Hủy
Kinh Doanh

Nên làm gì với 50 cây vàng lúc này?

Thứ Bảy | 08/10/2016 07:44

Với số vàng này, theo chuyên gia, nên giữ 1/3 để đầu tư dài hạn, phần còn lại có thể bỏ vào kênh ngân hàng, bất động sản, chứng khoán hoặc USD.
 

Chị Mai Hương, nhà ở quận 6, TP HCM cho biết, nhà thì đã được bố mẹ cho nên sau 8 năm đi làm, vợ chồng chị tiết kiệm được khoảng 50 cây vàng (với giá hiện nay quy đổi tương đương 1,8 tỷ đồng) trước giờ cất trong két sắt. Giờ thấy giá vàng cứ liên tục hạ, nếu tính từ đầu tháng 7 (mức đỉnh trong năm) đến nay, thì mỗi lượng đã giảm hơn 3 triệu đồng. Vị chi 50 lượng vàng, vợ chồng chị mất hơn 150 triệu đồng, trong khi đó, một số thị trường khác như bất động sản chứng khoán... có phần khởi sắc, hoặc lãi suất tiết kiệm cũng ở mức cao nên muốn rút ra bỏ vào những kênh này.

Tuy nhiên, điều mà vợ chồng chị lo lắng là mang vàng đi bán lúc này để đầu tư vào những kênh trên liệu có thích hợp? Bởi chị sợ giá vàng sau này tăng cao sẽ rất tiếc. Những băn khoăn của vợ chồng chị Hương cũng là trường hợp chung của rất nhiều người đang có số vàng nhàn rỗi khá lớn như trên.

 Chia sẻ về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích, vàng trong ngắn hạn có chịu áp lực giảm giá nhưng về dài hạn sẽ tăng. Cuối năm nay, theo ông Hiếu thì Cục dự trữ Liên bang Mỹ - Fed khả năng tăng lãi suất và vàng thế giới có thể sụt giảm đôi chút, nhưng trong nước khi USD tăng thì giá vàng quy đổi cũng tăng lên nên người nắm giữ vàng không sợ thua lỗ.

Mặt khác, tiến sĩ Hiếu còn cho rằng, vàng là một kênh đầu tư truyền thống của người châu Á, trong đó có Việt Nam. Trong quá khứ, vàng được xem là kênh trú ẩn an toàn, giá trị bền vững. Tuy nhiên, nguyên tắc đầu tư thông minh là "không nên để trứng vào cùng một rổ". Do đó, nếu bạn đang nắm giữ 50 cây vàng thì có thể tiếp tục giữ lại một phần ba số này để đầu tư dài hạn, phần còn lại thì cân nhắc những kênh khác như gửi ngân hàng, mua bất động sản, tham gia thị trường chứng khoán hoặc mua USD.

Trong số các kênh này thì mức độ ưu tiên nhất là gửi ngân hàng. Ông Hiếu cho rằng, ngân hàng luôn là lựa chọn của nhiều người trong thời điểm hiện nay vì lãi suất khá cao so với lạm phát, không sợ lỗ và giá trị chỉ có tăng thêm. Tuy nhiên, hạn chế của nó là không có khả năng tích luỹ tài sản. Bởi khi gửi tiết kiệm, nhận lãi suất 7-8% mỗi năm, nếu gửi hai phần ba số tiền nêu trên (tầm 1,2 tỷ đồng) tức là cả năm thu về thêm tầm 90 triệu đồng, mỗi tháng được hơn 8 triệu để chi cho cuộc sống. Nhưng qua thời gian, do lạm phát số vốn ấy sẽ dần mất giá trị.

Còn về kênh đầu tư bất động sản, theo tiến sĩ Hiếu, thị trường này cũng đang dần khởi sắc. Nếu dùng số tiền nhàn rỗi đó mua căn hộ có vị trí đẹp, tính thanh khoản cao thì khả năng sinh lợi cũng trên 10% một năm. Ngoài ra, có thể dùng căn hộ này cho thuê để tăng thêm thu nhập.

Riêng với kênh đầu tư chứng khoán, ông Hiếu nhìn nhận thị trường cũng có sôi động trở lại nhưng đòi hỏi người tham gia phải có ít nhiều kiến thức để hạn chế tối đa rủi ro. Song song đó, ông Hiếu cho rằng người có tiền nhàn rỗi lâu dài cũng có thể cân nhắc giữ USD. Vì cuối năm nếu Fed tăng lãi suất thì đồng bạc xanh cũng sẽ lên giá.

Tóm lại, tiến sĩ Hiếu cho rằng, mỗi nhà đầu tư phải hiểu cái mình làm, hiểu rõ trong công việc hoặc lĩnh vực mà mình đầu tư cần làm gì và không nên làm gì thì mới giảm được rủi ro không đáng có, cũng như mang lại hiệu quả cao nhất cho đồng tiền của mình.

Nguồn Vnexpress


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới