Kiến nghị lập ủy ban theo dõi kinh tế Việt - Trung
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức ra thông điệp về kế hoạch phát triển kinh tế năm 2015. Khác với những năm trước, nội dung gây chú ý nhất lần này chính là yêu cầu từ người đứng đầu Chính phủ phải "tránh phụ thuộc nhiều vào một thị trường", bao gồm cả Trung Quốc - nơi Việt Nam đang nhập siêu lớn nhất.
Tính cấp bách của việc tự chủ trong quan hệ thương mại với nước láng giềng đã được nhiều đại biểu góp ý trên diễn đàn Quốc hội. Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng việc các quốc gia liên kết để cùng xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu là cần thiết, song để lệ thuộc kinh tế lại cực kỳ nguy hiểm. "Số liệu chính thức cho thấy kinh tế Việt Nam đang lệ thuộc nặng nề vào nước láng giềng phương Bắc, cả về nguyên liệu và vật tư phụ trợ cho sản xuất công nghiệp cũng như về thị trường tiêu thụ nông sản", ông nhận xét.
Trao đổi với VnExpress.net, chuyên gia kinh tế Hoàng Thọ Xuân (Viện Nghiên cứu thương mại - Bộ Công Thương) nhận định Chỉ thị của Thủ tướng rất kịp thời trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu và mối quan hệ với Trung Quốc căng thẳng. "Thông điệp của Thủ tướng mang ý nghĩa như một lời hiệu triệu, là dấu mốc đầu tiên khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể thoát lệ thuộc vào một thị trường, từ đó xây dựng con đường để kinh tế Việt Nam đi lên”, ông nhấn mạnh.
Rút kinh nghiệm từ những lần trước, khi đề án hạn chế dần nhập khẩu từ Trung Quốc được Bộ Công Thương vạch ra từ năm 2007 nhưng đến nay nhập siêu từ thị trường này không ngừng gia tăng, ở lần này, vị chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại khuyến nghị nhà điều hành cần xây dựng một đường hướng chung, căn cơ và bài bản hơn để thực hiện thành công kế hoạch giảm thâm hụt thương mại.
"Cần thành lập một ủy ban tư vấn gồm những con người am hiểu, có chiến lược, nhạy bén chính trị nhưng cũng sắc sảo về kinh tế để nghiên cứu về mối quan hệ thương mại giữa hai bên, tính toán xem những mặt hàng nào Việt Nam đang phải phụ thuộc để từ đó có những biện pháp xử lý", ông đề xuất.
Trong đó, với nhập khẩu cần giảm thiểu những mặt hàng có thể tìm thị trường thay thế hay sản xuất trong nước. Còn với xuất khẩu, Việt Nam cũng phải gia tăng lợi thế bằng cách tăng cường sản xuất những mặt hàng Trung Quốc không có hoặc đang thiếu. "Nên có một triết lý như vậy rồi mới tính từng mặt hàng một, mặt hàng nào từ chối thì nên nhập ở đâu hoặc sản xuất trong nước như thế nào. Tất cả mọi ngành phải chung một hướng, có rào chắn và biện pháp để tránh lệ thuộc. Song, tuyệt đối không nên quá cực đoan, tránh mà không có nơi nào thay thế, bổ sung hoặc hỗ trợ", vị này trao đổi.
Theo phân tích của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), nếu mối quan hệ Việt - Trung ngày càng xấu, dệt may - da giầy sẽ là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nhất do 50 - 60% nguyên liệu đầu vào cho ngành này phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Từ đó, chỉ thị của Thủ tướng nêu ra cũng là hiệu lệnh để các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới.
Ông Lê Tiến Trường - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may (Vinatex) cho biết trong tình hình này, doanh nghiệp cần có lộ trình để giảm thiểu sự lệ thuộc nguồn cung ứng nguyên, phụ liệu dệt may từ bất cứ một cuộc gia nào, song song với đó là các giải pháp kêu gọi sự chia sẻ vì lợi ích chung.
Trước mắt có thể giảm lợi nhuận, về lâu dài có lộ trình để tự chủ về nguồn nguyên, phụ liệu sản xuất trong nước hoặc cùng liên kết để đặt mua một đơn hàng lớn từ các nước trong khu vực và châu Á, ví dụ như Ấn Độ để được giảm thiểu chi phí và rút ngắn thời gian nhập khẩu nguyên phụ liệu, đảm bảo giao hàng đúng hạn và vẫn tăng trưởng tốt, lãnh đạo Vinatex chia sẻ.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để giảm phụ thuộc vào một thị trường. Cụ thể, với việc tham gia các Hiệp định thương mại tư do trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có điều kiện nhập khẩu từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... các máy móc, thiết bị, nguyên liệu đầu vào và cả hàng tiêu dùng với giá cả hợp lý, có thể cạnh tranh được với nguồn cung ứng giá rẻ từ Trung Quốc. Điều này cũng giúp Việt Nam đa dạng hóa "đầu ra" cho các sản phẩm, đặc biệt là nông sản tại các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng của thế giới.
"Đây là yêu cầu sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam mà cho đến nay chúng ta còn làm chưa tốt. Rất cần tìm ra những lối ra cho nền kinh tế để tránh tình trạng lệ thuộc, bỏ tất cả vào chung một rỏ như hiện nay", ông Lộc phát biểu.
Ngay cả trong trường hợp việc tìm nước nhập khẩu thay thế khiến giá bán sản phẩm Việt Nam tăng khoảng 10%, các chuyên gia cũng nhận định người mua, bao gồm các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia vẫn dễ dàng chấp nhận vì họ không có lựa chọn nào khác. Theo VAFI, nguyên nhân là do những nền kinh tế khá và đang đi lên như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines… sẽ không thích thú hoặc không thể đầu tư vào ngành dệt may - da giầy vì đòi hỏi nhân công lớn với giá rẻ. Những nước như Lào, Campuchia, Myanmar… cũng đang phát triển nhưng không thể thay thế vai trò của Việt Nam vì khó khăn về hạ tầng cơ sở, nguồn cung cấp điện...
Hay lĩnh vực du lịch, với việc lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam đang chiếm trên 20% trong cơ cấu khách du lịch quốc tế hiện nay, căng thẳng giữa hai nước sẽ khiến con số này giảm mạnh, cùng với đó là khách Việt Nam sang Trung Quốc cũng giảm dần. Tuy nhiên, VAFI cho rằng đây sẽ là động lực cho ngành du lịch trong nước để cải thiện chất lượng quản trị sân bay, visa, khách sạn, văn hóa du lịch ngoài khách sạn... nhằm lôi kéo khách du lịch từ các nơi khác đến Việt Nam hay chính người dân sẽ tăng cường các chuyến nội địa.
"Việt Nam hoàn toàn có thể độc lập tự chủ trong lĩnh vực kinh tế, thoát lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, chỉ cần chúng ta có quyết tâm, ý chí, chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Mục tiêu giảm phụ lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong năm 2015 sẽ khả thi ", ông Hoàng Thọ Xuân nhấn mạnh.
Nguồn VnExpress
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư