Hủy
Kinh Doanh

Tái cấu trúc ngành hàng vực dậy sản phẩm cá tra

Chủ Nhật | 08/06/2014 19:15

 
 
Tái cấu trúc ngành hàng đang là một yêu cầu lớn đặt ra nhằm vực dậy sản phẩm cá tra vốn có thế mạnh của ĐBSCL.

Trong bài viết “Cá tra phát triển trong sự hỗn loạn” đã phân tích những khó khăn, bất cập trong sản xuất và chế biến cá tra ở ĐBSCL. Từ đó cho thấy, hơn bao giờ hết, ngành cá tra Việt Nam cần được quản lý và điều chỉnh ở tất cả các khâu nhằm đảm bảo lợi ích của người nuôi và doanh nghiệp.

Do “lòng tin” và “chữ tín” giữa các thành phần tham gia sản xuất cá tra “vơi” đi rất nhiều nêu có thể nói sự phát triển mang tính tổng lực bị triệt tiêu. Trong nhiều thời điểm, giá cá lên cao, doanh nghiệp không có cá để sản xuất, trong khi người nuôi “làm eo” bằng cách không bán cá, đòi doanh nghiệp tăng giá mua lên nữa.

Ngược lại, như thời điểm hiện nay, đến lượt doanh nghiệp có cơ hội để “bắt chẹt” lại người nuôi cũng là chuyện diễn ra thường xuyên. Do vậy, yêu cầu liên kết và gắn chặt giữa doanh nghiệp và người nuôi được xem là yêu cầu bắt buộc để mở lối cho con cá tra “vượt sóng”.

Chế biến cá tra xuất khẩu
Chế biến cá tra xuất khẩu

Ông Võ Kế Nghiệp, một người nuôi cá ở An Giang cho rằng, doanh nghiệp và người nuôi cá chưa có sự hợp tác chặt chẽ nên mới xảy ra tình trạng giá cá không ổn định. Do vậy, doanh nghiệp và nông dân phải hợp tác, trong đó phải có vai trò trung gian của nhà nước để có sự công bằng.

Theo thống kế của Tổng cục Thủy sản, tính đến cuối năm 2013, diện tích nuôi cá tra tại ĐBSCL là gần 4.700 ha, chỉ bằng 87% so cùng kỳ năm 2012. Trong đó diện tích đã thu hoạch là gần 3.700 ha với sản lượng khoảng 1 triệu tấn. Ước giá trị xuất khẩu cá tra năm 2013 gần đạt 1,8 tỷ USD.

Tuy nhiên, việc sản xuất và tiêu thụ cá tra còn rất nhiều khó khăn. Theo ý kiến của nhiều địa phương và doanh nghiệp, việc kiểm soát diện tích nuôi thông qua đó kiểm soát được sản lượng cá tra thương phẩm sẽ là một trong những giải pháp ưu tiên thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn ngành cá tra hiện nay. Trong đó, việc áp dụng và thực hiện Nghị định 36 về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra chính là điều kiện để nâng cao chất lượng vùng nuôi.

Theo ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Nghị định 36 đã nêu rõ địa điểm, diện tích nuôi cá Tra thương phẩm phải phù hợp với quy định nuôi, chế biến cá Tra đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt; cơ sở nuôi cá Tra thương phẩm phải bảo đảm các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản.

“Chính phủ ban hành Nghị định 36 nhằm đẩy mạnh việc thực hiện VIET GAP và GLOBO GAP tạo nên quy chuẩn mới. Bên cạnh đó, đối mặt với Farm bill nếu vùng nuôi không cải thiện thì sẽ không đạt. Nghị định 36 đưa ra những điều kiện ràng buộc, nhất là xây dựng những tiêu chuẩn chất lượng. Tuy nhiên vẫn cần phải đề cao tiêu chuẩn chất lượng để có sự tương thích với các điều kiện của thị trường nhập khẩu.

Trên tổng thể, có thể khẳng định, cá tra Việt Nam có nhiều lợi thế và còn nhiều tiềm năng. Thế nhưng, trong những năm qua, quan điểm kinh doanh “bán cái mình có” chứ không phải “bán cái người mua cần” đã làm cho ngành hàng cá tra phát triển thiếu “sức sống”.

Cá tra Việt Nam gần như chiếm độc quyền trên thị trường thế giới, thế nhưng sản phẩm xuất khẩu cá tra còn quá đơn điệu, phần lớn sản phẩm là phi-lê đông lạnh, một phần rất nhỏ là sản phẩm giá trị gia tăng. Đây được xem là một trong những rào cản trong việc xây dựng thương hiệu và hình tượng con cá tra Việt Nam trên thị trường.

Sự đa dạng về chủng loại sản phẩm, từ những mặt hàng truyền thống chất lượng cao đến các mặt hàng giá trị gia tăng sẽ là điều kiện tốt để con cá tra tiếp cận mạnh hơn với thị trường thế giới.

Tại cuộc họp mới đây giữa Ban Kinh tế Trung ương và Ban chỉ đạo Tây Nam bộ trong việc tái cấu trúc ngành cá tra, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh: Đối với cá tra hiện có 5 vấn đề lớn phải giải quyết. Đó là cung vượt cầu, chất lượng, giá cả, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nhỏ và tình hình tín dụng. Do vậy, vấn đề chính là phải quy hoạch để ổn định sản xuất và muốn làm được phải liên kết vùng. Cần tổ chức đầu mối cấp vùng phù hợp, đủ sức điều tiết chung.

“Quy hoạch vùng nuôi cá phải theo quy luật thị trường. Trong đó phải tính đến điều kiện thổ nhưỡng, đất đai, nguồn nước... Cơ chế thị trường chỉ chấp nhận và tồn tại những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, làm tốt và tuân thủ các quy định. Nên có chính sách đối với những doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường nhưng không có vốn để đầu tư”, ông Tân chỉ rõ.

Muốn trở lại thời “vàng son” từ năm 2007 trở về trước, vấn đề cốt lõi đặt ra đối với ngành cá tra là cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi. Trong đó, cấp bách hiện nay là tái cấu trúc doanh nghiệp với việc hỗ trợ nhóm doanh nghiệp đang hoạt động ổn định và thay đổi hoàn toàn nhóm doanh nghiệp “xấu”.

Chỉ khi đó mới mong vực dậy ngành hàng cá tra - một trong những sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL.

Nguồn VOV


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới