Hủy
Kinh Doanh

Tiếp tục ổn định và nâng cao vị thế đồng Việt Nam

Thứ Hai | 23/12/2013 05:26

 
 
Có thể khẳng định, năm 2013 ghi dấu một năm thành công của ngành ngân hàng trong điều hành chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, áp lực với ngành vẫn còn bởi một loạt những vấn đề lớn đang được đặt ra như nợ xấu sẽ tiếp tục được xử lý ra sao, công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng có tiếp tục đi đúng lộ trình, vốn ưu tiên trong nông nghiệp có thực sự đến được với nông dân… hay không? Đây cũng là trăn trở của “tư lệnh” ngành ngân hàng - Thống đốc Nguyễn Văn Bình.

Gửi tiền đồng vào ngân hàng: Kênh đầu tư an toàn, hấp dẫn

Người đứng đầu ngành ngân hàng khẳng định, đường lối xuyên suốt trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước hiện nay và những năm tiếp theo là ổn định giá trị đồng Việt Nam và nâng cao vị thế của đồng Việt Nam trong các kênh đầu tư.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, đến nay chúng ta đã thành công một bước rất vững chắc và có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc ổn định giá trị đồng Việt Nam và nâng cao vị thế đồng Việt Nam. Suốt trong 2 năm vừa qua, tất cả những ai có tiền gửi bằng đồng Việt Nam vào hệ thống ngân hàng đều có lãi và đều rất an toàn.

“Do vậy, với chính sách kiên định của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi có thể khẳng định rằng nếu đồng bào, nhân dân nào đã có tiền gửi bằng đồng Việt Nam thì hãy nên tiếp tục gửi tiền bằng đồng Việt Nam, cũng như những ai còn đang băn khoăn thì hãy nên sử dụng đồng Việt Nam để gửi vào hệ thống ngân hàng. Đây thực sự là kênh đầu tư an toàn, hấp dẫn, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và đó cũng là mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước,” Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Đã xử lý dứt điểm 9 ngân hàng yếu kém

Thống đốc cho biết đến nay ngành ngân hàng đã xử lý dứt điểm được 9 ngân hàng yếu kém nhất trong toàn hệ thống. Chính thực tế trong hoạt động ngân hàng vừa qua cho thấy, hệ thống ngân hàng đã ổn định hơn và không xảy ra tình trạng đổ vỡ là nhờ ngành đã kịp thời và kiên quyết xử lý 9 ngân hàng này.

Đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã được Chính phủ thông qua và đề án này là một lộ trình cho giai đoạn từ nay đến năm 2020; trong đó có 1 mốc chung chuyển là năm 2015. Trong đề án đó, theo đúng lộ trình thì nhiệm vụ của tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đặt ra cho năm 2013 là xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu kém nhất mà có thể là ngòi nổ cho sự đổ vỡ và kéo theo phản ứng dây chuyền trong hoạt động của hệ thống ngân hàng.

"Tư lệnh" ngành ngân hàng khẳng định: Tuy nhiên, đây là quá trình liên tục và kéo dài trong nhiều năm, khi chúng ta đã xử lý được những ngân hàng là những mắt xích yếu nhất thì cũng dần nâng cấp nó lên. Ngân hàng Nhà nước đã xử lý những ngân hàng đến thời điểm này gọi là yếu kém và tiếp tục “cuốn chiếu” quá trình xử lý này để đảm bảo rằng những mục tiêu trung hạn đến năm 2015 cũng như mục tiêu dài hạn đến năm 2020 của đề án được hoàn thiện.

VAMC, mô hình xử lý nợ xấu phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, xử lý nợ xấu là một nội dung rất trọng tâm, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ quá trình tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Bởi có xử lý được nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thì mới tái cấp vốn, đảm bảo vốn và thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Qua đó mới đảm bảo vốn cho nền kinh tế, mà nền kinh tế có phát triển hay không rất cần vốn và thanh khoản. "Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng là phải xử lý nợ xấu," Thống đốc nói.

Dẫn kinh nghiệm xử lý nợ xấu của các nước trên thế giới, Thống đốc cho biết, để xử lý được nợ xấu khi hệ thống ngân hàng gặp vấn đề thì họ đã phải chi ra từ 7 đến 30%, thậm chí còn cao hơn nữa từ GDP và số tiền này là tiền của ngân sách nhà nước. Do vậy, ở các nước khác thường nợ xấu được mua bán, xử lý dứt điểm nhưng với một chi phí rất lớn.

“Ở Việt Nam, như chúng ta đều biết ngân sách nhà nước còn hết sức khó khăn, còn phải phục vụ cho nhiều mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và an sinh xã hội khác, do vậy chưa có điều kiện tập trung ngân sách để xử lý nợ xấu. Trong khi đó, xử lý nợ xấu lại là vấn đề cấp bách. Vậy chúng ta phải có một mô hình xử lý nợ xấu sao cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, thì mô hình VAMC của Việt Nam hiện nay đáp ứng được yêu cầu đó,” Thống đốc khẳng định.

Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng cho biết, thông qua việc xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), bản thân các tổ chức tín dụng cũng được bơm thêm thanh khoản và từ đó mà có thêm nguồn vốn cho phát triển kinh tế đất nước. Các doanh nghiệp sau khi đã mua bán lại nợ thông qua VAMC, khoản nợ đó không được tính vào nợ xấu của doanh nghiệp và cũng sẽ được cơ cấu lại cả về mặt thời hạn cũng như mặt lãi suất. Như vậy, cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được vốn và có điều kiện để chịu được áp lực tài chính trong giai đoạn khó khăn này.

Ngoài ra, một nhiệm vụ quan trọng nhất là VAMC tập trung tất cả các khoản nợ xấu về một đầu mối, từ đó có điều kiện tạo ra một thị trường mua bán nợ xấu rất hoàn chỉnh và giúp cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế có thể tiếp cận một cách dễ dàng đến việc mua bán các khoản nợ xấu này. “Do vậy, chúng ta có thể nói rằng mô hình VAMC của chúng ta có khác so với các nước, chưa xử lý dứt điểm được các khoản nợ xấu của hệ thống các ngân hàng thế nhưng nó sẽ tạo ra một công cụ hết sức thuận lợi cho tất cả các bên, cả ngân hàng, cả nền kinh tế, doanh nghiệp và các nhà đầu tư,” Thống đốc nói.

Mô hình sản xuất nông nghiệp tốt sẽ được tiếp cận “vốn rẻ”

Trong thời gian qua, đầu tư vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Đề cập về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, dưới góc độ ngành ngân hàng, đã có Nghị định 41 để quy định cho vay trong lĩnh vực này. Nhờ có việc tập trung nguồn vốn cho sản xuất nông nghiệp, tín dụng ngân hàng trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua đã có bước phát triển nhảy vọt. Trong 5 năm trở lại đây, tín dụng ngân hàng phục vụ nông nghiệp đã tăng gấp 2,5 lần, trung bình mỗi năm tăng khoảng 20%, riêng năm nay dù kinh tế còn khó khăn như vậy, tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống chỉ xấp xỉ 10% thì riêng tín dụng nông nghiệp nông thôn đã tăng trên 17%.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước luôn có những chính sách để hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, ví dụ như ưu tiên vốn, tạo mọi cơ chế ưu đãi để các ngân hàng có điều kiện tập trung vốn cho nông nghiệp. Mặc dù đến nay Ngân hàng Nhà nước không có quy định trần lãi suất cho vay nhưng riêng lĩnh vực nông nghiệp thì suốt trong thời gian khó khăn vừa qua, Ngân hàng Nhà nước luôn quy định trần lãi suất cho vay trong nông nghiệp, cụ thể hiện nay mức trần đó là 9% đối với cho vay ngắn hạn.

“Chúng tôi khẳng định rằng, nếu bà con nông dân hay các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp có dự án tốt, có đề án sản xuất chăn nuôi tốt thì nhất định sẽ tiếp cận được với nguồn vốn của ngân hàng nói chung và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nói riêng. Nếu vay vốn ngắn hạn thì lãi suất chỉ ở mức 9%/năm,” người đứng đầu ngành ngân hàng một lần nữa nhấn mạnh./.

Nguồn Vietnamplus


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới