Siết nhập khẩu phân bón qua biên giới
Trước tình hình này, Bộ Công Thương sẽ có những chính sách nhằm hạn chế phân bón "thẩm thấu" qua các cửa khẩu, đường biên.
Theo Vụ Thương mại biên giới và miền núi (Bộ Công Thương), mặt hàng phân bón được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc qua các cửa khẩu phụ, lối mở trên tuyến biên giới Việt - Trung; bao gồm các loại phân bón DAP, urê, SA, Kali.
Tính đến hết tháng 8/2013, Việt Nam đã nhập khẩu 2,9 triệu tấn phân bón các loại, trị giá 1,1 tỷ USD, tăng 25,39% về lượng và tăng 11,19% về trị giá so với cùng kỳ năm 2012. SA là chủng loại phân bón được nhập khẩu về nhiều nhất, chiếm 25,7% tổng lượng phân bón nhập khẩu, với kim ngạch 140,6 triệu USD; Kali là 647,1 ngàn tấn, trị giá 290,8 triệu USD; phân urê có lượng nhập khẩu là 411,6 ngàn tấn, trị giá 141,6 triệu USD; phân NPK 362,8 ngàn tấn, trị giá 175 triệu USD và phân DAP khoảng 350 ngàn tấn, trị giá 283 triệu USD.
Lượng DAP từ Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam đã làm cho DN sản xuất DAP trong nước "điêu đứng". Ông Nguyễn Hạc Thúy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam- nhận định: Do mở cửa biên giới, DAP Trung Quốc được giảm thuế suất thuế xuất khẩu, nên đưa vào Việt Nam với khối lượng nhiều và giá thấp. Con số thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, đơn giá DAP nhập khẩu bình quân 6 tháng giảm 7,68% so cùng kỳ.
Ông Nguyễn Văn Sinh- Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV DAP Đình Vũ - lo lắng: 7 tháng đầu năm, sản lượng DAP của nhà máy mới đạt trên 150.000 tấn (trong khi kế hoạch cả năm tập đoàn giao là 330.000 tấn). Từ đầu năm đến nay, DAP Đình Vũ đã phải 6 lần giảm giá (giá bán hiện tại đã thấp hơn 18,14% so với giá bình quân năm 2012) và áp dụng thêm nhiều hình thức hỗ trợ như chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, giảm giá, chậm trả, hỗ trợ bảo lãnh ngân hàng, hỗ trợ vận chuyển... nhưng sản lượng tiêu thụ vẫn rất ỳ ạch.
Hạn chế hoặc tạm dừng nhập một số loại phân bón
Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho hay, theo dự kiến cân đối cung - cầu, năm 2013, sản xuất công nghiệp phân bón trong nước mới đáp ứng 77,6%, vẫn phải nhập khẩu 2,47 triệu tấn phân bón các loại. Một số loại phân bón như urê, NPK, phân lân sản xuất trong nước sẽ đáp ứng đủ nhu cầu. Phân DAP đã đáp ứng được 30% nhưng riêng các mặt hàng phân Kali, SA vẫn phải nhập khẩu 100%.
Do đó, đối với những loại phân bón trong nước đã sản xuất được, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nội địa, Bộ Công Thương sẽ hạn chế hoặc tạm dừng nhập khẩu biên mậu qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới theo từng thời điểm. Đối với các loại phân bón trong nước chưa sản xuất được hoặc đã sản xuất được nhưng vẫn chưa đáp ứng được tiêu thụ nội địa, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cho phép nhập khẩu theo từng lô hàng, với thời gian xác định nhằm kiểm soát số lượng phân bón nhập khẩu biên mậu để không ảnh hưởng đến cung - cầu trong nước.
Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương liên quan dự thảo Quyết định thay thế cho Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg và số 139/2009/QĐ-TTg về quản lý hoạt động thương mại biên giới và sẽ trình Chính phủ ban hành trong thời gian sớm nhất.
Nguồn Báo Công thương
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư