Moody's: Lạm phát Việt Nam có thể sẽ tăng trở lại
Sau thời kỳ tăng trưởng nóng, kinh tế Việt Nam đã dần đi vào ổn định nhờ chính sách thắt chặt của Chính phủ, giúp kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, chính sách này cũng đã "vô tình" 'kiềm chế' luôn cả tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Theo đánh giá của Moody's Analytics, "đám mây đen" bao trùm lên nền kinh tế nước ra vẫn chưa được "giải thoát" khi tốc độ tăng trưởng tín dụng còn khá yếu mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành cắt giảm lãi suất tới 4 lần.
Chính phủ đã hạ 1% dự báo tăng trưởng cho cả năm 2012 xuống còn 5,2%. Điều này, theo đánh giá của chuyên gia Moody's Analytics, là hợp lý nếu tốc độ tăng trưởng tín dụng lấy lại đà và tình hình quốc tế không tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu đi.
Trong 6 tháng đầu năm 2012, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam bị mất đà khi chỉ tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu nội địa cũng chậm lại trong khi số lượng các doanh nghiệp tuyên bố phá sản tăng.
Tuy nhiên, một điều đáng mừng là xuất khẩu 8 tháng đầu năm nay của Việt Nam tăng tới 18% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đầu là các ngành dệt may, giày dép. Trong khi đó, nhập khẩu mới chỉ tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, điều này cho thấy nhu cầu nội địa đã giảm.
Trong thời gian cuối năm 2011, Chính phủ đã thi hành chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ trong việc ổn định giá cả. Điều này đã giúp hạ nhiệt lạm phát xuống còn 5% trong tháng 8 năm nay từ mức đỉnh 23% trong tháng 8/2011.
Tuy nhiên, theo Moody's Analytics, Chính phủ Việt Nam cần thận trọng trong các chính sách đưa ra, đặc biệt là quyết định có tiếp tục cắt giảm lãi suất nữa hay không, do điều này có thể lại 'thổi bùng' ngọn lửa lạm phát quay trở lại.
Cũng theo đánh giá của Moody's Analytics, lạm phát có thể sẽ tăng trở lại trong những tháng tới do giá điện tăng cùng với giá cả lương thực thế giới liên tục leo thang.
Cũng theo báo cáo của Moody's Analytics, nhu cầu nội địa đến thời điểm này vẫn chưa được phục hồi. Trong tháng 8, sản lượng công nghiệp giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng riêng năm nay khi chỉ tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm cũng chỉ ở mức khiêm tốn khi chỉ tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Một phần nguyên nhân là do tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Một báo cáo của Chính phủ cho hay, tỷ lệ nợ xấu của nước ta ở mức khoảng 10% tổng dự nợ, trong khi một số báo cáo khác thì lại cho rằng con số này đã lên tới gần 15%.
Hệ thống ngân hàng của Việt Nam, theo đánh giá của Moody's Analytics, là điểm yếu cấu trúc chính của nước ta. Hệ thống các nhà băng có vai trò cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế khi đóng vai trò là đối tượng trung gian, giúp lưu thông tiền tệ. Tuy nhiên, việc các ngân hàng thương mại thắt chặt việc cho vay trong thời gian gần đây đã gây cản trở mục đích của việc cắt giảm lãi suất của Chính phủ nhằm hỗ trợ các hoạt động kinh tế và đầu tư.
Trong tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông qua kế hoạch tái cấu trúc hệ thống ngân hàng nhằm củng cố các ngân hàng lớn và khuyến khích sáp nhập các ngân hàng nhỏ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Moody's Analytics, tiến độ của kế hoạch này còn khá chậm và kết quả còn khá hạn chế.
Do đó, theo Moody's Analytics, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2012 sẽ chỉ khoảng 5%, tuy nhiên, bước sang năm 2013, con số này sẽ được cải thiện.
Tiền đồng của Việt Nam đã đi vào ổn định được hơn một năm qua do các điều kiện về kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tình hình lạm phát của nước ta đã được kiểm soát. Theo Moody's Analytics, việc xuất khẩu tăng trong khi nhập khẩu giảm đã giúp tăng lượng dự trữ ngoại hối của Chính phủ. Tính đến tháng 5/2012, tổng lượng dự trữ ngoại hối của nước ta đã lên tới 19 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Moody's Analytics, Chính phủ Việt Nam cần phải tiếp tục tăng dự trữ do tình hình thế giới vẫn đang biến động và chứa nhiều bất ổn.
Cũng như nhiều quốc gia Châu Á khác, sau khi chuyển đổi từ một nền kinh tế dựa vào nông nghiệp sang nền kinh tế sản xuất các sản phẩm có giá trị thấp, hiện Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế sản xuất các sản phẩm có giá trị cao hơn bao gồm cả ngành điện tử. Mặc dù ngành dệt may vẫn đang là ngành công nghiệp đứng đầu khi chiếm tới 14% tổng giá trị xuất khẩu, tầm quan trọng của ngành này đang giảm dần trong khi điện tử đang ngày càng phát triển khi chiếm tới 6% tổng giá trị xuất khẩu.
Nguồn NDH Money
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư