Hủy
Kinh Doanh

Lối thoát cho sàn giao dịch kim loại hiếm lớn nhất thế giới

Thứ Sáu | 24/07/2015 19:00

Sàn giao dịch kim loại lớn nhất thế giới đổ vỡ khiến các nhà đầu tư thiệt hại khoảng 6 tỷ USD. Lối giải thoát nào cho NĐT lấy lại tiền?
 

Trong thời gian qua, chính phủ Trung Quốc đã áp đặt một mức lãi suất tiết kiệm khá thấp để hướng lượng tiền nhàn rỗi vào thị trường chứng khoán. Nhưng đối với một bộ phận không nhỏ người dân Trung Quốc thì thị trường chứng khoán luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến động nên họ tìm cách đầu tư tiền sang các lĩnh vực khác.

Nổi bật trong số đó là sàn giao dịch kim loại hiếm kiêm dịch vụ quản lý tài sản Fanya Metals Exchange, với lời hứa hẹn sẽ mang lại lợi tức rất cao, lên tới 13,7%/năm. Những dòng vốn liên tục đổ vào đã làm cho Fanya trở thành sàn giao dịch kim loại hiếm lớn nhất trên thế giới.

Nhưng điều này cũng đồng thời đẩy giá trị các sản phẩm “kim loại nhỏ” cao hơn giá trị thực rất nhiều lần, dẫn đến hình thành bong bóng "sàn kim loại". Đến một lúc khi bong bóng đổ vỡ, các dòng tiền của các nhà đầu tư mắc kẹt lại trong công ty Fanya khiến cho các nhà đầu tư giận dữ tập trung bên ngoài công ty để đòi lại tiền. Nhưng đối với khả năng thanh khoản hiện nay của Fanya thì không thể đáp ứng được điều đó.

Hướng đi cho sàn kim loại hiếm lớn nhất thế giới

Mới đây Amer International Group - một công ty đa quốc gia hàng đầu của Trung Quốc về sản xuất dây cáp và các sản phẩm bằng đồng, đang thảo luận với ban lãnh đạo Fanya. Nếu cuộc thương thảo này thành công, Amer sẽ mua lại Fanya với giá 5 tỷ đô la. Điều này có thể giải nguy cho sàn giao dịch kim loại và xoa dịu sự tức giận của hàng ngàn nhà đầu tư.

Như các báo cáo trước đó, ngày 16/7 có gần 200 nhà đầu tư ở Thượng Hải đã tụ tập trước công ty để đòi lại tiền từ lãnh đạo công ty Fanya. Ngoài ra các nhà đầu tư cũng tìm cách thúc đẩy chính phủ Trung Quốc giúp đỡ họ trong việc lấy lại tiền. Theo ước tính, các nhà đầu tư có thể đã mất hơn 6 tỷ đô la khi đầu tư vào sàn giao dịch này.

Trả lời trang tin tức Quartz, phát ngôn viên của công ty Amer International cho biết vào ngày 22/7 thì người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của công ty là ông Wang Wenying đã thảo luận về việc mua lại Fanya. Tuy nhiên phía Amer cũng cho biết thêm chưa có điều gì là chắc chắn. Còn phía Fanya thì chưa có phản hồi gì bằng điện thoại lẫn email.

Từ xưởng phích cắm điện đến Fortune 500

Amer International là một công ty đa quốc gia hàng đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh doanh kim loại không chứa sắt và công nghiệp bán dẫn. Hiện Amer đang có 15.000 nhân viên và hai trụ sở lớn tại Châu Âu và Singapore. Năm 2014, Amer xếp thứ 247 trong danh sách Fortune 500, với mức lợi nhuận 957 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Theo tạp chí Fortune China cho biết, năm 1994 ông Wang Wenying đã thành lập Amer để sản xuất phích cắm điện để xuất khẩu. Sau đó ông mở rộng sản xuất sang lĩnh vực dây cáp và dây điện, trước khi bước chân vào ngành công nghiệp sản xuất đồng đầy béo bở vào năm 2005.

Ông Wang chia sẻ với báo Fortune China: "Tôi đã thực hiện các nghiên cứu trên tất cả các ngành công nghiệp trên thế giới và đưa ra kết luận rằng ngành sản xuất đồng có mức thanh khoản cao nhất”. Wang chia sẻ thêm với Fortune rằng cái tên “Amer” bắt nguồn từ “Hoa Kỳ” (America) và ông dự định tạo ra một đế chế hùng mạnh giống như Hoa Kỳ.

Nói về chủ đề M&A với báo Fortune China, ông Wang phát biểu: "Khi chúng tôi đã muốn thâu tóm một doanh nghiệp nào đó, thường là chúng tôi đã xem xét nó trong khoảng 5 năm hoặc thậm chí 10 năm. Và một khi cơ hội tới, chúng tôi sẽ chớp lấy cơ hội đó để nó không thể vuột mất”.

Dựa trên những diễn biến gần đây thì có thể nói Fanya sẽ là cơ hội không thể để vuột mất tiếp theo của tập đoàn Amer.

Đinh Hạnh

Nguồn Quartz


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới