Giờ G thoái vốn doanh nghiệp nhà nước
Nguồn ảnh: Quý Hòa
Tháng 6, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 908/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng dễ dàng thoái vốn.
Theo Quyết định, có 120 doanh nghiệp cần hoàn thành việc thoái vốn nhà nước trong năm 2020. Trong đó, 4 doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng phải hoàn thành thoái vốn nhà nước trước ngày 30.11 hoặc phần sở hữu sẽ chuyển sang cho Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý trước ngày 31.12. Ngoài ra, còn có 14 doanh nghiệp sẽ chuyển vốn sở hữu sang SCIC quản lý trước ngày 31.8.
Nguồn ảnh: Quý Hòa |
Tuy nhiên, đến nay, chỉ mới có 5 doanh nghiệp đã chuyển giao sang SCIC là Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) từ Bộ Công Thương, Tổng Công ty Sông Đà - Công ty Cổ phần, Tổng Công ty Đầu tư Nước và Môi trường Việt Nam - Công ty Cổ phần, Tổng Công ty Vật liệu xây dựng số 1 - Công ty Cổ phần và Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam - Công ty Cổ phần từ Bộ Xây dựng.
Công ty Chứng khoán HSC đánh giá, việc thoái vốn sẽ gia tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, khi ngân sách đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, đồng thời cũng giúp doanh nghiệp nhà nước tái cấu trúc. Trước nay, các trường hợp thoái vốn không thành công, không có nhà đầu tư quan tâm mua là không hiếm. Có các cuộc đấu giá đã bán 100% vào năm 2019 như Sabeco (SAB), Viglacera (VGC), Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam.
Hay gần đây là việc bán thành công 4,9 triệu cổ phần của Công ty Chăn nuôi Tiền Giang giúp SCIC thu về hơn 102,3 tỉ đồng. Ngược lại, cũng có nhiều công ty được đánh giá cao về hiệu quả hoạt động nhưng vẫn rơi vào cảnh ế ẩm khi SCIC chào bán như gần đây, lô 46 triệu cổ phần FPT (tương đương 5,87% vốn tại FPT) với giá khởi điểm 49.400 đồng/cổ phiếu, đã không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia. Hay EVNFinance, doanh nghiệp được coi là có tiềm năng nhất trong hệ thống Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhưng cũng không tự tin thoái vốn suôn sẻ trong năm nay.
Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC, nhận định, có 2 nguyên nhân chính gây khó khăn cho quá trình thoái vốn nhà nước là thị trường chứng khoán khó khăn và cơ chế thoái vốn chặt chẽ hơn. Một đặc điểm trong các lần thoái vốn thất bại được giới chuyên gia nhận định là giá chào bán khá cao so với giá trên thị trường. Nguyên nhân là cơ chế thoái vốn, quy định mới có ưu điểm là rất chặt chẽ, khó giảm giá bán hơn vì lo ngại dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước.
“Phần lớn khả năng thoái vốn nhà nước thành công của một thương vụ là do điều kiện thị trường chứng khoán có tốt hay không. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán khó khăn, Nhà nước chào bán ở mức giá nếu cao hơn giá thị trường thì thương vụ đó vẫn có thể hấp dẫn các công ty cùng ngành muốn thâu tóm. Khi đó, họ sẽ quan tâm tới những yếu tố khác hơn là định giá cao hay thấp”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta, cho biết.
Ông Minh đánh giá thêm, thông thường nhà đầu tư nội khá quan tâm tới những công ty có tài sản tốt, đặc biệt là bất động sản, còn các nhà đầu tư ngoại (đặc biệt là công ty Nhật) lại để mắt tới thị phần của doanh nghiệp mà Nhà nước thoái vốn.
Đơn cử như JX Nippon Oil & Energy, hiện là cổ đông lớn thứ 2 với tỉ lệ sở hữu hơn 8% của Petrolimex, muốn tăng tỉ lệ sở hữu tại Petrolimex lên 20%. Tuy SCIC chưa thoái vốn tại Dược Hậu Giang (DHG), nhưng năm trước, Taisho của Nhật cũng đã chấp nhận mua thêm hơn 20 triệu cổ phiếu DHG ngay cả khi giá cổ phiếu này ở mức cao nhiều năm. Qua đó, Taisho nâng tỉ lệ sở hữu lên 50,78% vốn điều lệ, trở thành cổ đông lớn nhất tại đây.
Hiện tại, trong danh sách các cổ phiếu được quan tâm trong năm 2020, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco cũng là doanh nghiệp dẫn đầu ngành dược. Tuy Abbott chi phối hơn 51% doanh nghiệp này nhưng vẫn chưa toàn quyền quyết định, do SCIC vẫn còn sở hữu hơn 26%, có quyền phủ quyết các nội dung quan trọng tại Domesco.
Một doanh nghiệp nắm thị phần lớn khác trong danh sách thoái vốn là Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - Công ty Cổ phần (VEA), Bộ Công Thương đang nắm giữ hơn 88% vốn và dự kiến thoái vốn về 36%. VEA có 3 liên doanh liên kết là Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam đóng góp phần lớn vào lợi nhuận hằng năm, đều là những doanh nghiệp đến từ Nhật và sở hữu các thương hiệu đứng đầu thị phần tại Việt Nam.
Đối với nhà đầu tư nội, Tổng Công ty Dược Việt Nam - Công ty Cổ phần cũng là một cái tên đáng chú ý. Bộ Y tế đang sở hữu 65% vốn tại đây, cơ cấu cổ đông Dược Việt Nam hầu như là các nhà đầu tư nội. Theo đó, Dược Việt Nam đang quản lý, sử dụng gần 9.870 m2 đất, chủ yếu là các khu đất diện tích lớn tại khu vực nội thành Hà Nội và TP.HCM như “đất vàng” 95 Láng Hạ (Hà Nội) có diện tích gần 3.280 m2, dự án tại 60B Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội. Còn mảnh đất hơn 1.863 m2 ở số 12 Ngô Tất Tố, Hà Nội hiện được sử dụng làm trụ sở văn phòng Tổng Công ty. Tại TP.HCM, Tổng Công ty cũng có 2 khu đất diện tích khoảng 1.930 m2 tại quận 3.
Tuy nhiên, cũng chính những vấn đề phức tạp về pháp lý đối với các tài sản này khiến việc thoái vốn gặp khó khăn. Một số công ty sở hữu quỹ đất trung tâm nằm trong danh sách thoái vốn như Vinatex, Seaprodex cũng được đánh giá là những thương vụ tiềm năng trong các đợt thoái vốn sắp tới.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư