Hủy
Kinh Doanh

FDI bước vào chu kỳ "cần chất hơn lượng"

Trần Chung Thứ Hai | 14/10/2024 07:00

Nền tảng cơ bản thuận lợi tạo cho Việt Nam vị thế của một điểm đến FDI rất tốt trong khu vực. Ảnh: shutterstock.com

 
 
Xu hướng thu hút dòng vốn FDI mới để có vị thế cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu.

KBank hiện có một văn phòng đại diện tại Hà Nội và chi nhánh tại TP.HCM. Ngân hàng Thái với tổng tài sản khoảng 120 tỉ USD đánh giá Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng. Năm 2023, chi nhánh KBank đã nâng vốn điều lệ từ 80 triệu USD lên 285 triệu USD. Dự kiến, trong giai đoạn 2023-2027, ngân hàng này sẽ rót khoảng 1 tỉ USD vào thị trường Việt Nam.

Điểm đến tiềm năng

Nói tới kinh tế Việt Nam, ông Chat Luangarpa, Phó Chủ tịch Điều hành KBank, đưa ra 3 khía cạnh ở góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài. 

Thứ nhất là yếu tố tăng trưởng và tiềm năng thị trường. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam được hỗ trợ nhờ lực lượng lao động có tay nghề, nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng tăng và các hiệp định thương mại thuận lợi đã giúp Việt Nam tiến vào sân chơi toàn cầu. Thứ 2 là yếu tố kết nối. Vị trí chiến lược của Việt Nam và các khoản đầu tư liên tục vào vận tải, hậu cần và công nghệ giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn về thương mại, đầu tư. Thứ 3 là môi trường kinh doanh và đổi mới. Việt Nam có môi trường thân thiện với doanh nghiệp cũng như chú trọng vào đổi mới. 

Trong hoạt động bán lẻ, hơn 10 năm qua, AEON cũng đã rót trên 1,5 tỉ USD vào thị trường Việt Nam và liên tục ra mắt các trung tâm thương mại, điểm kinh doanh mới. Ngay trong tháng 9/2024, tập đoàn bán lẻ Nhật mở trung tâm thương mại lớn nhất miền Trung, đặt tại thành phố Huế và trung tâm mua sắm tại Tạ Quang Bửu (quận 8, TP.HCM). Trước đó là một siêu thị được khai trương ở quận 7 hồi tháng 4. 

Chia sẻ với Tạp chí NCĐT về chiến lược lâu dài, ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc AEON Việt Nam, cho biết Việt Nam sở hữu các yếu tố thuận lợi để tăng trưởng trong dài hạn và phát triển tốt hơn một số quốc gia ở khu vực châu Á. Cụ thể, Việt Nam có sự ổn định về chính trị, mức lạm phát thấp, lực lượng lao động dồi dào với chi phí nhân công cạnh tranh, môi trường đầu tư thân thiện... Do đó, tập đoàn này xác định, Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2 bên cạnh Nhật trong chiến lược nhiều năm. AEON sẽ tăng dần số lượng sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam theo tiêu chuẩn của tập đoàn Nhật, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, từ đó tạo bàn đạp xuất khẩu ra thế giới.

Trong sản xuất, Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của nhiều tập đoàn công nghệ toàn cầu như Intel, Samsung, Panasonic, Sony... Các thương hiệu lớn trong ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo như Google, Nvidia, Amkor, Hana Micron, Synopsys... cũng đều có đầu tư, hợp tác tại Việt Nam. Dù có khác biệt về mặt số liệu, song báo cáo của Ban Thư ký ASEAN về dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng chỉ ra, Việt Nam nằm trong Top 3 quốc gia thu hút vốn FDI nhiều nhất khu vực. Việt Nam cũng là 1 trong 3 quốc gia, bên cạnh Malaysia và Indonesia, có số lượng dự án FDI nhiều nhất, chiếm tổng cộng hơn 62% số dự án đầu tư quốc tế vào khu vực trong năm 2022. 

Nền tảng cơ bản thuận lợi tạo cho Việt Nam vị thế của một điểm đến FDI rất tốt trong khu vực. Trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã vươn mình trở thành một cứ điểm sản xuất lớn và hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu đã tăng hơn 13% bình quân hằng năm từ năm 2007, chiếm lĩnh chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, theo phân tích từ Ngân hàng HSBC, để duy trì dòng vốn đầu tư FDI, điều quan trọng là quốc gia phải vươn lên trong chuỗi giá trị sản xuất, nâng giá trị nội địa trong hàng hóa, đặc biệt là ngành điện tử. Hiện tại Việt Nam được định vị là trung tâm nhập khẩu đầu vào cho khâu lắp ráp cuối cùng. Dẫn chứng là tỉ trọng của Việt Nam trong xuất khẩu vi mạch tích hợp (IC) toàn cầu năm 2021 chỉ  ở mức 2% và tăng trưởng rất chậm qua các năm. Trái lại, xuất khẩu hàng điện tử tiêu dùng, linh kiện điện thoại tăng mạnh và đạt khoảng 17%.

Thời điểm chuyển đổi

Cũng theo HSBC, sự thiếu hụt nhân công có trình độ chuyên môn kỹ thuật dẫn đến những khó khăn trong phát triển năng lực sản xuất chất bán dẫn. Điều này thôi thúc Chính phủ phải tìm cách mở rộng nguồn nhân lực ngành bán dẫn trong những năm tới. Bên cạnh mở rộng, nâng cao giáo dục nghề nghiệp ở cấp độ quốc gia, HSBC khuyến nghị Nhà nước cần thêm nhiều sáng kiến khuyến khích sự tham gia của các công ty nước ngoài vào nền kinh tế trong nước, có thể giúp tăng lợi ích của dòng vốn FDI vào các lĩnh vực ngày càng phức tạp. 

Trong đó, xu thế mới trên thế giới hiện nay là thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao, công nghệ lõi có giá trị gia tăng lớn hoặc nâng cao vị thế quốc gia (điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…); phát triển bền vững (công nghiệp hydrogen xanh, phương tiện giao thông sử dụng điện…). Hiện nay, nhiều quốc gia đang chạy đua quyết liệt, thiết kế chính sách riêng để theo kịp xu thế trên. Các quốc gia đang áp dụng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư đa dạng; áp dụng song song cả ưu đãi đầu tư đa dạng; áp dụng song song cả ưu đãi về thu nhập (miễn, giảm thuế) và ưu đãi về chi phí (hỗ trợ bằng tiền, trợ cấp đầu tư), tạo sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. 

Phó Giáo sư Nguyễn Quang Trung, Chủ nhiệm nhóm bộ môn Quản trị, Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT, cho rằng để đón dòng vốn FDI, các công nghệ, tiêu chuẩn trong hoạt động sản xuất cần sớm điều chỉnh theo yêu cầu “xanh hóa” của nền kinh tế toàn cầu. “Nếu không sớm xanh hóa quy trình sản xuất, hàng hóa từ Việt Nam sẽ không đủ điều kiện bán vào các quốc gia phát triển, từ đó ảnh hưởng tới dòng vốn FDI”, ông Trung nói.

Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông, cho rằng đây cũng là thời điểm Việt Nam cần chọn lọc dòng vốn đầu tư ngoại. Các công ty FDI lớn muốn đầu tư lâu dài tại Việt Nam thì Chính phủ sẽ hỗ trợ những yếu tố cần thiết, nhưng chính các công ty FDI phải tự chuyển từ sản xuất công nghiệp thủ công sang công nghiệp xanh tại các cứ điểm sản xuất ở đất nước thứ 3. 

Câu chuyện Mercedes-Benz Việt Nam muốn gia hạn thuê đất tại TP.HCM là ví dụ. Bên cạnh các vấn đề liên quan đến đất công, các cơ quan liên quan cần xem xét thấu đáo yếu tố công nghệ sau khi chấp thuận gia hạn thuê đất cho doanh nghiệp. Bởi, với dây chuyền lắp ráp từ 30 năm trước, công nghệ của Mercedes-Benz Việt Nam chưa chắc còn phù hợp với quá trình sản xuất hiện nay của ngành ô tô trong nước. 

“Công ty sẽ thay đổi hay vẫn giữ những công nghệ từ hàng chục năm trước, nhà chức trách cần làm rõ và nên làm việc trực tiếp với tập đoàn mẹ. Đây là câu chuyện phải bàn thảo cụ thể với các tập đoàn quốc tế muốn đầu tư vào Việt Nam. Dòng vốn FDI sẽ phải tuân theo tiến trình chuyển đổi công nghiệp, hướng tới kinh tế tuần hoàn”, vị chuyên gia này cho hay.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới