Hủy
Kinh Doanh

Tổng hợp tin thị trường gạo ngày 12/6

Thứ Năm | 12/06/2014 11:23

 
 
Giá gạo tại châu Á diễn biến trái chiều. Xuất khẩu gạo Việt Nam có thể gặp rủi ro khi mất thị trường truyền thống và quá phụ thuộc vào Trung Quốc.

Giá gạo thế giới ngày 11/6

Gafin

Giá gạo tại châu Á diễn biến trái chiều

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), giá gạo tại các nước châu Á trong tháng 4 và tháng 5 có nhiều diễn biến trái chiều. Trong khi giá gạo tại Campuchia, Indonesia và Bangladesh giảm mạnh thì giá gạo tại Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Philippines lại tăng. Giá gạo tại Myanmar tương đối ổn định.

Xuất khẩu gạo Việt Nam có thể gặp rủi ro khi để mất thị trường truyền thống

Chuyên gia tư vấn của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã lên tiếng cảnh báo các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam về việc để mất thị trường truyền thống và phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

Gần đây, Việt Nam đã để mất nhiều thị trường truyền thống hoặc vì một số thị trường như Indonesia và Philippines đã bắt đầu đẩy mạnh sản xuất trong nước hoặc một số bắt đầu chuyển sang các nguồn nhập khẩu khác như Ấn Độ và Thái Lan. Tuy nhiên, nhu cầu tăng cao của Trung Quốc đã phần nào bù đắp lại và các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam tin rằng đây là tín hiệu tích cực.

Chuyên gia tư vấn của VFA cho rằng các nhà nhập khẩu gạo của Trung Quốc đang cố gắng tăng lượng gạo lưu kho do căng thẳng leo thang tại Biển Đông. Chính nhu cầu tăng cao tại Trung Quốc đã đẩy giá gạo 5% tấm của Việt nam tăng thêm 200 đồng/kg lên 8.300 đồng/kg.

Tuy nhiên, theo chuyên gia tư vấn này, xuất gạo sang Trung Quốc tăng mạnh chỉ là hiện tượng mang tính tạm thời, hơn nữa xuất khẩu gạo mậu biên trong năm nay tăng 50%. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (MARD) ước tính xuất khẩu gạo của Việt Nam từ đầu năm đến nay đạt ít nhất 600.000 tấn, trong đó 60% xuất khẩu mậu biên sang Trung Quốc. Do vậy, nếu Trung Quốc ngừng mua gạo từ Việt Nam, các nhà xuất khẩu sẽ gặp không ít rủi ro.

Bộ Thương mại Thái Lan xem xét tiếp tục bán đấu giá lượng gạo dự trữ

Bộ Thương mại Thái Lan dự định bán đấu giá tiếp lượng gạo dự trữ và đang chờ chính quyền quân sự phê duyệt.

Bộ Thương mại Thái Lan đã ra thông báo như trên sau cuộc họp ngày 10/6 với đại diện của Hiệp hội Nhà máy gạo Thái Lan (TRMA), Hiêp hội Nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), Tổ chức Kho vận Công (PWO), Phòng Nội thương và Sở giao dịch nông sản tương lai Thái Lan (AFET). Trước đó, chủ tịch danh dự TREA đã yêu cầu chính phủ ngừng bán gạo và tiến hành kiểm tra lượng gạo dự trữ hiện tại.

Trong khi đó, theo Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan, các chuyên gia ngành gạo đang kêu gọi tiến hành cải tổ ngành gạo nước này trong bối cảnh chi phí gia tăng và cạnh tranh gay gắt từ các nước sản xuất gạo khác.

Theo các chuyên gia ngành gạo, ngành xay sát gạo Thái Lan hiện chưa phát huy hết khả năng. Mặc dù sản lượng xay xát đạt khoảng 80 triệu tấn/năm, nhưng sản lượng gạo trắng của Thái Lan chỉ đạt 28 triệu tấn. Các chuyên gia ngành gạo cũng khuyến nghị chính phủ quân sự cho phép tăng diện tích đất sở hữu lên ít nhất 8ha đối với mỗi nông dân nhằm giúp họ cắt giảm chi phí. Hầu hết nông dân trồng lúa hiện đang phải trả phí thuê đất rất cao.

WB công bố tầm nhìn 2030 về ngành xuất khẩu gạo Myanmar

Theo báo cáo gần đây của Ngân hàng thế giới (WB), với việc Trung Quốc trở thành một trong những nước nhập khẩu lớn nhất gạo của Myanmar và Liên minh châu Âu mở cửa thị trường đối với hàng nhập khẩu miễn thuế từ các nước Đông Nam Á, Myanmar có thể có thị trưởng xuất khẩu gạo tiềm năng trong 15 năm tới.

Dưới đây là một số điểm chính trong báo cáo của WB về ngành xuất khẩu gạo của Myanmar:

- Thái Lan, Việt Nam và Campuchia đang cạnh tranh với nhau và vào thời điểm khi Myanmar tập trung vào thị trường xuất khẩu chất lượng thấp.

- Xuất khẩu gạo của Myanmar chưa vượt qua 1,3 triệu tấn trong những năm qua và không thể đạt được mục tiêu xuất khẩu 2 triệu tấn trong năm nay. Myanmar đặt mục tiêu xuất khẩu 4 triệu tấn gạo vào năm 2020.

- Sản lượng và chất lượng gạo thấp tiếp tục ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Myanmar. Năng suất lúa trung bình chỉ đạt 2,5 tấn/ha, chỉ bằng ½ so với các nước xuất khẩu khác trong khu vực.

- Cơ sở chế biến lỗi thời đang khiến lượng hao hụt lên đến 15-20%.

- Cơ sở hạ tầng cảng xuất khẩu chính của Myanmar là Yangon khá yếu kém, gây nheieuf khó khăn cho hoạt động xuất khẩu trong mùa mưa. Chi phí xuất khẩu tại đây cao nhất trong khu vực.

Nguồn Theo DVO


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới