Hủy
Kinh Doanh

Thời trang nhanh mở gấp sàn đấu online

Lê Phan Thứ Ba | 23/11/2021 07:30

Hình ảnh Web Uniqlo. Ảnh: Quý Hòa

 
 
Các thương hiệu thời trang buộc phải đẩy nhanh tốc độ của mô hình kinh doanh trực tuyến.

Sau thời gian thử nghiệm ứng dụng shopping, đầu tháng 11/2021, Uniqlo, thuộc Tập đoàn Fast Retailing, chính thức triển khai bán hàng trực tuyến tại Việt Nam.

Đây là cửa hàng trực tuyến tiếp theo của Uniqlo sau các cửa hàng tại thị trường nội địa, Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, châu Âu, Ấn  Độ và Trung Quốc. Theo dự đoán của Business Journal, dù chỉ mới ra đời vào tháng 10/2020 nhưng doanh số của cửa hàng trực tuyến mang lại cho Uniqlo Ấn Độ có thể lên đến 15% mỗi năm. Tuy nhiên, theo ông Tomohiko Sei, Giám đốc Điều hành Uniqlo Ấn Độ, Uniqlo cũng không có ý định ngừng việc mở thêm các cửa hàng vật lý.

 

Điều này tương tự với Uniqlo Việt Nam, khi đại dịch đang định hình lại xu hướng mua sắm của người tiêu dùng theo hướng cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm. Hiện Uniqlo có 9 cửa hàng vật lý tại Việt Nam và vẫn không ngừng tìm kiếm vị trí đắc địa tại các trung tâm thương mại.

Sản phẩm của Uniqlo từ trước đến nay không bày bán trên các nền tảng thương mại điện tử khác như Amazon hay Alibaba. Thứ nhất, các cửa hàng vật lý của Uniqlo luôn chú trọng tính bản địa tại nơi nó xuất hiện. Nghĩa là, mỗi cửa hàng sở hữu một thiết kế đặc trưng khác nhau. Điều này tạo thành dấu ấn của Uniqlo tại mỗi quốc gia, cũng như phản ánh triết lý bền vững và tinh tế của Uniqlo.

Lý do thứ 2, như ông Tadashi Yanai, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Tập đoàn Fast Retailing, chia sẻ: “Uniqlo không có nhiều lợi ích khi trở thành một trong nhiều thương hiệu trên các nền tảng trực tuyến của người khác”.

Cũng như Uniqlo, trong những năm gần đây, khi xu hướng tiêu dùng chuyển sang số hóa, các thương hiệu thời trang hoặc chấp nhận phá sản hoặc tích cực chuyển mình. Dịch bệnh chính là động lực thúc đẩy các kế hoạch chuyển hướng kinh doanh online mạnh mẽ hơn. Điển hình là 2 thương hiệu đối thủ Zara và H&M đẩy mạnh số hóa trong tất cả các bộ phận của chuỗi cung ứng.

Hình ảnh cửa hàng Zara. Ảnh: Quý Hòa
Hình ảnh cửa hàng Zara. Ảnh: Quý Hòa

Năm 2020, lần đầu tiên trong lịch sử 20 năm, Inditex (công ty mẹ của Zara) đã chứng kiến mức lỗ hằng quý do ảnh hưởng bởi COVID-19. Có tới 1.200 cửa hàng đang trong quá trình bị cắt giảm, so với số lượng mở mới dự kiến là 300 cửa hàng. Đây cũng là thời điểm Zara đẩy nhanh mục tiêu theo đuổi nhóm khách hàng trẻ tuổi và các nền tảng trực tuyến.

Cũng trong năm 2020, Uniqlo đã thiết lập nhà kho thứ 2 tại Nhật để phục vụ cho việc bán hàng trực tuyến sau khi thử nghiệm vận hành tự động hóa nhà kho đầu tiên tại Tokyo trị giá hàng trăm triệu USD vào năm 2018. Mục tiêu của Fast Retailing là tăng doanh số bán hàng của Uniqlo tại Nhật từ 10% lên 30%, bất chấp COVID-19. Fast Retailing còn có kế hoạch chi tổng cộng 100 tỉ yen (872,175 triệu USD) để xây dựng các nhà kho tự động hóa ở Trung Quốc, Đông Nam Á và Mỹ nhằm phục vụ cho việc bán hàng trực tuyến.

 

Tờ Nikkie Asia lý giải việc đầu tư này bắt nguồn từ tỉ lệ sử dụng internet ở một số quốc gia châu Á cao hơn tại Nhật, kéo theo xu hướng mua sắm trực tuyến cao hơn. “Đông Nam Á là cỗ máy hái ra tiền sẽ tạo ra tốc độ tăng trưởng cao, mặc dù một số đang chậm lại vì Covid-19”, ông Tadashi Yanai chia sẻ với Nikkei Asia.

Báo cáo nghiên cứu “SYNC Đông Nam Á” của Facebook và Bain & Company cho thấy, tại Việt Nam, cứ 7 trong số 10 người tiêu dùng đều được tiếp cận kỹ thuật số.

Dự kiến Việt Nam sẽ có 53 triệu người tiêu dùng số vào cuối năm 2021. Việt Nam được kỳ vọng là thị trường tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử ước đạt 56 tỉ USD vào năm 2026, tăng 4,5 lần so với giá trị ước tính của năm 2021. Nhất là sau đại dịch, thương mại điện tử sẽ tiếp tục bùng nổ, tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới. 

COVID-19 khiến nhiều trung tâm thương mại phải đóng cửa trong thời gian dài, khiến nhiều thương hiệu thời trang bị ảnh hưởng nặng nề. Mua sắm trực tuyến chính là giải pháp hiệu quả nhất thúc đẩy các thương hiệu thời trang cải thiện doanh số. Một cửa hàng đi kèm với các khoản chi phí cố định khổng lồ như phải trả thuê mặt bằng và lương nhân viên cửa hàng. Trong khi đó, bán qua website và kho bãi có chi phí vận hành rẻ hơn nhiều.

Ông Praneeth Yendamuri, cộng sự tại Bain & Company, nhận định: “Đã đến lúc các thương hiệu tận dụng cơ hội từ sự chuyển đổi hành vi của người tiêu dùng trong khu vực”. Nhằm giúp các thương hiệu và nền tảng chuẩn bị tốt hơn cho xu thế mua sắm trực tuyến tất yếu của tương lai, nghiên cứu đã đề xuất một bộ quy tắc 6R. Theo đó, các thương hiệu cần tái lập chiến lược “trọng tâm số hóa” trong nhiều năm, tập trung vào các khoản đầu tư kỹ thuật số.

H&M được các chuyên gia thời trang và công nghệ toàn cầu đánh giá là chuyển dịch chậm chạp trên mặt trận thương mại điện tử, như tại Việt Nam, dù đã có mặt tại thị trường này từ năm 2017 và có 12 cửa hàng, phát triển với tốc độ ổn định. Zara nhanh nhạy ra mắt cửa hàng trực tuyến chỉ sau 1 tháng xuất hiện tại Việt Nam kể từ tháng 9/2016, website cũng nhanh chóng chuyển đổi công năng từ hỗ trợ sang vai trò chính trong bối cảnh số hóa dù còn khó sử dụng với người Việt.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, cuộc đua lên online của các hãng thời trang nhanh sẽ hứa hẹn quyết liệt. Cũng không khác khi các thương hiệu này bước vào thị trường Việt Nam thời chưa có lệnh giãn cách. 
 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới