Mùa mía bất thường
Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều vùng mía đã trổ cờ nhưng nông dân chưa thể thu hoạch do ruộng mía vẫn còn ngập nước, xe chở mía không thể vào vì đường sá lầy lội hoặc bị hư hại nặng bởi các đợt mưa lũ kéo dài trước đó.
Trong khi đó, một số nhà máy sau khi chạy khởi động đã phải tạm đóng cửa do thiếu nguyên liệu.
Nông dân thiệt đơn thiệt kép
Khảo sát của chúng tôi tại thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) cho thấy hầu hết các ruộng mía đã trổ cờ, nhưng nhiều diện tích vẫn còn lầy lội do các đợt mưa vừa qua khiến người dân chưa thể thu hoạch.
Dẫn chúng tôi đi dọc diện tích mía của mình, ông Vũ Hạnh Nguyên (xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa) cho biết do các ruộng mía bị ngập nước nên muốn thu hoạch, người trồng mía phải trung chuyển mía từ ruộng ra đường lớn để đưa lên xe, chi phí vận chuyển tăng thêm khoảng 100.000 đồng/tấn.
“Do thời tiết mưa nhiều tại thời điểm mía đang vào vụ thu hoạch nên chữ đường chưa đến 8,5CCS (đơn vị đo lượng đường trong cây mía), thậm chí có nơi dưới 7CCS, ảnh hưởng đến giá mua mía” - ông Nguyên nói.
Theo ông Trần Văn Toàn (xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa), vào thời điểm này vụ trước gia đình ông đã thu hoạch hơn 50% diện tích mía nhưng hiện chỉ mới thu hoạch được 1ha mía trong 12ha.
Theo ông Toàn, do thời tiết mưa nhiều vào thời điểm thu hoạch, ruộng mía lúc nào cũng ngập nước nên các nhà máy đường buộc phải lùi thời gian vào vụ sản xuất.
“Ngoài chuyện vận chuyển khó khăn, mưa nhiều khiến chữ đường trong cây mía thấp, nhà máy chưa dám mua nhiều. Mấy hôm nay nghe đài khí tượng báo không khí lạnh tràn xuống có thể gây mưa chúng tôi càng lo vì không biết đến bao giờ mới thu hoạch xong ruộng mía” - ông Toàn lo lắng.
Chỉ chúng tôi xem ruộng mía gần 6ha đang nằm rạp xuống ruộng bởi gió mùa, ông Đoàn Sơn (xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) cho biết vẫn chưa thu hoạch được mía, dù cây mía đã trổ cờ.
“Tui đã đăng ký bán mía nhưng Nhà máy Đường Khánh Hòa vẫn chưa triển khai mua nên đành phải chờ” - ông Sơn cho biết. Theo ông Sơn, do thời tiết diễn biến bất thường, mưa ngập liên tục vào thời điểm sắp thu hoạch nên chữ đường rất thấp, giảm khoảng 1,5CCS so với vụ trước.
“Không chỉ vậy, chi phí nhân công chặt mía năm nay cũng cao, hiện 1.300 đồng/bó, tăng 30% so với vụ trước do mía ngã đổ nhiều, khiến cho chi phí thu hoạch mía tăng mạnh” - ông Sơn nói.
Tại Bình Định, nhiều ruộng mía cũng đã trổ cờ nhưng diện tích mía được thu hoạch rất ít.
Theo ông Lê Văn Đẩu - phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định), đến thời điểm này toàn huyện chỉ mới thu hoạch khoảng 50ha mía trong số hơn 166ha, một phần do việc vận chuyển khó khăn bởi đường sá bị tàn phá trong đợt lũ vừa qua, một phần do chữ đường giảm mạnh.
“Giá mua mía năm nay có nhỉnh hơn, nhưng nông dân phải chịu chi phí trung chuyển mía từ ruộng ra đường lớn vì đất ruộng mía nhão, lầy, xe tải lớn của nhà máy không vô được nên thu nhập bị giảm” - ông Đẩu cho biết.
Ông Nguyễn Văn Đức (nông dân trồng mía ở xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn) thừa nhận cây mía chỉ được ký do ngậm nước chứ chữ đường giảm mạnh nên nhà máy cũng không mặn mà mua.
Nhà máy cũng gặp khó
Không chỉ người trồng mía, bản thân các nhà máy đường cũng bị ảnh hưởng rất nhiều do vào vụ ép chậm. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đều cho biết kế hoạch sản xuất bị đảo lộn do mùa thu hoạch mía đến chậm.
Theo ông Dương Công Tiễn - giám đốc Nhà máy đường Khánh Hòa, do ảnh hưởng thời tiết, mùa thu mua mía bị chậm so với kế hoạch nên toàn bộ kế hoạch tiêu thụ sản phẩm của nhà máy cũng bị ảnh hưởng.
“Chúng tôi đang lo sẽ không có hàng để giao cho khách hàng như đã cam kết, kế hoạch kinh doanh của nhà máy bị ảnh hưởng” - ông Tiễn nói.
Mọi năm, cứ sau Tết Nguyên đán là các nhà máy đường ở tỉnh Phú Yên hoạt động rầm rộ nhưng năm nay nhà máy đang rơi vào tình cảnh đói nguyên liệu do đường sá và ruộng mía bị lầy lội, nông dân không thể thu hoạch mía.
Dù đang vào mùa thu hoạch mía nhưng Nhà máy đường TUSUCO (Công ty CP Mía đường Tuy Hòa) và Nhà máy đường Đồng Xuân, Sơn Hòa (Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam) vẫn đang đóng cửa, không thấy chiếc xe tải chở mía nào.
Ông Nguyễn Văn Phương, công nhân Nhà máy đường Đồng Xuân, cho biết nhà máy hoạt động cầm chừng được một tuần vào trước tết rồi tạm đóng cửa đến nay do không có nguyên liệu.
Theo ông K.V.S.R Subbaiah - tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, dù công ty đã có kế hoạch ép mía từ đầu tháng 12-2016 nhưng do trời mưa liên tục nên nhiều nông dân không thể thu hoạch mía.
Trước tết, công ty chỉ mua được gần 54.000 tấn mía nguyên liệu, công suất bình quân 3.586 tấn mía cây/ngày. Sau tết chỉ vài nông dân thu hoạch mía, nên hai nhà máy đường của công ty không thể hoạt động trở lại.
“Để đảm bảo cho việc tiêu thụ mía kịp thời, những nông dân có điều kiện thu hoạch mía sớm đăng ký để được cấp lệnh thu hoạch” - ông Subbaiah nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Thiệu Văn Học (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh, Phú Yên) cho biết gia đình ông vẫn chưa dám thu hoạch mía do ruộng còn đang lầy lội, xe tải chạy vào sẽ “cày” nát gốc mía, không thể để lưu gốc cho vụ sau nên đành chờ trời nắng ráo mới thuê nhân công thu hoạch.
Trong khi đó, ông Lê Văn Lung (xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa) cho biết 10ha mía của gia đình ông đang thời kỳ thu hoạch nhưng đường sá lầy lội, “xe máy chạy còn lún huống chi xe tải” nên chưa thể thu hoạch được, dù càng để lâu chữ đường càng giảm.
Ông Nay Y Blung - chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, địa phương có diện tích mía lớn nhất tỉnh Phú Yên - cho biết đã chỉ đạo các ngành chức năng trên địa bàn vận động nông dân thu hoạch sớm những diện tích mía gần đường lớn, khu dân cư có khả năng xe tải vào được.
Còn những diện tích mía nằm xa đường lớn, đường nội đồng bị lầy lội có thể thu hoạch và chuyển mía bằng xe công nông, xe bò đến nơi khô ráo, sau đó thuê xe tải vận chuyển mía đến nhà máy đường.
Dù chi phí vận chuyển “đội” lên đôi chút còn hơn là để mía cứ đứng ngoài ruộng quá lứa, trổ bông, giảm năng suất.
Ông Phan Lâm Tường, cán bộ phòng đầu tư nguyên liệu Nhà máy Đường An Khê (tỉnh Gia Lai, thuộc Công ty CP Đường Quảng Ngãi), cho hay niên vụ này nhà máy dự kiến mua 15.000 tấn mía tại Bình Định, nhưng đến nay chỉ mới mua được khoảng 3.000 tấn dù còn hai tháng nữa là kết thúc niên vụ ép mía. “Mưa lũ kéo dài không chỉ khiến chữ đường bị giảm, việc vận chuyển mía nguyên liệu khó khăn và tốn thêm chi phí làm đội giá thành, chưa kể ảnh hưởng đến niên vụ mía năm sau” - ông Tường nhận định. |
Mía đầy ruộng, nhà máy thiếu nguyên liệu Ông Nguyễn Văn Trượng - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định - cho biết tổng diện tích mía trên địa bàn niên vụ này khoảng 1.130ha, hầu hết bán cho Công ty CP Đường Bình Định. Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng mưa lũ nên việc thu mua, sản xuất chậm hơn so với bình thường một tháng. Nhà máy hiện không đủ mía nguyên liệu để ép theo công suất thiết kế. Trong khi đó, theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Khánh Hòa, phần lớn diện tích mía trên địa bàn vẫn đang chờ thời tiết nắng trở lại, ruộng mía khô hẳn thì xe vận chuyển mới vào được để thu hoạch mía. Những khu vực có hợp đồng bán mía cho Nhà máy Đường Phan Rang vào vụ sớm hơn, bắt đầu ngày 2-2 nhà máy cho người dân chặt mía. Riêng những hộ đăng ký bán mía cho Công ty CP Đường Khánh Hòa vẫn chưa chặt mía, do từ ngày 20-2 công ty mới vào vụ ép mía. |
Nguồn Tuổi trẻ
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư