Thoái vốn doanh nghiệp nhà nước: Làm sao để "thuận mua, vừa bán”?
Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp là nhiệm vụ nhiều năm qua được thúc đẩy. Ảnh: Quý Hòa
Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp là nhiệm vụ nhiều năm qua được thúc đẩy. Nhiệm vụ này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh ngân sách thâm hụt do dịch COVID-19. Chẳng hạn, nhu cầu vốn cho đầu tư công giai đoạn 2021-2025 được xác định là 32-34% GDP, tương đương với 2-2,14 triệu tỉ đồng và mục tiêu là cần đạt tỉ lệ giải ngân khoảng 90% so với kế hoạch. Trong khi đó, kế hoạch đầu tư công cho năm 2021 chỉ tương đương 7,3% GDP nên nhu cầu vốn đầu tư công cho giai đoạn 2022-2025 sẽ rất lớn.
Vì mục tiêu này, mới đây Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tập trung triển khai thoái vốn tại một số doanh nghiệp nhà nước như Tập đoàn Bảo Việt (BVH), Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh (BMI) và Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP). Ngoài ra, SCIC tiếp tục đăng ký bán tiếp vốn tại nhiều đơn vị khác như Công ty Cổ phần Bến xe khách Sơn La, Công ty Cổ phần In Khoa học Kỹ thuật, Công ty Cổ phần Phim truyện 1... Trước đó, SCIC đã công bố danh sách 88 doanh nghiệp dự kiến bán vốn, trong số này có 31 doanh nghiệp đã có mã cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán.
3 thương vụ SCIC thoái vốn là BVH, BMI và NTP bắt buộc phải thoái vốn trước ngày 20/12/2021. Tuy nhiên, việc thoái vốn bị kéo dài đến nay do chậm trễ trong khâu định giá trước ảnh hưởng của dịch bệnh. Cũng có những thương vụ thoái vốn không thành công vì nhiều lý do khách quan khác. Ví dụ, Becamex TDC (TDC) vừa chào bán ra công chúng 35 triệu cổ phiếu thông qua đấu giá tại HOSE. Tuy nhiên, chỉ có 4 nhà đầu tư trong nước tham gia với khối lượng 50.000 đơn vị, bằng 0,14% khối lượng chào bán. Tương tự, phiên đấu giá cổ phiếu LPB của Ngân hàng LienVietPostBank thuộc sở hữu Vietnam Post cũng chỉ có 7 nhà đầu tư cá nhân trong nước đăng ký mua 800 cổ phiếu trong số 122,1 triệu cổ phiếu bán đấu giá.
Rất nhiều thương vụ thoái vốn diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán bùng nổ và đang thu hút dòng tiền lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho các thương vụ thoái vốn nhà nước trong năm 2022... Báo cáo của Công ty Chứng khoán MBS đánh giá làn sóng thoái vốn diễn ra mạnh mẽ hơn trong năm 2022 giống như giai đoạn 2016-2017 khi trở thành nguồn thu tiềm năng trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh chi tiêu để phục hồi nền kinh tế.
3 thương vụ SCIC thoái vốn là BVH, BMI và NTP bắt buộc phải thoái vốn trước ngày 20/12/2021. Ảnh: Quý Hòa |
Thực tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước thành công sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán mở rộng về quy mô khi tăng cả về số lượng doanh nghiệp niêm yết và vốn hóa thị trường. Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết (VNCS), còn đánh giá đây một trong những điều kiện để xét nâng hạng thị trường chứng khoán. Đối với doanh nghiệp, sẽ có thêm các lợi ích về minh bạch quản trị công ty, mở rộng cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào hoạt động điều hành, đầu tư đổi mới, chuyển giao công nghệ...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều thương vụ thoái vốn thiếu vắng người mua hoặc giá chưa đạt kỳ vọng. Đây là tình cảnh chung trong bối cảnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước vẫn diễn ra rất chậm trong nhiều năm qua. Cụ thể, năm 2021, số doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa thấp kỷ lục trong 10 năm trở lại đây khi cả nước mới thoái vốn nhà nước tại 18 doanh nghiệp với giá trị sổ sách là 1.665 tỉ đồng, thu về gấp 2,64 lần, đạt 4.402 tỉ đồng. Số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp vào ngân sách nhà nước 1.401 tỉ đồng, chỉ đạt 3,5% kế hoạch.
Nguyên nhân có nhiều nhưng nếu nhìn lại các đợt thoái vốn của SCIC có thể thấy, điểm chung của những thương vụ này là đấu giá trọn lô với số tiền lên tới hàng ngàn tỉ đồng nên rất hạn chế nhà đầu tư. Đồng thời, cũng có sự chênh lệch giá mua - bán khi SCIC thường đưa ra mức giá khởi điểm cao hơn so với giá cổ phiếu trên thị trường.
Đại diện của SCIC cũng thừa nhận cách xác định giá sàn quá chặt chẽ không tạo kẽ hở để thất thoát tài sản nhà nước, nhưng không linh hoạt theo nguyên tắc thị trường trong việc bán vốn tại các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả và các doanh nghiệp mà Nhà nước chỉ là cổ đông thiểu số.
Ngoài ra, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), còn những điểm vướng mắc nằm ở công tác sắp xếp, xử lý lại nhà đất theo quy định Nhà nước; trong đó, bao gồm cả các trường hợp chưa kịp sắp xếp để định giá doanh nghiệp vì liên quan đến pháp lý tài sản đất đai, rà soát tài sản đất từ các công ty con, thành viên, với số lượng nhiều hoặc nằm rải rác ở nhiều đại phương khác nhau.
Vì vậy, muốn thoái được vốn nhà nước, thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa hiệu quả hơn, thì phải sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về thoái vốn, xác định giá trị doanh nghiệp, xác định giá khởi điểm vốn nhà nước khi đem bán, phải linh hoạt hơn theo nguyên tắc thị trường.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Hải Vân
-
Công Sang
-
Hải Đăng
-
Trung Nam
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ