Liên tiếp thu hồi sữa New Zealand nhiễm khuẩn
Ngay sau công bố của Fonterra, Cục an toàn vệ sinh thực phẩm , bộ Y Tế đã liên tiếp có công văn yêu cầu ngừng nhập khẩu các sản phẩm sữa New Zealand. Ngày 3/8, Cục đã có công văn gửi Văn phòng Đại diện Abbott tại Việt Nam yêu cầu dừng lưu thông và tiến hành thu hồi sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ từ 1-3 tuổi Similac GainPlus Eye-Q. Đây là sản phẩm của Công ty Abbott sản xuất theo hợp đồng bởi Công ty Fonterra - New Zealand (công ty có sản phẩm Whey Protein bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum xuất khẩu sang Việt Nam, Trung Quốc, Úc và Ả Rập Saudi). Đồng thời, Cục cũng chỉ đạo Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm nói trên.
Đến ngày 4/8, ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm, tiếp tục yêu cầu Abbott tại Việt Nam và nhà nhập khẩu sản phẩm dinh dưỡng Similac GainPlus Eye-Q (dành cho trẻ 1-3 tuổi, loại hộp 400 g và 900 g) khẩn trương triển khai thu hồi sản phẩm. Ông Trung cho biết theo thông báo từ đơn vị nhập khẩu, 10 lô sản phẩm Similac GainPlus Eye-Q nghi ngờ có nhiễm Clostridium Botulinum nhập về Việt Nam từ ngày 17/6 đều đã được phân phối ra thị trường.
Cũng trong ngày 4/8, Cục an toàn thực phẩm tiếp tục có công văn cảnh báo về sản phẩm dinh dưỡng công thức Karicare có chứa Whey Protein bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum do Công ty Fonterra New Zealand sản xuất. Các sản phẩm này bao gồm: Karicare Formula số 1 (cho trẻ 0-6 tháng tuổi) với số lô 3169 và 3170, hạn sử dụng ngày 17/6/2016 và 18/6/2016; Karicare Gold+ Follow on Formula số 2 (cho trẻ 6-12 tháng tuổi) với số lô D3183, hạn sử dụng 31/12/2014. Các sản phẩm này chỉ được bán trên thị trường New Zealand và đã được Công ty Nutricia tự nguyện thu hồi.
Hiện sản phẩm thuộc 10 lô bị nhiễm khuẩn vẫn nằm trong diện cảnh báo. Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia sẽ công bố kết quả xét nghiệm chính thức vào tuần này. Ông Trung cũng khuyến cáo người tiêu dùng đã mua sữa Similac GainPlus Eye-Q cần kiểm tra số lô của sản phẩm in ở đáy lon. Nếu trùng khớp với số lô của 10 lô hàng bị cảnh báo nhiễm khuẩn thì ngưng sử dụng sản phẩm ngay.
Theo cảnh báo của các cơ quan y tế, vi khuẩn Clostridium Botulinum có khả năng sản sinh độc tố thần kinh, sinh độc tố trong thức ăn, vết thương gây ra bệnh độc thịt, liệt cơ. Clostridium Botulinum còn được biết đến là loại vi khuẩn gây bệnh độc thịt, sinh độc tố thần kinh cực độc trên sản phẩm thịt không được bảo quản hợp vệ sinh khiến người dùng bị ngộ độc.
Nguồn Người Lao động
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư