Hủy
Kinh Doanh

Fed sẽ thu hẹp bảng cân đối của mình tới mức nào?

Thứ Ba | 16/05/2017 12:07

 
 
Quy mô bảng cân đối ở mức bình thường mới của Fed có thể là 2.500 tỷ USD, so với mức 850 tỷ USD trước khủng hoảng.

Dù các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cho biết họ dự định bắt đầu quá trình bình thường hoá bảng cân đối kế toán trong nay mai, kết quả cuối cùng của quá trình này sẽ khó có thể được gọi là "bình thường".

Những cuộc phỏng vấn với các quan chức Fed và các tuyên bố công khai mà họ đưa ra cho thấy bảng cân đối chuẩn mới của Fed có thể sẽ tăng gấp ba lần so với thời điểm trước khủng hoảng tài chính 2008. Thậm chí, nó còn có thể lớn hơn thế nữa.

Fed vẫn chưa công bố kế hoạch thu hẹp bảng cân đối kế toán trị giá 4,4 nghìn tỷ USD hiện nay, nhưng trong cuộc khảo sát của CNBC thì nhiều người kỳ vọng quá trình này sẽ bắt đầu vào tháng 1 năm 2018, sớm hơn vài tháng so với dự đoán trước đó.

Một số quan chức của Fed đã không giấu giếm ý định rằng cơ quan này sẽ đưa ra kế hoạch thu hẹp bảng cân đối vào cuối năm nay. Kế hoạch này có thể bao gồm một mức bình thường mới cho bảng cân đối.

Nói tới bảng cân đối của Fed có nghĩa là nói đến danh mục chứng khoán - phần lớn là các trái phiếu chính phủ và chứng khoán thế chấp - mà Fed đã mua vào.

Có nhiều khả năng Fed sẽ không thu hẹp bảng cân đối bằng cách bán đi trái phiếu, mà là bằng cách chờ cho các chứng khoán đến ngày đáo hạn và ghi nhận mức giảm trên bảng cân đối. Fed hiện đang tái đầu tư số tiền thu được vào trái phiếu hay chứng khoán, nhưng điều này sẽ không diễn ra nữa nếu cơ quan này quyết định thu hẹp bảng cân đối. Những gì các quan chức Fed chưa đồng ý được với nhau là nhịp độ và quy mô thu hẹp mà họ cho là phù hợp.

Trước đây, trong một nỗ lực để kích thích nền kinh tế sau cuộc suy thoái 2008-2009, Fed đã cắt giảm lãi suất cơ bản xuống còn 0% và bắt đầu mua lại trái phiếu chính phủ cũng như chứng khoán thế chấp để giảm lãi suất hơn nữa. Fed đã ngừng gia tăng bảng cân đối của mình vào năm 2014 và bây giờ giữ nó ở mức hơn 4,4 nghìn tỷ USD, cao hơn 5 lần so với mức khoảng 850 tỷ USD trước khủng hoảng.

Nhưng bởi vì nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng trở lại và thế giới tài chính đã thay đổi rất nhiều, các quan chức Fed cho biết quy mô bảng cân đối của cơ quan này sẽ không trở lại mức cũ. Các quan chức này cho biết có nhiều khả năng hơn là Fed sẽ hướng đến một bảng cân đối với quy mô khoảng 2,5 nghìn tỷ USD, hoặc thu hẹp xuống khoảng 2 nghìn tỷ USD trong những năm tới.

Một bảng cân đối Fed lớn hơn trên cơ sở thường xuyên hơn có thể là tin tốt cho lãi suất dài hạn. Nó có nghĩa là Fed sẽ ít nắm giữ trái phiếu hơn, và do đó ít gây áp lực tăng lên cho lãi suất. Nhưng nếu tính toán này của Fed là sai, nó có thể mang lại lạm phát và lãi suất cao hơn.

Lý do lớn nhất giải thích tại sao Fed không quay lại quy mô bảng cân đối cũ là lượng tiền đang lưu thông. Vì nhiều lý do, lượng tiền tệ lưu thông đã tăng trung bình 7%/năm trong 5 năm qua, cao hơn 3 điểm phần trăm so với 5 năm trước khủng hoảng. Người dân Mỹ đang mong muốn giữ nhiều tiền mặt hơn – điều khá ngược đời trong một thế giới tài chính đang ngày càng được số hóa - và công việc của Fed là đáp ứng mong muốn đó.

Khoảng 1,5 nghìn tỷ USD  tiền mặt hiện đang được lưu thông tại Mỹ, vá nếu đà tăng trưởng như hiện nay tiếp tục thì con số này sẽ lên đến 2 nghìn tỷ USD trong 5 năm tới, tạo mức trần để định hình xem quy mô bảng cân đối có thể thu hẹp được đến đâu.

Các yếu tố khác cũng sẽ giúp bảng cân đối được duy trì ở mức cao. Không giống như trước khi khủng hoảng xảy ra, Bộ Tài chính Mỹ bây giờ để hầu hết tiền của mình trên tài khoản tại Fed. Vào cuối năm 2007, Bộ Tài chính chỉ giữ  4,5 tỷ USD tại Fed; vào cuối năm 2016, con số này đã lên tới 374 tỷ đô la. Hầu hết các chuyên gia ngân hàng cho rằng đây là một ý tưởng hay. Các ngân hàng thương mại hiện nay đang phải chịu các yêu cầu cao về vốn và thanh khoản khiến cho việc nắm giữ trái phiếu chính phủ trở nên quá tốn kém. Trong khi đó, Fed không phải tuân thủ các quy tắc này.

Fed se thu hep bang can doi cua minh toi muc nao?
Quy mô bảng cân đối của Fed qua các năm, gồm có: Trái phiếu kì hạn 1-10 năm (notes), trên 10 năm (bonds) do Bộ Tài chính Mỹ phát hành; các loại chứng khoán thế chấp (mortgaged-backed securities), và các loại tài sản khác (all other). Ảnh: federalreserve.gov

Điều này cũng đúng đối với các ngân hàng trung ương nước ngoài, vốn có hơn 250 tỷ USD gửi tại Fed . Các tài khoản của Bộ Tài chính Mỹ và các ngân hàng trung ương nước ngoài được coi là "tiền nóng", có nghĩa là nó có thể được rút rất nhanh, đe doạ tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại. Vì vậy, các chuyên gia nghĩ rằng lượng tiền này nên được duy trì trên tài khoản tại Fed.

Kết hợp 3 nguồn tiền chính này lại cùng nhau - tiền lưu thông, tiền của Bộ Tài chính Mỹ,  và tiền gửi của các ngân hàng trung ương nước ngoài - thì kích thước tối thiểu của bảng cân đối đã thu hẹp sẽ  ở mức 2.500 tỷ USD.

Và một số người còn cho rằng nó nên được duy trì ở mức lớn hơn.

Có vài nhà kinh tế đã cho rằng một lý do chính gây nên sự hoảng loạn hồi năm 2008 là việc thiếu các tài sản có chất lượng cao trong hệ thống ngân hàng. Vì vậy, việc Fed duy trì một bảng cân đối lớn của Fed, từ đó cung cấp cho các ngân hàng một địa chỉ tin cậy để mua các tài sản có chất lượng cao nhằm cất giữ tiền của họ qua đêm, có thể giúp ổn định hệ thống tài chính.

Gần đây, cựu chủ tịch Fed là Ben Bernanke đã viết trên blog của ông rằng: "Có những lý lẽ hợp lý để giữ bảng cân đối của Fed ở quy mô lớn vô thời hạn, bao gồm cải thiện việc truyền tải chính sách tiền tệ sang thị trường tiền tệ, tăng nguồn cung tài sản ngắn hạn an toàn cho các bên tham gia thị trường, và cải thiện khả năng cung cấp thanh khoản của Fed khi có khủng hoảng. "

Những người phản đối việc duy trì bảng cân đối lớn cho biết Fed nên thu hẹp nó càng nhiều càng tốt để không trở thành nạn nhân của chính trị, khi mà Quốc hội hoặc Nhà Trắng có thể yêu cầu bảng cân đối được sử dụng để mua vào một số loại chứng khoán nhất định, nhằm giải quyết vấn đề tài chính. Họ cũng lo lắng rằng một bảng cân đối lớn như vậy có khả năng gây ra lạm phát.

Hơn 400 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ mà Fed nắm giữ dự kiến sẽ đáo hạn trong năm tới, và có thể khoảng 200 tỷ USD chứng khoán thế chấp sẽ được thanh toán. Vì vậy, chỉ cần Fed đưa ra quyết định là ngưng tất cả việc tái đầu tư trong năm nay có thể là một bước tiến quan trọng để đưa bảng cân đối của cơ quan này lên mức bình thường mới chỉ trong một năm.

Bá Ước

Nguồn CNBC


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới