Sếp Metro Việt Nam lần đầu lên tiếng vụ sang tay cho tỷ phú Thái Lan
Việc Tập đoàn Metro Cash & Carry (Metro) ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Berli Juker (BJC) của Thái Lan về việc BJC sẽ mua lại lĩnh vực kinh doanh sỉ của Metro tại Việt Nam khiến nhiều người lo ngại về sự xáo trộn đáng kể trên thị trường bán lẻ trong nước. Ông Philippe Bacac, Tổng giám đốc Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam trả lời độc quyền Báo Đầu tư về vấn đề này.
Đánh giá Việt Nam là một thị trường bán lẻ đầy tiềm năng, nhưng tại sao Tập đoàn Metro Cash & Carry lại quyết định chuyển nhượng Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam, thưa ông?
Metro và BJC đã có một số thảo luận về các hoạt động của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Chúng tôi tin rằng, thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng và đó là lý do chúng tôi đã đầu tư vào thị trường này trong suốt 12 năm qua.
Chúng tôi cũng chắc chắn rằng, thỏa thuận trên sẽ giúp Công ty tăng cường năng lực cốt lỗi, đảm bảo sự tăng trưởng trong tương lai.
Điều đó có thể thực hiện được do BJC đang vận hành các chuỗi cung ứng hiện đại và phân phối trong khu vực cũng như có cam kết tiếp tục mở rộng tại Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng, thỏa thuận này sẽ đưa Công ty lên một vị thế mới và phát huy hết tiềm năng của mình.
Có ý kiến cho rằng, Metro đã thất bại tại thị trường Việt Nam, ông nghĩ thế nào về nhận định này?
Hoạt động của Metro Cash & Carry Việt Nam là một câu chuyện thành công kể từ khi chúng tôi có mặt tại thị trường Việt Nam năm 2002.
Metro Cash & Carry Việt Nam là công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực phân phối, với 19 trung tâm tại 14 tỉnh, thành phố trên cả nước, phục vụ hơn 900.000 khách hàng chuyên nghiệp. Chúng tôi cũng là một trong những công ty sử dụng nhiều nhân viên nhất, với khoảng 3.600 nhân viên toàn thời gian.
Bên cạnh đó, Metro Cash & Carry Việt Nam cũng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thông qua xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững trong nông nghiệp, phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong năm tài khóa 2012-2013, doanh số của Công ty đạt 526 triệu euro.
Ông có cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã mất động lực và môi trường kinh doanh không còn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài?
Chúng tôi tin rằng, Việt Nam là một thị trường có tiềm năng lớn, vì đây là quốc gia lớn thứ ba trong khu vực về dân số và thực tế là tỷ lệ thâm nhập hàng tạp hóa hiện đại còn rất nhiều cơ hội để phát triển ở Đông Nam Á.
Theo Euromonitor, năm 2013, tỷ lệ này chiếm khoảng 4% tổng doanh số bán hàng tạp hóa, so với tỷ lệ trung bình là 42% cho các nước tại khu vực này. Đồng thời, GDP của Việt Nam có xu hướng tăng tích cực (tăng trưởng hàng năm khoảng 5% trong vòng 2 năm qua) và xu hướng tiêu dùng phản ánh sự quan tâm ngày càng cao đối với các hình thức phân phối và bán lẻ hiện đại.
Tại sao Metro quyết định bán Metro Cash & Carry Việt Nam cho BJC mà không phải là đơn vị khác?
BJC đã xây dựng và vận hành các chuỗi cung ứng hiện đại và toàn diện, đồng thời có kế hoạch rõ ràng cho việc mở rộng kinh doanh. Chúng tôi tin rằng, hoạt động bán buôn của chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển dưới sự quản lý của BJC, cùng với nhiều tiềm năng khác sẽ được khai thác.
Việc bán Metro Cash & Carry Việt Nam có phải là một hoạt động chuyển giá?
Tại tất cả các quốc gia nơi Metro hoạt động, trong đó có Việt Nam, chúng tôi tuyệt đối tuân thủ quy định công ty, luật pháp và quy định của các nước sở tại. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đều có đầy đủ thông tin liên quan tới hoạt động kinh doanh của chúng tôi tại Việt Nam.
Nguồn Báo Đầu Tư
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư