Gần 2 triệu tỉ đồng sẽ được “bơm” vào nền kinh tế năm 2024
Ngay từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15%. Ảnh: TL.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2023 diễn ra chiều 5/1/2024, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, có những cơ chế mới trong việc điều hành tín dụng. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, ngay từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% và yêu cầu tổ chức tín dụng kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2024.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/12/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Như vậy, năm 2023, hệ thống tổ chức tín dụng đã đưa vào nền kinh tế khoảng 1,5 triệu tỉ đồng.
Trong bối cảnh khó khăn của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, mức tăng trưởng tín dụng trên đã thể hiện được sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng, đồng thời cũng cho thấy tín dụng ngân hàng vẫn là động lực quan trọng hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Nếu tính thêm dư nợ hiện nay khoảng 13,56 triệu tỉ đồng, thì có nghĩa là gần 2 triệu tỉ đồng sẽ đưa thêm vào nền kinh tế vào năm 2024 nếu tăng trưởng tín dụng đạt 15% như dự kiến đặt ra.
Phó Thống đốc cho biết, nếu điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, cho phép kiểm soát tốt lạm phát, đảm bảo dòng vốn vào đúng đối tượng cần thiết, cũng như an toàn hệ thống tín dụng được giữ vững, thì giữa năm hoặc cuối năm, Ngân hàng Nhà nước có thể mở rộng tín dụng, giao thêm cho các ngân hàng thương mại để tăng trưởng tín dụng.
“Hi vọng rằng sẽ không có tác động khó khăn của quốc tế tới Việt Nam như năm 2023, thì chắc chắn nhu cầu đầu tư của nền kinh tế sẽ tăng lên. Và tất yếu phải có nguồn lực đáp ứng cho nhu cầu đầu tư, phát triển đó”, Phó Thống đốc nói.
Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, trong bối cảnh bất ổn toàn cầu từ năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái kịp thời nhằm tạo bối cảnh thuận lợi hơn cho tăng trưởng kinh tế cũng như để nhà đầu tư nước ngoài quản lý cả rủi ro lạm phát và tỉ giá. Việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 sẽ có phần thuận lợi hơn năm 2023 với triển vọng FED cắt giảm lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong năm 2024 theo Bản tóm tắt dự báo kinh tế mới nhất của FED.
“Tín dụng ngân hàng vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế, theo đó, tăng trưởng tín dụng sẽ tăng tốc trong năm 2024. Các ngân hàng thương mại liên tục cắt giảm lãi suất huy động trong năm 2023, tạo cơ sở cho việc hạ lãi suất cho vay”, Mirae Asset nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2023: Xuất khẩu rau quả đạt 5,69 tỉ USD
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trực Thanh
-
Nguyễn Mai
-
Minh Đức
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn