Hủy
Kinh Doanh

Doanh nghiệp Việt "thúc thủ" về khả năng cạnh tranh

Hải Vân Thứ Bảy | 28/10/2017 09:31

Quý Hòa

 
 
Cắt giảm thời gian và chi phí chỉ là một phần trong nhiều nỗ lực khác còn thiếu để gia tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Bức tranh không sáng

Nhìn vào môi trường kinh doanh, chính sách cạnh tranh, “một bức tranh không sáng” với 3 rào cản, được Tiến sĩ Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Ciem), chỉ rõ tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2017.

Thị trường, một yếu tố rất quan trọng nhưng doanh nghiệp thường bỏ qua khi kinh doanh và chỉ nhìn vào chính sách. Gánh nặng chi phí, thời gian, để tuân thủ quy định pháp luật vẫn là yếu tố tác động tiêu cực đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Rủi ro pháp lý, vấn đề ít được thảo luận nhưng quan trọng với doanh nghiệp. Bởi vì, chi phí về thời gian, chi phí tiền bạc và chi phí cơ hội sẽ quyết định hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Cuối cùng, độ an toàn trong kinh doanh, yếu tố để doanh nghiệp quyết định đầu tư. Chỉ khi bảo đảm được mức độ an toàn trong kinh doanh cũng như quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp mới ưu tiên đầu tư.

Tiến sĩ Phan Đức Hiếu cho rằng chính sách cạnh tranh và thực thi cạnh tranh bình đẳng là “điều sống còn” của một nền kinh tế thị trường, giúp doanh nghiệp tồn tại, cạnh tranh và phát triển.

Thế nhưng, Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và một chương trình hành động của Chính phủ vừa ký hồi đầu tháng 10, mới chỉ tập trung vào một yếu tố là cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Vị chuyên gia đến từ Ciem, cũng chính là đơn vị soạn thảo các Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ, cho rằng, “yếu kém về quản trị” đang là một trong những khiếm khuyết của chính sách cạnh tranh, trong khi nó quyết định sự phát triển dài hạn của doanh nghiệp.

Cạnh đó, “không tiên liệu được” cũng là một khiếm khuyết chính sách cạnh tranh. Điều này dẫn đến “tăng chi phí, thậm chí triệt tiêu doanh nghiệp”, ông Hiếu nói. 

Lấy bối cảnh đang có dịch bệnh, ông Hiếu nêu giả định một doanh nghiệp nhập khẩu một lô thuốc, nếu thông quan 3 ngày, doanh nghiệp có thể bán thuốc ra thị trường đúng đợt dịch. Nhưng khi thời gian thông quan là 7 hay 15 ngày, doanh nghiệp đã bị đối thủ “cướp” đi cơ hội kinh doanh, thậm chí tốn thêm chi phí tiêu hủy lô hàng.

Cùng với các khiếm khuyết trên, “quản trị doanh nghiệp” cũng là điểm “đáng buồn” mà chính sách cạnh trang mang lại. Thẻ điểm trong quản trị ASEAN chỉ rõ khung khổ quản trị doanh nghiệp Việt Nam chỉ khoảng 35/100 điểm, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.

Chưa hết, Nhà nước vẫn tiếp tục có những công cụ can thiệp làm sai lệch tín hiệu thị trường. Ví như quy hoạch bao nhiêu hecta cà phê, trồng bao nhiêu tấn gạo…. Như vậy, doanh nghiệp không thể tự chủ, không chủ động nghiên cứu thị trường để sản xuất hàng hóa gì và sản xuất ra sao, ông Hiếu nhận xét.

Trên thực tế, kinh doanh thành công không được mang lại từ một cá nhân duy nhất, mà là nỗ lực của cả tập thể. Với chính sách cạnh tranh hiện nay, ông Phạm Đình Đoàn –Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, khẳng định “không thể cạnh tranh trong bối cảnh FDI đã và đang vào nhiều".

Chính phủ nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh, chính sách cạnh tranh nhưng số liệu khảo sát của VCCI với ông Đoàn là “quá bất ngờ”, bởi vì một doanh nghiệp kinh doanh tốt thì lợi nhuận cũng chỉ từ 2-4%. Chính phủ quyết tâm, nhưng bộ máy ở dưới, hoặc không có năng lực, hoặc nhũng nhiễu để kiếm chác.

Doanh nghiep Viet
Năng lực cạnh tranh của Việt Nam cuối bảng trong các nước tham gia TPP.

Tại Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp đang kinh doanh nhưng thiếu định hướng dài hạn. Khi nền kinh tế mở ra, người tiêu dùng sẽ quyết định sản phẩm tiêu thụ. Điều này, hầu hết doanh nghiệp lại không quan tâm, không đầu tư cho chất lượng sản phẩm.

Sự phân biệt thành phần doanh nghiệp đã thay đổi. Trước đây, phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân, nhưng bây giờ đang điễn ra giữa doanh nghiệp tư nhân với tư nhân. Chủ nghĩa tư bản thân hữu, quan hệ sân sau, lợi ích nhóm đang diễn ra, đã làm giảm rất nhiều động lực phát triển của doanh nghiệp chân chính.

Doanh nghiệp Việt không kinh doanh lâu dài, chỉ làm một thời gian 2,3 năm là chuyển sang bất động sản. Nhìn sang các doanh nghiệp Nhật, có những người chỉ sản xuất váng đậu cho nhà hàng mà có thể làn tới 4-5 đời, tới 100 năm kinh nghiệm.

Điều này, ông Đoàn nói là do “nhận thức kém” và “tính bầy đàn”. Trong khi đó, phía chính quyền lại chưa có những hỗ trợ thực sự, mới chỉ đang chữa cháy, mà “đám cháy”  đang quá nhiều.

Còn dư địa để cải cách

Đã nhiều năm nghiên cứu chính sách kinh tế, Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Ciem, nhận xét, “cạnh tranh ở Việt Nam đang có đại vấn đề”.

Cạnh tranh và môi trường kinh doanh Việt Nam là 2 trong 4 yếu tố đáng chú ý mà Báo cáo 2035 đề cập. Vấn đề không chỉ ở chính sách mà còn ở “cái chất của thị trường”. Việt Nam có Luật Cạnh tranh trước Singapore, nhưng xếp hạng cạnh tranh, năng lực cạnh tranh của Quốc đảo sư tử khi nào cũng dẫn đầu.

Bối cảnh hiện nay đưa doanh nghiệp trong trong nước đi theo hướng nào, tập trung vào ngành nào, thể hiện sự “khôn ngoan” của Nhà nước.

Nền kinh tế đang cần nhiều vốn và công nghệ, việc kêu gọi vốn FDI là rất quan trọng. Vấn đề này được các nước giải quyết rất khéo, theo kiểu 1+1=3, tức là các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam có hợp tác với doanh nghiệp trong nước được ưu tiên nhiều hơn. Ông Đoàn cho đây là “cách tốt nhất” dìu dắt các doanh nghiệp trong nước hội nhập.

“Khái niệm cạnh tranh của Việt Nam còn khá mới mẻ, ngay cả những khái niệm đơn giản cũng không phải tất cả các cơ quan thực thi chính sách đều có thể hiểu rõ”, ông Hiếu nhận xét sau thời gian dài nghiên cứu chính sách kinh tế và theo dõi thảo luận và sửa Luật Cạnh tranh.

Một môi trường kinh doanh tốt, ông Phan Đức Hiếu nói phải như “bể cá”.  Ông tin rằng, nếu nhà nước mạnh dạn tin vào thị trường, bỏ can thiệp vào thị trường, thì doanh nghiệp sẽ sớm nhận thức được.

Các vấn đề về an toàn, quyền tài sản, cạnh tranh và quản trị doanh nghiệp là những vấn đề chưa được nhắc đến nhiều trong các Nghị quyết của Chính phủ, trong khi đây là những lĩnh vực còn nhiều dư địa để cải cách.

Luật Cạnh tranh đang được sửa đổi, hi vọng đây sẽ là cơ hội để Việt Nam có được một chính sách phù hợp, cải thiện thực sự môi trường kinh doanh và cạnh tranh.

Năm 2016, trong báo cáo về năng lực cạnh tranh quốc gia, Việt Nam tăng 5 bậc, từ 60/138 lên thứ 55. Nhưng nhìn vào các chỉ số về chống độc quyền và đảm bảo cạnh tranh, thì chỉ số của Việt Nam rất thấp, chỉ xếp thứ 78/138 quốc gia, trong khi chống lạm dụng độc quyền đứng thứ 94/138. 

Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới