Thị trường năng lượng bị ảnh hưởng ra sao bởi khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh?
Thị trường dầu dường như không thể bị ảnh hưởng bởi rủi ro địa chính trị. Khi bốn nước hàng xóm trong khối Ả Rập đưa ra một lệnh cấm vận chưa có tiền lệ dành cho Qatar vào tuần qua, giá dầu chỉ tăng 1,6% trước khi giảm xuống lại. Dù vậy, loại nhiên liệu cần phải theo dõi không phải là dầu, mà lại là khí đốt. Nếu bất đồng này không được giải quyết nhanh chóng thì có thể sẽ có một mùa hè “nóng” ở vùng Vịnh.
Vấn đề này đã âm ỉ từ lâu, khi 3 trong số các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác vùng vùng Vịnh (GCC) cho rằng Qatar ủng hộ những nhóm Hồi giáo cực đoan, như tổ chức Anh em Hồi giáo (Ai Cập), và quá thân thiện với Iran. Tuy nhiên, ngay sau chuyến công du của tổng thống Mỹ Donald Trump tới Trung Đông, một loạt các nước Arab Saudi, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập, Yemen, Libya, Maldives, Mauritania và Senegal đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.
Qatar là một trong những nhà sản xuất dầu nhỏ nhất trong khối OPEC, với sản lượng 618.000 thùng/ngày, nhưng khí ngưng tụ (một dạng dầu nhẹ) và các loại khí đốt thiên nhiên - những sản phẩm phụ từ khu khai thác khổng lồ North Field - góp thêm khoảng 1,3 triệu thùng/ngày. Họ vẫn sẽ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC, và thậm chí nếu họ không tuân thủ, thì phần đóng góp của họ vẫn rất nhỏ. Sức mạnh thật sự của Qatar đến từ việc họ là nhà xuất khẩu khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới.
Sản lượng xuất khẩu dầu và LNG của Qatar sẽ không bị ảnh hưởng, ngay cả nếu các con tàu của họ bị cấm đi qua vùng biển của Saudi Arabia và UAE. Họ có thể chọn cách đi qua ngả vùng biển Iran và sau đó qua eo biển Hormuz. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm ngăn cản hoạt động xuất khẩu LNG của Qatar sẽ là một cuộc khủng hoảng lớn, và sẽ đụng phải phản ứng nghiêm trọng từ các khách hàng lớn của Qatar như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ.
Hiện tại, Qatar đã đóng cửa nhà máy sản xuất khí hêli (helium) của nước này. Vốn là nhà sản xuất khí hêli lớn thứ nhì thế giới sau Mỹ, khí hêli của Qatar đóng vai trò rất lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật Bản, chiếm khoảng 20-30% nguồn hêli đầu vào của nước này.
Tỷ trọng xuất khẩu dầu mỏ của Qatar rất nhỏ so với thế giới, nhưng về LNG thì Qatar lại là nhà xuất khẩu lớn nhất. Ảnh: Bloomberg |
Công ty nhập khẩu năng lượng hàng đầu của Nhật Bản là Jera đã được công ty khi đốt Qatargas bảo đảm rằng nguồn cung cấp của họ sẽ không bị gián đoạn. Và hiện tại, Qatar tiếp tục được sử dụng kênh đào Suez (Ai Cập), tuyến đường mà họ thường dùng để vận chuyển LNG của mình sang châu Âu. Tuy nhiên, giờ đây các con tàu trên đường đến và đi khỏi Qatar hiện không được quá cảnh tại Fujairah của UAE, cảng cung cấp nhiên liệu chính của khu vực này.
Do phải chia sẻ khu vực khai thác khí đốt lớn nhất thế giới là North Field với Iran, và có nhiều cơ sở ngoài khơi dễ bị tổn thương ở biên giới Iran, Qatar hiện có ít sự chọn lựa nào khác ngoài việc duy trì những mối quan hệ tốt đẹp với Tehran. Họ cũng có thể quay sang các nước thân cận như Thổ Nhĩ Kỳ hay Nga để được hỗ trợ, sau khi đã bỏ ra hàng tỷ USD vào công ty dầu khí quốc gia Rosneft của Nga hồi cuối năm ngoái. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã gọi hành động cách ly Qatar của các nước Vùng Vịnh là vi phạm các giá trị Hồi giáo, còn Tổng thống Nga Vladimir Putin thì vửa gọi điện thoại cho Quốc vương Salman của Arab Saudi để trao đổi tình hình.
Nếu cuộc xung đột này tiếp tục leo thang, sự trả đũa nghiêm trọng nhất từ phía Qatar sẽ là cắt hết sản lượng xuất khẩu khí đốt đến UAE thông qua đường ống Dolphin. Là một dự án đa quốc gia, trong đó Total (Pháp) góp 24,5%, Occidental (Mỹ) góp 24,5% và Mubadala (Abu Dhabi) góp 51%, hiện nay mỗi ngày đường ống Dolphin đang vận chuyển hơn 56 triệu m3 khí, bằng hơn 1/4 lượng tiêu thụ của UAE, cộng thêm khoảng 160.000 thùng khí ngưng tụ và LNG. Khoảng 5,7 triệu m3 khí /ngày đi từ UAE tới Oman hiện chưa bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận trên. Với nhiệt độ vùng Vịnh đã lên đến hơn 40oC thì việc tiêu thụ điện cho các hệ thống điều hòa đang đạt mức đỉnh.
UAE hiện có tương đối ít sự lựa chọn ngay để thay thế nguồn khí đốt Dolphin. Quốc gia này có những điểm nhập khẩu LNG tại Dubai và Ruwais ở phía tây của Abu Dhabi. Địa điểm Ruwais, được đưa vào sử dụng hồi tháng 8 năm ngoái, giờ trông giống như một sự thận trọng có tiên tri. Tuy nhiên, hai điểm này được cho là sẽ không tiếp nhận bất kì nguồn hàng LNG nào của Qatar trong một thời gian, vì thế các tàu dầu sẽ phải đi vòng lại theo hướng từ Oman, hay từ nhà máy hóa lỏng riêng của Abu Dhabi, hoặc xa hơn.
Đường ống Dolphin giữa Qatar và UAE. Ảnh: mubadalapetroleum.com |
Và công suất nhập khẩu LNG của UAE hiện vẫn không đủ để bù đắp đầy đủ nếu nguồn cung từ Dolphin bị ngưng. UAE có lẽ sẽ phải dùng đến nhiều giải pháp cùng một lúc, trong đó có việc tạm thời tăng sản lượng khí đốt của Abu Dhabi, hạn chế nguồn cung dành cho các ngành công nghiệp và dùng đến một lượng lớn dầu diesel đắt đỏ để phát điện.
Việc cắt nguồn cung, ngay cả với số lượng ít nhằm đàm phán một lối thoát cho cuộc khủng hoảng, sẽ là một động thái rất nghiêm trọng đối với Qatar, làm tiêu tan danh tiếng “nhà cung cấp đáng tin cậy” mà khó khăn lắm họ mới có được. Khi Nhật Bản phải tìm kiếm những nguồn cung năng lượng khẩn cấp sau thảm họa hạt nhân Fukushima, Qatargas đã xuất hiện và trở thành nhà cung cấp chủ chốt. Tuy nhiên, sự kiện này có thể làm sống lại những lo lắng hồi thập kỷ 1970 của Tokyo, khi quá phụ thuộc vào các nhà xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt vùng Trung Đông. Điều tương tự đang diễn ra với Trung Quốc, quốc gia đã quyết tâm đa dạng hóa các nguồn nhiên liệu của mình suốt thời gian qua.
Sau nhiều thập kỷ lo lắng về những gián đoạn đến từ Iran đối với nguồn cung dầu mỏ và khí đốt vùng Vịnh, nỗi lo ngại mới giờ đây lại đến từ một nhân tố không hề được ngờ đến. May mắn thay, hiện có nhiều sự chọn lựa trên các thị trường dầu mỏ và khí đốt toàn cầu, nên không hề có sự nguy hiểm ngay lập tức nào. Tuy nhiên, trong trường hợp bất đồng này bị kéo dài quá lâu thì Qatar và những người hàng xóm của họ sẽ “toát mồ hôi” để tìm các nguồn cung thiết yếu.
Lê Thanh Hải
Nguồn Bloomberg
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Hải Vân
-
Công Sang
-
Hải Đăng
-
Trung Nam
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Việt Phong (Tổng hợp)