Hủy
Kinh Doanh

Sinh viên Việt Nam có tài nhưng chưa được trọng dụng?

Thứ Hai | 29/06/2015 09:22

Tiềm năng của sinh viên vẫn chưa được các doanh nghiệp nhìn nhận đúng mức.
 

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, không ít sinh viên đã có khởi đầu ấn tượng. Tuy nhiên, tiềm năng của sinh viên vẫn chưa được các doanh nghiệp nhìn nhận đúng mức.

Sinh viên tiềm năng

Hiện nay không khó để tìm thấy một sinh viên đang khởi nghiệp. Vừa học vừa làm đã là một xu hướng tất yếu để những bạn trẻ ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường có thể theo đuổi đam mê.

Một nữ sinh viên năm 3 trường ĐH Giao thông Vận tải đem về 2 tỷ đồng trong một cuộc giao dịch có thể là một bất ngờ, nhưng đối với Kiều Vân- trưởng phòng kinh doanh của công ty TNHH Giao nhận Bê Kha- đó là điều có thể thực hiện. Đi làm từ năm nhất đại học, sau 3 tháng thực tập không lương, Vân được nhận vào làm nhân viên kinh doanh chuyên lo thủ tục xuất nhập hàng. Qua 3 năm làm việc, Kiều Vân có thể chứng minh những đóng góp cho sự gia tăng doanh thu, khả năng ngoại ngữ lưu loát, kiếm thức am hiểu chuyên ngành, luật pháp,… Kiều Vân là một minh chứng cho sinh viên chưa tốt nghiệp vẫn có thể làm việc tốt.

Sinh vien Viet Nam co tai nhung chua duoc trong dung?
Kiều Vân sinh viên năm 3 làm trưởng phòng kinh doanh

Nữ doanh nhân Tuệ Nghi ở tuổi ngoài 20 cũng sở hữu công ty TNHH Đầu tư Thương mại Nghi Phong và tổ chức phi lợi nhuận ABW Việt Nam với nhiều hoạt động nhân văn. Với sự nhạy bén có sẵn và tinh thần dám nghĩ dám làm, Tuệ Nghi đã phát triển từ việc kinh doanh lụa đến điện tử và bất động sản.

Rất nhiều founder dự án kinh doanh, dự án phi lợi nhuận phát triển cộng đồng,… đều là sinh viên chưa ra trường. Tuy những dự án, những startup trẻ này có thể chưa được nhiều người biết đến nhưng cho thấy sinh viên có năng lực, có thái độ và tinh thần học hỏi không ngừng. 

Đặt vấn đề những tài năng trẻ này phát triển năng lực trong doanh nghiệp. Lớp người trẻ ham học hỏi, mong muốn cọ xát và khát khao khẳng định bản thân này sẽ phát triển mạnh mẽ. Nhiệt huyết trẻ là sự khác biệt về thái độ làm việc, mức độ cống hiến giữa họ và đội ngũ nhân sự trong doanh nghiệp. 

Nhưng không có “đất dụng võ”

Ngoài việc tham gia những chương trình thực tập, sinh viên hầu như không có cơ hội tiếp xúc với môi trường doanh nghiệp trước khi ra trường. Chưa kể đến những trường hợp đi thực tập nhưng chỉ được “rót nước, pha trà, photo tài liệu”.

T. Vân, sinh viên Báo chí năm 3 chia sẻ: “mình đi thực tập lần đầu nên cũng nhiều bỡ ngỡ. Việc của anh chị nhân viên nhiều nên thường sai gì làm nấy. Mình có chủ động đưa ra những công việc mình có thể làm, nhưng vẫn chưa thấy gì”.

Với những ngành kỹ thuật, điện tử,… phản hồi của sinh viên cũng không khả quan cho lắm. “Chỉ cho phép quan sát và ghi nhận, không được làm hoặc động vào thứ gì trong phần lớn thời gian thực tập, trong khi ngành này là phải làm nhiều mới biết nhiều”- Đ. Văn, sinh viên năm cuối ngành điện tử trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật phản ánh.

Với sinh viên ngành kinh tế, ngân hàng,… sinh viên cũng chưa được tín nhiệm để giao việc trong khả năng. Những số liệu và quy trình bảo mật đều là những tài liệu sinh viên khó tiếp cận. K Tài, sinh viên năm cuối trường Đại học Kinh tế- Luật cho biết: “Khó có thể xin được những số liệu của công ty để về làm báo cáo cho trường vì chẳng công ty nào cung cấp cả. Nhưng mình cũng học hỏi được nhiều từ quy trình và cách vận hành qua quan sát và chủ động hỏi các anh chị”.

Sinh vien Viet Nam co tai nhung chua duoc trong dung?
Sinh viên thực tập sẽ mang bầu không khí trẻ trung cho công ty

Chị Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, quản lý dự án Today's Voice - chương trình “Nhân sự tài năng” thuộc trung tâm UNESCO Văn hóa Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Khi chúng tôi để cập đến việc đưa sinh viên vào làm việc tại doanh nghiệp, phản ứng đa số các công ty đều không mấy tích cực.” Chị cho biết thêm: “Sinh viên thường bị gán mác là không ổn định, thiếu kỹ năng, tốn thời gian đào tạo lại,…” 

Không tín dụng sinh viên là điều dễ hiểu ở các doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp không tạo điều kiện cho người trẻ, thế hệ tương lai sẽ khó có cơ hội thể hiện khả năng của mình.

Tạo cơ hội và nắm bắt tài năng của sinh viên Việt Nam chính là con đường giúp nhiều doanh nghiệp phát triển tối ưu. Bản thân sinh viên cũng cần liên tục trau dồi để thay đổi những định kiến cố hữu ở doanh nghiệp. Sự liên kết, phối hợp từ hai phía sẽ tạo môi trường thuận lợi để đánh thức tiềm năng người Việt trẻ. Đó cũng là nhân tố thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Các thông tin phản hồi hay góp ý cho bài viết trên, vui lòng gửi email về todayvoice@unesco-cep.org.vn 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới