Hủy
Kinh Doanh

Phát hiện gần 2.000 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá

Thứ Tư | 29/10/2014 21:09

Sáng 29/10, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Chống chuyển giá: giải pháp linh hoạt - chính sách phù hợp.”
 
 
Sáng 29/10, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Chống chuyển giá: giải pháp linh hoạt - chính sách phù hợp.”

Tọa đàm này nhằm cung cấp thông tin cụ thể, chính xác nhất về vấn đề chuyển giá cũng như những biện pháp mà các cơ quan quản lý đang và sẽ áp dụng trong việc chống chuyển giá nhằm cải thiện, lành mạnh hóa môi trường đầu tư.

26 năm qua, vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam là khá rõ nét. Các dự án này đã góp phần tăng thu ngân sách, là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế, đưa Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, những thông tin gần đây về việc hàng loạt doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lỗ giả-lãi thật, chuyển giá, trốn thuế được xem là một dấu hiệu không tốt cho môi trường đầu tư kinh doanh hiện nay ở Việt Nam.

Theo thông báo mới đây của Tổng cục Thuế, trong 8 tháng năm 2014, khi thanh tra, kiểm tra tại hơn 39.000 doanh nghiệp, các cơ quan chức năng đã phát hiện gần 2.000 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, truy thu hơn 1.000 tỷ đồng, giảm lỗ lên tới trên 4.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý là hiện tượng chuyển giá hiện không chỉ tập trung chủ yếu ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài như trước mà đã có dấu hiệu lan sang cả một số doanh nghiệp trong nước, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế, làm thất thu ngân sách Nhà nước và gây tác động xấu tới môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.

Theo các nhà quản lý, các chuyên gia, chuyển giá, tránh thuế là câu chuyện của toàn thế giới, không phải của riêng quốc gia nào.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, cho rằng doanh nghiệp phải có lợi mới làm, các nhà đầu tư nước ngoài đến từ một đất nước áp dụng mức thuế bằng 0%, thuế của Việt Nam cao thì họ sẽ chuyển giá để chuyển lợi nhuận về nước họ, để họ không phải nộp thuế.

Ngược lại, thuế của họ cao, thuế của Việt Nam thấp thì họ phải chuyển tiền vào nộp thuế cho Việt Nam để có lợi hơn.

Các doanh nghiệp có xu hướng né thuế, tránh thuế, tức là tận dụng triệt để pháp luật để tránh phải nộp thuế nhiều, đây là hoạt động hợp pháp, chỉ trốn thuế mới là hoạt động phi pháp.

Vấn đề ở chỗ trong quá trình kiểm tra, thanh tra, phát hiện nghi vấn về vấn đề chuyển giá, cơ quan chức năng phải chỉ ra được doanh nghiệp nào mắc lỗi trong chuyển giá, doanh nghiệp nào không.

Cùng chung quan điểm này, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết phải có bằng chứng rõ ràng về việc doanh nghiệp chuyển giá để xem xét xử lý theo pháp luật, không thể chụp mũ những doanh nghiệp thua lỗ là có hiện tượng chuyển giá.

Không vì hoạt động chuyển giá mà đánh giá thấp vai trò của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, phải nghĩ một cách lành mạnh về họ. Thực tế, các doanh nghiệp này phần lớn là nghiêm túc, đã và đang có đóng góp đáng kể cho Việt Nam.

Việc doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thua lỗ triền miên nhưng lại liên tục tăng vốn, mở rộng phạm vi kinh doanh, đầu tư là bình thường. Một số nhà đầu tư lớn còn có hẳn chiến lược thua lỗ nhiều năm để chiếm lĩnh thị trường.

Ông Đỗ Nhất Hoàng thừa nhận có một số trường hợp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chuyển giá nhưng không phổ biến. Với các trường hợp này, cơ quan chức năng không chỉ rà soát ở khâu thuế mà sẽ rà soát tổng thể từ khâu đầu đến khâu cuối, chi phí đúng pháp luật hay chưa, nếu có bằng chứng rõ ràng sẽ công khai xử lý. Nếu chưa tìm được bằng chứng, phải âm thầm theo dõi, kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ, không để ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, sẽ là không bình thường nếu một doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam 20 năm vẫn lỗ và kêu sẽ tiếp tục lỗ 20-30 năm nữa.

Ông phân tích bản chất của chuyển giá là doanh nghiệp tìm mọi cách để tránh nộp thuế. Việc làm này dẫn đến nhiều hệ quả xấu như làm méo mó môi trường đầu tư, tạo lợi thế không bình đẳng giữa các đối tác khác, tạo ra những con số ảo và tình trạng thâu tóm không lành mạnh, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, gây nguy cơ tham nhũng cao hơn, làm thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến tiềm lực quốc gia.

Lý giải về cuộc chiến với hiện tượng chuyển giá đã thực hiện cả chục năm nay nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, dù đã có Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Phong cho rằng quá trình chuyển giá là lâu dài và mãi mãi.

Luật bao giờ cũng có kẽ hở và nhà đầu tư luôn tận dụng khai thác những kẽ hở của luật pháp để đem lại lợi nhuận lớn hơn cho mình.

Hiệu quả, hiệu lực của cuộc chiến chống chuyển giá phụ thuộc vào việc xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật, trình độ, năng lực, kinh nghiệm của cán bộ ngành thuế. Đây là những điểm cần lưu ý.

Để đảm bảo lợi ích cao nhất của Nhà nước, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị, địa phương nghiên cứu, xây dựng Đề án chống chuyển giá.

Đề án đã được báo cáo Chính phủ và được chuyển giao cho Bộ Tài chính chủ trì. Thực hiện Đề án, Bộ Tài chính đã và đang xây dựng các kế hoạch, từ việc đào tạo, truyền thông đến kết hợp các biện pháp nghiệp vụ để tìm doanh nghiệp vi phạm, xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguồn Vietnam+


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới