Sau những tên tuổi lớn như REE và Thaco, Bảo vệ Thực vật An Giang (AGPPS) đang rơi vào tầm ngắm của đại gia Jardine Matheson.
AGPPS tiếp tục trở thành hiện tượng của Đại hội Cổ đông năm nay khi có tới 11/14 nội dung không được thông qua. Đáng chú ý hơn, chiến lược hướng tới nông nghiệp, nông thôn đã vấp phải sự phản đối từ các cổ đông nước ngoài, nhất là VinaCapital. “Người trong muốn ra, người ngoài muốn vào” là câu chuyện đang xảy ra giữa các cổ đông lớn tại đây. Trong lúc VinaCapital muốn thoái vốn, Jardine Matheson lại đẩy mạnh đầu tư vào doanh nghiệp này.
“Trước đây sứ mạng của Công ty là dẫn đầu thị trường thì nay, nó đã được xác định lại là phục vụ nông dân, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn”, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị AGPPS khẳng định. Nhưng chính chiến lược hướng về nông thôn, nhất là mô hình Cánh đồng mẫu lớn đã bị VinaCapital (hiện nắm giữ 23,5% vốn) phản đối.
Năm 2012, nhóm các cổ đông nước ngoài cũng từng không biểu quyết thông qua hầu hết các nội dung chính của Đại hội Cổ đông. Năm nay, lịch sử đã được lặp lại.
Chiến lược hướng tới nông nghiệp, nông thôn của AGPPS cụ thể ra sao mà khiến cho VinaCapital không biểu quyết hết lần này đến lần khác như vậy?
Cánh đồng mẫu lớn của AGPPS là mô hình tích hợp 2 trục liên kết dọc (nông dân và doanh nghiệp) và liên kết ngang (nông dân với nông dân), nhằm đạt lợi thế kinh tế về quy mô. Việc quyết định sự thành bại là mối ràng buộc giữa nông dân và doanh nghiệp thông qua hình thức hợp đồng. Trong đó, doanh nghiệp và nông dân trở thành thị trường của nhau, giảm bớt chi phí cho những khâu trung gian. Nông dân tiêu thụ giống, thuốc bảo vệ thực vật. Còn doanh nghiệp bao tiêu lúa.
Cuối tháng 10.2013, AGPPS đã bán 2,48 triệu cổ phiếu cho 6.000 nông dân trên những Cánh đồng mẫu lớn với giá 30.000 đồng/cổ phiếu, chỉ bằng phân nửa mức giá đang giao dịch trên thị trường OTC. Việc này nhằm huy động nguồn lực để đầu tư thêm 8 nhà máy, giúp nâng tổng công suất lên mức 2,1 triệu tấn lúa vào năm 2018.
“Xét hiệu quả, Cánh đồng mẫu lớn AGPPS đang thực hiện không đem lại lợi nhuận tức thì. Đây được xem là khoản đầu tư lâu dài nhưng cuối cùng vẫn là đảm bảo lợi ích, cổ tức bình quân 30%/năm như thời gian qua”, ông Thòn nói.
Do bất đồng trong chiến lược hoạt động của AGPPS, VinaCapital đã muốn thoái vốn khỏi doanh nghiệp này từ cách đây 2 năm, nhưng hiện vẫn chưa thể thực hiện được vì giá chào bán luôn ở mức gấp đôi so với giá đang giao dịch trên thị trường OTC. Khoản đầu tư vào AGPPS đang chiếm tỉ trọng lớn nhất trong các khoản đầu tư OTC của VinaCapital.
Mới đây, AGPPS đã tìm được 2 nhà đầu tư ngoại tiềm năng là Quỹ SCPE thuộc Ngân hàng Standard Chartered và Tập đoàn Jardine Matheson. Hai nhà đầu tư mới này sẽ mua lại cổ phần của những cổ đông muốn thoái vốn như VinaCapital. Đến nay đã có một cổ đông lớn thỏa thuận được với SCPE để chuyển nhượng vốn nhưng thông tin vẫn chưa được công bố.
Năm ngoái, AGPPS đã triển khai được một số kế hoạch phát triển. Cụ thể, ngành thuốc của Công ty tiếp tục mở rộng sang thị trường Campuchia, ký kết hợp tác chiến lược với Đạm Cà Mau, xây nhà máy phân hữu cơ ở Hậu Giang, nhà máy phân sinh học ở Châu Thành, An Giang. Ngành giống cũng mở rộng kinh doanh sang Campuchia. Ngành lương thực đã phát triển thêm một nhà máy gạo tại Bạc Liêu.
Vì vậy, hầu hết các chỉ tiêu hoạt động của Công ty đều vượt kế hoạch như doanh thu thuần 7.436 tỉ đồng, tăng 17,4% so với năm 2012. Lợi nhuận trước thuế 675 tỉ đồng, tăng 14%. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) 8.058 đồng/cổ phiếu, tăng 1,4%. Tỉ lệ chia cổ tức dự kiến 30% bằng tiền mặt.
Với kết quả khả quan như vậy, diện mạo của AGPPS đang khá đẹp trong mắt các nhà đầu tư.
Không chỉ có vậy, theo nhận định của giới đầu tư, Jardine Matheson là một tập đoàn quốc tế chuyên kinh doanh đa ngành vốn có văn hóa doanh nghiệp gần giống như AGPPS. Cuộc hôn nhân giữa 2 đối tác nội và ngoại này được kỳ vọng sẽ đạt được kết quả tích cực trong thời gian tới. Đồng thời, AGPPS cũng là cánh cửa có thể giúp nhà đầu tư ngoại này thẳng tiến vào lĩnh vực nông nghiệp vốn tiềm năng của Việt Nam.
Nguồn Nhịp cầu đầu tư