Hoa Sen có khả năng gặp rào cản thương mại với mặt hàng tôn ở Indonesia
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen ( HSG) đã có buổi chia sẻ với Đầu tư chứng khoán về vụ việc này.
Được biết HSG là doanh nghiệp xuất khẩu tôn lớn nhất trong khu vực ASEAN. Việc Indonesia đang tiến hành điều tra tự vệ thương mại đối với mặt hàng tôn có tác động gì đến HSG, thưa ông?
Theo tôi, các doanh nghiệp cùng ngành nghề ở quốc gia khác khi không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu sẽ nhờ Chính phủ can thiệp thông qua hình thức bảo hộ thương mại, đây là điều có thể hiểu được.
Đối với Indonesia, hiện nay, Ủy ban Tự vệ thương mại nước này (KPPI) đang tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ thương mại đối với mặt hàng tôn mạ hợp kim nhôm kẽm (tôn lạnh) nhập khẩu vào Indonesia từ tất cả các nước, trong đó có Việt Nam.
Về vấn đề này HSG đã có những bước chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay thì KPPI chưa có động thái cụ thể nào ngoài việc thông báo về cuộc điều tra trên website của KPPI. Hiện nay, hoạt động xuất khẩu sang Indonesia của HSG vẫn tiến triển tốt.
HSG chuẩn bị như thế nào để ứng phó với việc điều tra tự vệ thương mại của KPPI?
Nhận thấy trước xu hướng bảo hộ thương mại thái quá từ các thị trường xuất khẩu, chúng tôi đã mời ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO, làm Cố vấn cao cấp về vấn đề bảo hộ thương mại tại HSG.
Bên cạnh đó, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của các bộ, ngành chức năng liên quan và báo cáo cập nhật tình hình bảo hộ thương mại tại các thị trường xuất khẩu đến Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Hiệp hội Thép Việt Nam.
Đối với vụ việc tại Indonesia, chúng tôi đã chủ động thuê một luật sư nổi tiếng tại Jakarta để hỗ trợ HSG chống lại vụ kiện. Đầu tháng 2 vừa qua, chúng tôi đã tổ chức thành công buổi tiệc tri ân khách hàng tại Jakarta, Indonesia với sự tham dự của Đại sứ và Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia cùng các khách hàng Indonesia. Các khách hàng Indonesia đã ủng hộ HSG và đồng tình làm Đơn kiến nghị đến KPPI phản đối việc đề xuất áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại tại nước này.
Tiến trình vụ việc dự kiến sẽ như thế nào, thưa ông?
Theo quy định của WTO, cơ sở để một quốc gia tiến hành điều tra tự vệ thương mại là phải xác định được thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp nội địa, do việc gia tăng đột biến của sản phẩm nhập khẩu gây ra.
Tuy nhiên, sau khi HSG xem xét Đơn kiện thì các số liệu của Nguyên đơn về các chỉ tiêu năng suất, hàng tồn kho, công suất hữu dụng, lợi nhuận… hoàn toàn không có thiệt hại nghiêm trọng, hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp Indonesia.
Dự kiến trong vài tháng tới, KPPI sẽ tổ chức phiên điều trần giữa các bên liên quan và HSG sẽ trình bày tất cả những căn cứ không thuyết phục nêu trong Đơn kiện để KPPI cũng như Chính phủ Indonesia xem xét, để có quyết định hợp lý. Nếu biện pháp tự vệ thương mại được áp dụng thì sẽ đi ngược lại các nguyên tắc thương mại của WTO và người tiêu dùng Indonesia sẽ phải mua hàng hóa với giá cao hơn.
Được biết, HSG đặt ra mục tiêu đạt sản lượng 1 triệu tấn, doanh thu 1 tỷ USD và lợi nhuận 500 - 1.000 tỷ đồng trong 3 - 5 năm tới. Cơ sở nào để đặt mục tiêu này?
Trong Đại hội đồng cổ đông HSG vào ngày 06/3 tới, HĐQT HSG sẽ trình thông qua chủ trương đầu tư giai đoạn 2 Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ với số vốn đầu tư dự kiến gần 1.400 tỷ đồng, gồm 1 dây chuyền mạ NOF công nghệ châu Âu với công suất 400.000 tấn/năm, 2 dây chuyền cán nguội công suất 200.000 tấn/dây chuyền/năm để đạt mục tiêu trong vòng 3 - 5 năm tới đạt công suất 1 triệu tấn cán nguội và 1 triệu tấn sản phẩm mạ.
Hiện nay, hàng hóa Trung Quốc trở nên đắt hơn và phải đối mặt với các chính sách bảo hộ thương mại ở các nước nhập khẩu. Do vậy, hướng đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015 thì sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và HSG nói riêng. Bên cạnh thị trường ASEAN, chúng tôi đã tiếp cận được các thị trường khó tính hơn như châu Âu, châu Mỹ, Úc…
HSG đã chính thức bổ nhiệm ông Junji Okamoto, quốc tịch Nhật Bản giữ chức vụ Giám đốc Quản lý chất lượng kể từ ngày 1/3/2013. Ông Junji Okamoto là một chuyên gia giàu kinh nghiệm về quản lý chất lượng sản phẩm thép dẹt dạng cuộn tại một tập đoàn thép hàng đầu thế giới của Nhật Bản.
Tham gia vào HSG, ông sẽ góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện quy trình quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế của HSG. Bên cạnh đó, chúng tôi hy vọng ông sẽ đem lại tinh thần làm việc Kaizen đặc trưng của Nhật Bản. Kaizen theo tiếng Nhật có nghĩa là “cải thiện”, “nâng cấp cái sẵn có”, “không bằng lòng với điều sẵn có vốn được cho rằng đã rất hoàn hảo”, hay nói một cách khác đó là sự cải tiến liên tục.
Nguồn Đầu Tư Chứng Khoán
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư