Thương chiến và đồng USD đe dọa an ninh dầu khí tại Châu Á trong năm 2020
Reuters
Mặc dù giá dầu thô trong năm 2019 đã giảm 10% so với năm trước mà nguyên nhân chủ yếu là do chiến tranh thương mại Mỹ- Trung tuy nhiên với sự tăng trưởng nhanh về cầu dầu thô và độ nhạy cảm với giá dầu cao, các nền kinh tế châu Á không thể lơ là với diễn biến giá dầu trong năm 2020.
Các tổ chức lớn về dự báo như các ngân hàng trên Phố Wall hay Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ có những đánh giá khác nhau về triển vọng giá dầu trong năm tới. Theo đó thì các ngân hàng phố Wall cho rằng giá dầu sẽ tăng nhẹ trong khi Cơ quan Thông tin Năng lượng lại đánh giá sẽ có một sự sụt giảm trong giá dầu theo đà năm 2019. Dưới đây là một số yếu tố chính có thể ảnh hưởng đến giá dầu trong năm tới.
Sự sụt giảm giá dầu trong năm nay chủ yếu là do sự giảm tốc của nền kinh tế bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại đang diễn ra. Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều chịu ảnh hưởng từ cuộc thương chiến kéo dài 18 tháng qua và họ đang cố gắng giải quyết, thậm chí là tháo gỡ từng chút một. Nếu họ bắt đầu nới lỏng các sắc thuế nhập khẩu nhằm trừng phạt lẫn nhau theo thỏa thuận thương mại tạm thời được công bố vào ngày 13/12 vừa qua, nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ lấy lại đà tăng trưởng, từ đó đẩy giá dầu tăng lên lại.
Bên cạnh đó, tỷ giá hối đoái cũng mang đến những rủi ro khác. Sự mất giá mạnh trong đồng tiền của một số nền kinh tế mới nổi tại châu Á so với đồng USD đã làm tiêu tan một số lợi thế từ việc sụt giảm giá dầu trong năm nay.
Diễn biến giá dầu thô (tính theo USD/thùng) giai đoạn 2017-2019 |
Đồng Nhân dân Tệ của Trung Quốc, Đồng Rupee của Ấn Độ, Đồng Won của Hàn Quốc, Đồng Ringgit của Malaysia và Đồng Rupiah của Indonesia trong năm nay đều yếu hơn nhiều so với đồng bạc xanh của Mỹ so với năm 2018, trong khi đó Đồng Đô la Mỹ vẫn giữ được độ mạnh dù trong năm 2019, FED đã 3 lần cắt giảm lãi suất. Nếu FED giữ nguyên lãi suất đến hết năm 2020 và nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng hiện tại, thì đồng USD có thể vẫn sẽ giữ vững được sức mạnh của nó trong thời gian tới.
Ngược lại, một số tổ chức khác hiện đang cố gắng để nâng giá dầu thô. OPEC và 10 đồng minh không thuộc OPEC đã ký hiệp ước kiềm chế nguồn cung dầu thô từ đầu năm 2017, theo đó cam kết sẽ cắt giảm sản lượng cung ứng trong quý đầu tiên của năm 2020, ở mức khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày, ít hơn so với mức cung ứng cuối năm 2018. Động thái này được dự kiến sẽ kéo dài đến hết năm tới.
Ả Rập Saudi nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và là một trong các nước lãnh đạo then chốt của OPEC, vừa mới tổ chức đợt chào bán công khai lần đầu đối với công ty dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco vào tháng 11/2019 vừa qua. Với việc giá cổ phiếu của Aramco hiện đang được giao dịch trên thị trường chứng khoán Tadawul và đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của các nhà đầu tư quốc tế, Ả Rập Saudi có thể sẽ đẩy giá dầu lên cao hơn bằng cách thắt chặt nguồn cung.
Vùng giàu có dầu mỏ như Trung Đông được dự kiến vẫn sẽ là một điểm nóng địa chính trị, đe dọa đến an ninh cung cấp năng lượng của châu Á. Những quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất trong khu vực bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, phụ thuộc rất lớn vào Trung Đông vì nơi đây cung ứng gần ½ tổng nhu cầu dầu mỏ của các nước trên.
Một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào các cơ sở dầu mỏ Abqaiq và Khurais của Ả Rập Saudi vào tháng 9/2019 vừa qua đã làm mất đi 6% nguồn cung dầu thô cho toàn thế giới. Mặc dù sự tăng giá dầu thô sau đó nhanh chóng được hạ nhiệt vì Ả Rập Saudi đã sử dụng kho dự trữ của mình để duy trì việc xuất khẩu ổn định và tập trung toàn lực sửa chữa các cơ sở bị hư hại, Aramco vẫn cảnh báo rằng các cơ sở hạ tầng dầu mỏ quan trọng của tập đoàn này rất dễ bị ảnh hưởng bởi các hành động như trên.
Tương tự, các cuộc tấn công vào tàu chở dầu quanh Vịnh Ba Tư vào tháng 5/2019 và tháng 6/2019 là một trong những nguyên nhân gây ra rất nhiều sự quan ngại, từ đó đẩy giá bảo hiểm cho các tàu đi qua khu vực này tăng thêm, kéo theo sự gia tăng về chi phí cho các công ty lọc dầu.
Sự khó lường của giá dầu thô và chi phí bảo đảm an toàn nguồn cung trước các rủi ro địa chính trị đang gia tăng như hiện nay có thể sẽ mang đến nhiều thách thức cho các quốc gia châu Á trong năm 2020 và xa hơn thế nữa. Các nhà nhập khẩu châu Á sẽ cần tiếp tục đa dạng hóa các nguồn dầu thô cũng như đẩy nhanh việc xây các dựng chiến lược dự trữ dầu để giúp vượt qua sự thiếu hụt nguồn cung. Trong số các nước châu Á không thuộc OECD, chỉ có Trung Quốc đã xây dựng quỹ dự trữ dầu thô còn Ấn Độ vẫn đang áng binh bất động.
Một số cường quốc châu Á cũng đã đưa hải quân đến Vịnh Ba Tư để bảo vệ các chuyến hàng dầu thô của họ sau các cuộc tấn công tàu chở dầu nói trên.
Để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu dài hạn, Chính phủ các nước châu Á phải nỗ lực gấp đôi để giảm sự phụ thuộc vào dầu thô thông qua việc thay thế bằng khí đốt tự nhiên; tích cực ứng dụng năng lượng tái tạo cũng như thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và áp dụng nhanh chóng các công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Các công ty sản xuất dầu khí lớn hiện đang bị chỉ trích vì những lo ngại về môi trường xuất phát từ khí thải được tạo ra bởi nhiên liệu hóa thạch, tuy nhiên người tiêu dùng cũng cần phải có trách nhiệm đối với vấn đề này. Là các quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 và thứ 3 trên thế giới với tốc độ tiêu thụ nhanh nhất thế giới, trách nhiệm đó đặc biệt nặng nề đối với Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng các quốc gia này chỉ quan tâm đến vấn đề môi trường khi mà bài toán về việc bảo đảm nguồn cung và quản lý chi phí cung ứng dầu thô được giải quyết ổn thỏa.
► Chính sách nhà giá rẻ tạo ra nhiều thành phố ma ở Trung Quốc
► Bốn con hổ của Châu Á: Điều thần kỳ đã là quá khứ, thách thức đang tới
Nguồn Nikkei
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư