lợi nhuận cũng như giảm thiểu chi phí, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tìm đến Việt Nam như một điểm đến tiềm năng cho việc đặt các cơ sở sản xuất trong tương lai.
Các công ty đa quốc gia đang không những chỉ chịu áp lực về mặt chi phí mà còn bị áp lực vì sự phụ thuộc vào Trung Quốc như lựa chọn duy nhất cho các cơ sở sản xuất của họ.
Cơ hội trong cách tiếp cận "hình phễu"
Những áp lực này chính là cơ hội của Việt Nam để thu hút thêm nguồn vốn FDI. Trên hết, Việt Nam luôn có lợi thế về mặt lao động đối với các nhà đầu tư: đó là chất lượng lao động cao trong khi chi phí thấp, và vị trí địa lý gần với chuỗi cung ứng tại Trung Quốc và phần còn lại của châu Á.
Một trong những yếu tố khác để củng cố niềm tin rằng nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam sẽ tăng, chính là việc kiểm soát dịch bệnh thành công. Những quyết sách kịp thời và kiên quyết của chính phủ trong cuộc chiến chống dịch đã tạo tiếng vang khắp thế giới và thu hút sự chú ý của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia sức khỏe và giới báo chí toàn cầu. Nhờ đó, vị thế của Việt Nam cũng trở nên thu hút hơn đối với cộng đồng doanh nhân quốc tế.
Tạp chí Economist thậm chí cho biết doanh nghiệp nước ngoài sẽ lưu ý tới cách thức mà các quốc gia kiểm soát dịch bệnh như một yếu tố trong việc cân nhắc vị trí nhà máy sản xuất của họ trong tương lai. Đồng thời tạp chí này cũng nhắc đến cách thức kiểm soát dịch bệnh thiếu tính hệ thống của Mexico đang dấy lên những quan ngại cho doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào quốc gia này.
Với những yếu tố như trên có thể thấy không phải quốc gia nào cũng đủ sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp nước ngoài như Việt Nam.
Hiện nay, có gần 200 quốc gia trên thế giới, và hầu hết các quốc gia này đều có chi phí đầu vào cho sản xuất như đất đai và lao động thấp hơn nhiều so với các quốc gia phát triển. Các nhà hoạch định chính sách của doanh nghiệp thường sử dụng phương pháp tiếp cận “hình phễu” để loại trừ các quốc gia không phù hợp cho việc mở rộng sản xuất của mình. Phương pháp này sẽ bao gồm các yếu tố như sau:
Yếu tố loại trừ đầu tiên là bất ổn về chính trị và cơ sở hạ tầng kém phát triển. Các quốc gia không đáp ứng được ngưỡng tối thiểu về sự ổn định của 2 điều này sẽ bị loại trừ khỏi danh sách cần cân nhắc.
Tiếp theo là số lượng và chất lượng cũng như chi phí phải trả của lực lượng công nhân trong các nhà máy và đội ngũ quản lý cấp trung.
Và yếu tố cuối cùng là nguồn cung ứng điện năng ổn định.
Việt Nam có thể dễ đàng đáp ứng đồng thời tất cả các yếu tố trên, nên luôn nằm trong danh sách các quốc gia được cân nhắc lựa chọn đặt nhà máy mới của doanh nghiệp nước ngoài.
Bộ tiêu chí EPIC (Global Supply Chain Readiness Index) cũng thường được các công ty nước ngoài sử dụng, theo đó, các tiêu chí này được phát triển nhằm giúp các nhà quản lý các chuỗi cung ứng toàn cầu phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ (SWOT) của các khu vực/quốc gia khác nhau trên thế giới, thông qua việc đánh giá các yếu tố riêng lẻ liên quan tới: Kinh tế (E), Chính trị (P), Cơ sở hạ tầng (I) và Năng lực (C).
Bộ tiêu chí này gần đây đã đánh giá Việt Nam cao hơn so với Indonesia, Phillipines và Thái Lan, nhưng thấp hơn Malaysia. Việc đánh giá này không chú trọng vào mức lương thấp mà nhấn mạnh vào tầm quan trọng của quy mô và sức hấp dẫn của thị trường trong nước – theo đó Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn với tổng dân số gần 100 triệu người và sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu.
Những yếu tố và tiêu chuẩn tôi vừa đề cập đã khiến Việt Nam trở thành một điểm đến thu hút với nhiều doanh nghiệp quốc tế, ngay cả trước thời điểm đại dịch COVID.
Một ví dụ điển hình cho làn sóng đầu tư mới cho Việt Nam chính là Apple. Apple và một số nhà cung ứng đối tác như GoerTek và Foxconn đã có nhiều động thái trong vấn đề sản xuất nhiều hàng hóa hơn từ Việt Nam.
Năm 2015, thời báo The Wall Street Journal cho biết một số lãnh đạo của Apple đã đề nghị công ty dịch chuyển một phần việcsản xuất sang Việt Nam. Bài báo cũng cho rằng đề nghị này đã bị coi nhẹ, và điều này lý giải cho sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ Trung đã khiến Apple ngay lập tức thay đổi chiến lược về cơ sở sản xuất.
Một số thông tin mới đây cho hay tai nghe Studio, một sản phẩm của Apple, sẽ được sản xuất đầu tiên tại Việt Nam thay vì Trung Quốc. Apple cũng bắt đầu tìm kiếm nhân sự cho một số vị trí tại Việt Nam. Những động thái này cho thấy công ty đang bắt đầu khuyến khích các đối tác cung cấp linh kiện của mình phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Apple không phải là công ty duy nhất đang mở rộng cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Trước đó, Samsung cũng đã dịch chuyển phần nhiều hàng sản xuất của mình sang Việt Nam. Trong khi đó, Panasonic cũng thông báo sẽ chuyển việc sản xuất một số đồ gia dụng từ Thái Lan qua Việt Nam. Rõ ràng là sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp khác cũng muốn tham gia vào làn sóng chuyển đổi này để có thể khai thác được tiềm năng của Việt Nam.
(*): Đồng sáng lập Tập đoàn VinaCapital
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trực Thanh
-
Nguyễn Mai
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn