Tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng có thể giảm tốc trong quý IV?
Có nhiều nguyên nhân khiến NIM của các ngân hàng suy giảm trong quý III. Ảnh: TL.
Đà tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết phần nào chững lại trong quý III/2024, với mức tăng 17,7% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 22,6% trong quý II nhưng tích cực hơn quý I với 9,5%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận các ngân hàng tăng 16,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là mức nền lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2023 là khá thấp khi giảm nhẹ 2-3% mỗi quý, trước khi tích cực trong quý IV/2023 với mức tăng 25,4%.
Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận đến từ thu nhập lãi thuần tăng bền bỉ, trong khi thu nhập ngoài lãi, đặc biệt là thu nhập thuần từ dịch vụ vẫn chưa mấy khởi sắc. Theo đó, tăng trưởng tín dụng ổn định ở mức 14 - 15%, duy trì thu nhập lãi thuần tăng 14,1% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2024.
Tuy nhiên, thu nhập lãi thuần trong quý III giảm 2% so với quý II. Thu nhập thuần từ dịch vụ tại đa phần các ngân hàng ghi nhận giảm do thay đổi trong chính sách liên quan đến kinh doanh bảo hiểm và cách tính mới trong tăng trưởng tín dụng. Chỉ có VCB và TCB ghi nhận tăng trưởng tích cực trong kỳ nhờ chiếm thế mạnh trong mảng xuất nhập khẩu và chứng khoán. Thu nhập khác cũng chỉ tăng nhẹ ở mức 2,1% so với cùng kỳ.
“Tăng trưởng lợi nhuận có thể giảm tốc trong quý IV/2024 trước hết do ảnh hưởng từ mức nền cao của quý IV/2023. Cùng với đó là kế hoạch tăng trích lập dự phòng khi nhiều ngân hàng cho rằng họ sẽ cần chi nhiều hơn cho khoảng chi phí, này nhằm cải thiện chất lượng tài sản. Mức độ hoàn thành kế hoạch năm tại nhiều ngân hàng cũng khá thấp”, Mirae Asset nhận định.
Về triển vọng năm 2025, tăng trưởng lợi nhuận sẽ vẫn phải phụ thuộc lớn vào thu nhập lãi thuần nhờ vào tăng trưởng tín dụng. Các nguồn thu ngoài lãi vẫn chưa được kỳ vọng khởi sắc khi thiếu vắng nhiều động lực đáng kể.
Theo đó, tăng trưởng lợi nhuận ròng dự kiến đạt 15-20%, tùy thuộc vào mức độ thận trọng của các ngân hàng trong quá trình bình thường hóa các chỉ số sức khỏe cũng như lợi nhuận. Dù vẫn tích cực, mức tăng trưởng này vẫn sẽ khó khả quan như thường thấy trong giai đoạn 2017-2022, khi nền kinh tế hiện đang trong giai đoạn hồi phục dần. Tỉ trọng cho vay lĩnh vực bất động sản được kỳ vọng điều chỉnh tương đối, trong khi gia tăng tỉ trọng các lĩnh vực sản xuất.
Tăng trưởng lợi nhuận dự báo vẫn phải phụ thuộc lớn vào thu nhập lãi thuần trong khi biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng đang suy giảm. Tính theo quý, NIM trung bình của các ngân hàng niêm yết giảm khoảng 8 điểm cơ bản so với quý II hay 13 điểm cơ bản so với năm 2023, hay tăng khoảng 38 điểm cơ bản so với mức thấp được thiết lập trong quý III/2023.
Nguyên nhân chính dẫn đến NIM suy giảm bao gồm mức độ cạnh tranh cao, chi phí huy động từ thị trường 2 cao, và mảng ngân hàng doanh nghiệp liên tục chiếm ưu thế kể từ giai đoạn 2023. Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cân bằng hơn giữa các phân khúc sẽ phần nào giảm áp lực lên NIM.
“Trong thời gian tới, lợi thế của nhóm ngân hàng quốc doanh trong việc duy trì NIM có thể thay đổi, khi thu nhập thuần của các ngân hàng quốc doanh gần như đi ngang, trích lập gia tăng, và bộ đệm trích lập vốn dồi dào cũng đang bị tận dụng triệt để nhằm duy trì lợi nhuận tăng trưởng dương”, Mirae Asset nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng: Phấn đấu tăng trưởng GDP khoảng 8% năm 2025
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trực Thanh
-
Nguyễn Mai
-
Minh Đức