Đóng tàu trỗi dậy
Từ những năm 2010, nhà máy đóng tàu tại TP.HCM đã có những đơn đóng hàng chục con tàu đánh cá và vận chuyển cá cực kỳ hiện đại cho các khách hàng đến từ Pháp. Ảnh: TL.
Thị trường đóng tàu toàn cầu ước đạt 111,2 tỉ USD vào năm 2023 và dự kiến đạt 140,3 tỉ USD vào năm 2030, tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) ở mức 3,4% từ năm 2023-2030. Khoảng 85% hoạt động đóng tàu tập trung vào 3 quốc gia là Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc. Trong đó, Trung Quốc chiếm đến gần 50% số lượng đặt hàng. Việt Nam đang góp mặt trong Top 10 quốc gia có ngành đóng tàu phát triển hàng đầu thế giới.
Một thực tế là tuy đội tàu biển Việt Nam cũng có số lượng lớn và sau nhiều năm phát triển, các chủ tàu Việt Nam đã phát triển đội tàu của họ thành những đội tàu lớn hơn, hiện đại hơn, nhưng phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cảng Việt Nam vẫn còn nằm trong tay chủ tàu nước ngoài.
Cụ thể, hàng hóa container tất nhiên thuộc về các hãng vận chuyển container hàng đầu thế giới hiện tại đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hà Lan, Đài Loan (Trung Quốc)...; các tàu container của Việt Nam, nếu có, chỉ tham gia gom hàng cho các hãng tàu nói trên. Đối với các loại hàng rời mà Việt Nam xuất hoặc nhập khẩu rất lớn như than, đá, dăm gỗ, thạch cao... đều phụ thuộc vào những hãng tàu lớn đến từ Trung Quốc, Nhật, Malaysia và các nước châu Âu.
Việt Nam có bờ biển dài và có số lượng cảng quốc tế cao thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ sau Philippines. Tỉ lệ vận chuyển hàng hóa thông qua các cảng biển của Việt Nam tăng trung bình 10-15% mỗi năm, nên cần đầu tư nhiều hơn để phát triển đội tàu biển chuyên nghiệp hơn nhằm giành lại thị trường ngay trong nước.
Với các chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài nhiều năm nay, chi phí nhân công hấp dẫn đã góp phần đưa ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam trở nên rất cạnh tranh trong thị trường đóng tàu, đặc biệt là các tàu thương mại cỡ trung.
Từ những năm 2010, nhà máy đóng tàu tại TP.HCM đã có những đơn đóng hàng chục con tàu đánh cá và vận chuyển cá cực kỳ hiện đại cho các khách hàng đến từ Pháp. Nhà máy đóng tàu Nam Triệu là một trong những nhà máy đóng tàu lớn nhất Việt Nam vừa thực hiện hạ thủy con tàu có trọng tải đến 65.000 tấn cho một công ty trong nước. Nhà máy Damen Sông Cấm đã chế tạo thành công và xuất khẩu hàng loạt tàu hiện đại dành cho lực lượng hải quân các nước. Hyundai Việt Nam, với lợi thế của tập đoàn đóng tàu số một trên thế giới tại Hàn Quốc, gần đây đã chuyển từ sửa chữa tàu sang đóng mới, chủ yếu đóng tàu chở dầu thô cỡ trung và tàu chở hàng rời có giá trị gia tăng thấp.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến ngày 30/6/2024, Việt Nam có 88 doanh nghiệp đóng tàu biển, 411 cơ sở đóng phương tiện thủy nội địa (trong đó có khoảng 120 doanh nghiệp đóng, sửa chữa tàu có trọng tải trên 1.000 tấn)... Việt Nam đang nắm trong tay những thế mạnh cạnh tranh với khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta vẫn tụt hậu so với các quốc gia khác có ngành đóng tàu phát triển tốt, đặc biệt là về công nghệ, năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, một số yếu tố như cam kết đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0, lộ trình giảm phát thải carbon của Tổ chức Hàng hải Quốc tế.
Cùng với sự tăng trưởng của thương mại toàn cầu, nhu cầu vận tải biển của Việt Nam dự kiến tăng trưởng mạnh ở mức 10% mỗi năm từ năm 2023-2030. Tổng nhu cầu đóng mới và thay thế đội tàu thương mại của Việt Nam từ nay đến cuối thập kỷ này dự kiến vào khoảng 4-5 triệu tấn trọng tải. Thị trường đóng tàu toàn cầu đang có xu hướng hiện đại hóa, tập trung vào các tàu lớn hơn, công nghệ xanh và áp dụng nhiên liệu sạch.
Để tận dụng những thay đổi của ngành công nghiệp toàn cầu này, Việt Nam nên tận dụng những lợi thế hiện có, tập trung vào lĩnh vực đóng tàu đang phát triển nhanh chóng, đặc biệt là các tàu thương mại cỡ trung. Các chủ tàu quốc tế cũng đang ưu tiên hiệu quả hoạt động và giảm chi phí bằng cách đầu tư vào công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu suất và giảm lượng khí thải và ứng dụng công nghệ.
Cách đây khoảng vài thập kỷ, khi phát triển ngành đóng tàu là những nắm đấm thép và thất bại bởi sự phát triển rất nhanh nhưng chưa bền vững, nguyên vật liệu của ngành này chưa tốt vì toàn nhập hàng nguyên vật liệu không được kiểm chứng về chất lượng dẫn đến rất nhiều tàu đóng ra đã bị các khách hàng không nhận. Ngày nay, sau khi những nắm đấm thép thất bại, các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm thực tế hơn, tự mình chọn lấy hướng đi thực tế và tốt hơn để phát triển.
Dù được coi là “thế lực mới” trong bản đồ đóng tàu thế giới nhưng thực tế tại Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài, hay liên doanh với nước ngoài vẫn đóng vai trò khá quan trọng trong ngành này. Hơn nữa, các công việc có tỉ trọng lợi nhuận khá cao như thiết kế tàu, những phần mềm quan trọng trong điều khiển con tàu vẫn đang thuộc về các đại gia trên thế giới, ngành đóng tàu Việt Nam chỉ chủ yếu là lắp ráp.
Có thể nói, công nghiệp tàu thủy là nền công nghiệp mang lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường và các nước phát triển nổi tiếng về đóng tàu đã giảm dần các đơn hàng đóng tàu có trị giá thấp và đối với họ là có nguy cơ tác động môi trường nhiều. Đây lại là cơ hội cho các nước phát triển như Việt Nam nắm bắt để làm bàn đạp cho các ngành công nghiệp nặng phát triển.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trực Thanh
-
Vân Nguyễn
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hải Đăng