Hủy
Kinh Doanh

Vấn đề độc quyền ở Việt Nam, dưới lăng kính lý thuyết của Tirole

Thứ Hai | 20/10/2014 07:30

 
 
Không có một giải pháp chung cho mọi ngành mà mỗi ngành đều có một cấu trúc đặc trưng riêng và phải điều tiết dựa trên cấu trúc đặc trưng riêng đó.

Jean Tirole - Ảnh: The Economist
Jean Tirole - “một trong những nhà kinh tế vĩ đại đương thời" - Ảnh: The Economist

Giải Nobel 2014, nhà kinh tế học Pháp - Jean Tirole là người chấm dứt 15 năm thống trị Nobel của những nhà kinh tế học Mỹ. Chiến thắng của Jean Tirole xác nhận chân lý đã không còn luôn thuộc về các giáo sư đến từ đại học Chicago -khi thị trường đã không còn hoàn hảo như trong những giả định.

Có lẽ, năm 2008 là thời điểm giúp nhận ra điều này. Nếu thị trường có thể tự giải quyết mọi vấn đề như trường phái Chicago khẳng định, thì tại sao vẫn xảy ra khủng hoảng? Đâu phải cơn chấn động nhỏ, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 có thể so sánh ngang hàng với Đại Suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử kinh tế 1929-1933.

Thị trường cần bàn tay hữu hình của Nhà nước. Giải thưởng Nobel trao cho Paul Krugman năm 2008 chính là lời khẳng định mạnh mẽ nhất mệnh đề trên (Krugman là hậu duệ xuất sắc nhất của Keynes - trường phái kinh tế ủng hộ sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế).

Việt Nam trong câu chuyện Nobel Kinh tế

Mới vài ngày trước, chỉ ít lâu sau thông tin Nobel Kinh tế năm nay được trao cho Jean Tirole, đã có một câu hỏi nhiều độc giả Việt Nam đặt ra cho blogger kinh tế nổi tiếng Giang Lê: "Việt Nam có thể áp dụng được chính sách gì dựa trên lý thuyết của Tirole?".

Tuy nhiên, chớ vội đòi hỏi phải có ngay một trả lời như câu hỏi đúng-sai. Hãy thử bắt đầu từ chính những gì dễ thấy nhất. Từng có thời gian, nghi ngờ các nhà mạng "bắt tay" cùng nâng cước 3G được đặt ra, rồi chuyện doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ, giá xăng trong nước tăng đúng lúc giá quốc tế giảm. Hay chuyện trong ngành điện, hóa đơn tiền điện tăng đột biến, hóa ra chỉ vì bị ghi nhầm. Nhưng ngay cả có ghi đúng như việc tính tiền xây dựng biệt thự, sân golf, sân tennis vào chi phí như EVN thì đó vẫn không thể coi là hợp lý cho được.

Những điều tưởng chừng chỉ có ở Việt Nam, hóa ra cũng không hiếm gặp trên thế giới. Phàn nàn về giá cao, dịch vụ kém chất lượng vẫn thường thấy ở những thị trường độc quyền có quá ít "người chơi".
Liệu pháp tư nhân hóa

Lo lắng thường xoay quanh vấn đề độc quyền tự nhiên, khi doanh nghiệp kiểm soát phần lớn sức mạnh trên thị trường nhờ sở hữu nguồn lực đặc biệt nào đó hoặc nguồn lực tài chính dồi dào để có thể đầu tư lớn vào chi phí cố định để tạo ra rào cản gia nhập ngành đối với mọi đối thủ tiềm năng.

GAFIN
Chủ nhân Nobel Kinh tế năm nay - Jean Tirole
Nếu để thị trường tự quyết, kết quả sẽ là mức giá độc quyền (cao) và mức sản lượng độc quyền (thấp) để các "ông lớn" có dịp thu được thứ lợi nhuận siêu ngạch. Nhưng điều nguy hiểm không chỉ có thế. Khi lợi nhuận là tất cả, có thể bán giá cao mà không quan tâm đến chi phí, các "ông lớn" sẽ chẳng còn mấy động lực để nỗ lực cải tiến công nghệ hay gia tăng năng suất. Vậy thì không chỉ người tiêu dùng thiệt, mà cả ngành kinh tế cũng thiệt và tối đa hóa phúc lợi xã hội cũng trở thành một phương trình vô nghiệm.

Việt Nam cũng giống như nhiều quốc gia trên thế giới từng đối mặt với vấn đề độc quyền tự nhiên mà theo Tirole, thường diễn ra trong các ngành đường sắt, điện, nước, các ngành năng lượng tiêu dùng.

Cho đến những năm 1980, câu hỏi lớn vẫn đặt ra đó là: Nên đối xử thế nào đối với những "ông lớn" trong các ngành độc quyền tự nhiên đó? Phức tạp hơn nữa, ở Anh và châu Âu trong thời kỳ này, nhiều ông lớn còn là con đẻ của Chính phủ, với 100% vốn chủ sở hữu Nhà nước. Lúc này, giải pháp được thực hiện phổ biến chính là tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước đang sở hữu sức mạnh độc quyền tự nhiên. Biện pháp này đã được thực hiện triệt để tại Anh, dưới thời cựu Thủ tướng Margaret Thatcher.

Tuy nhiên, tư nhân hóa không phải "chiếc chìa khóa vạn năng". Mục tiêu của tư nhân hóa là thúc đẩy đổi mới và hiệu quả của các hãng độc quyền Nhà nước trước kia. Tuy nhiên lý thuyết của Tirole đã chỉ ra rằng, phương pháp này cũng có hai mặt. Giống như British Telecom và British Rail - hai "ông lớn" tại Anh, dù đã được tư nhân hóa hoàn toàn nhưng lại có vấn đề mới được đặt ra: Làm cách nào để ngăn ngừa các doanh nghiệp này không bành trường sức mạnh độc quyền, lấn át sự kiểm soát của nhà nước và "lười" đầu tư cho đổi mới?

Thách thức của tư nhân hóa cũng được Ủy ban Nobel khẳng định trong báo cáo khoa học dài 52 trang tóm tắt các thành quả nghiên cứu của Tirole trong hàng chục năm qua: "Kết quả thực nghiệm của việc áp dụng tư nhân hóa cũng không đồng nhất, thường khó khăn hơn dự kiến và các doanh nghiệp sau khi được tư nhân hóa hoạt động không đúng như mong đợi".

Phương trình vô nghiệm của "mức giá tối ưu"

Bên cạnh tư nhân hóa, thông thường Nhà nước còn kiểm soát các hãng độc quyền tự nhiên bằng cách áp đặt mức giá tối ưu. Việt Nam cũng áp dụng biện pháp này trong các ngành như điện, nước, xăng dầu,... Nhưng cần lưu ý, mức giá tối ưu đó được thiết lập dựa trên chi phí mà doanh nghiệp gửi cho cơ quan điều hành. Trong một môi trường thông tin bất đối xứng, nguy cơ dễ xảy ra nhất là các doanh nghiệp này lừa dối cơ quan quản lý để đội chi phí.

"Các nhà quản lý vừa thiếu thông tin về chi phí của doanh nghiệp vừa thiếu thông tin về chất lượng hàng hóa và dịch vụ cung cấp. Vô tình, những cái thiếu này lại cung cấp một lợi thế độc quyền tự nhiên khác cho các doanh nghiệp", báo cáo của Ủy ban Nobel nhận định.

Nếu các hãng độc quyền có thể thuyết phục Chính phủ rằng chi phí phải bỏ ra là rất lớn, thì họ có quyền định giá cao để thu lợi nhuận lớn mà không cần quá nỗ lực trong đổi mới, đầu tư hay giảm giá bán áp đặt cho khách hàng. Vậy thì việc tìm ra một mức giá tối ưu để ấn định, sẽ chẳng khác nào một phương trình vô nghiệm.

Các "ông lớn" ngày càng lớn hơn

Nếu không chịu điều tiết, thì không điều gì có thể ngăn doanh nghiệp tận dụng sức mạnh thị trường để đạt được lợi nhuận siêu ngạch, và cũng hiếm có doanh nghiệp nào không dùng chính sức mạnh thị trường hiện có để trở nên mạnh hơn. Có hai cách để một "ông lớn" trở nên lớn hơn, một là mua lại những công ty tạo ra cùng sản phẩm trong ngành, hai là liên kết (hoặc mua lại) những công ty trong cùng ngành nhưng ở công đoạn khác.

Vì thế, mối lo ngại chính của các Chính phủ là hiện tượng , xảy ra khi một công ty mua một hoặc nhiều công ty khác có hoạt động kinh doanh tương tự trong ngành. Bên cạnh đó, "hội nhập dọc"cũng cho thấy nhiều rủi ro, đó là khi công ty độc quyền một công đoạn nào đó trong chuỗi sản xuất, liên kết với các công ty ở những công đoạn khác để gia tăng sức mạnh trên thị trường.

Tirole là một trong số các nhà kinh tế đã vận dụng lý thuyết trò chơi để chứng minh rằng, trong thực tế doanh nghiệp có thể tạo ra lợi nhuận lớn hơn với việc tăng cường liên kết với chuỗi sản xuất trên thị trường để tăng sức mạnh thị trường.

Chẳng hạn, một công ty sở hữu bằng sáng chế về một công nghệ đổi mới giúp cắt giảm chi phí. Nếu bằng sáng chế đó được bán cho tất cả các công ty khác, thì toàn xã hội sẽ thu được lợi ích. Tuy nhiên, chủ sở hữu bằng sáng chế đó có thể kiếm được nhiều lợi nhuận hơn bằng cách bán sáng chế độc quyền cho một công ty đối tác duy nhất. Sau đó, công ty này vận dụng công nghệ, cắt giảm chi phí và định giá bán thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường. Theo Tirole, cuối cùng có thể công ty sở hữu bằng sáng chế đầu tiên sẽ phải mua lại chính đối tác duy nhất của mình.

Kết quả tiêu cực của hành vi trên đó là, có ít cạnh tranh hơn trên thị trường và giá bán ra có thể cao hơn. Ngược lại, mặt tích cực đó là "hội nhập dọc" có thể khuyến khích đổi mới. "Do đó, Luật Cạnh tranh phải cân nhắc hai tác động trái ngược này", theo báo cáo về giải thưởng Nobel Kinh tế 2014 của Ủy ban Nobel.

Lawrence White (nguyên kinh tế trưởng bộ phận chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Reagan trong hai năm 1982 và 1983) cho biết, lý thuyết của Tirole và các đồng nghiệp trong cùng lĩnh vực nghiên cứu về Tổ chức ngành đã ảnh hưởng đến luật chống độc quyền tại Mỹ và cụ thể là thương vụ mua lại NBC Universal của Comcast.

Comcast là doanh nghiệp có sức mạnh thị trường cung cấp tín hiệu, đã mở rộng tầm ảnh hưởng của mình bằng cách mua lại một nhà cung cấp nội dung lớn - NBC Universal. Thỏa thuận giữa NBC Universal và Comcast đã được Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ phê duyệt vào năm 2011. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Comcast từ bỏ quyền kiểm soát dịch vụ video trực tuyến Hulu mà NBC cùng chia sẻ với Fox và ABC. Đồng thời, Bộ Tư pháp Mỹ cũng thiết lập các điều kiện để Comcast chia sẻ các chương trình của NBC với các đối thủ cạnh tranh trực tuyến cũng như các đối thủ cạnh tranh truyền thống như Dish Network và DirecTV. Đó là cách Mỹ đã chế ngự các "ông lớn".

Trò chơi tay đôi

Theo Tirole, đây là trò chơi đang diễn ra giữa hai người chơi, có những mục tiêu khác nhau, những bí mật khác nhau mà họ có thể giấu diếm lẫn nhau. Theo cách nói của lý thuyết trò chơi, đây là vấn đề giữa ông chủ và người đại diện (Principal - Agent Problem). Trong đó, Chính phủ là ông chủ và hãng là người đại diện. Khi đó, câu hỏi lớn hơn được đặt ra chính là: Liệu có thể thiết kế nên một hệ thống điều tiết có thể khuyến khích cả hai người chơi làm những điều có lợi cho toàn xã hội hay không?

Tirole và người đồng nghiệp đã quá cố Laffont đã tạo ra mô hình chung để điều tiết các ngành, được xây dựng dựa trên khung lý thuyết chuẩn - "thiết kế cơ cấu". Dù vậy, nếu đặt câu hỏi cho Tirole rằng ông có lời khuyên gì cho Việt Nam không thì có lẽ câu trả lời nhận được sẽ giống như cách nhiều lần Tirole đã khẳng định: không có một giải pháp chung cho mọi ngành mà mỗi ngành đều có một cấu trúc đặc trưng riêng và phải điều tiết theo cấu trúc đặc trưng riêng đó.

Thay vì câu hỏi chung chung, hãy đặt những câu hỏi cụ thể hơn: Một hãng nào đó trong ngành đang có sức mạnh thị trường lớn cỡ nào? Cấu trúc thông tin trong ngành đó là gì? Hay có đề xuất nào để điều tiết các doanh nghiệp lớn hiệu quả hơn?

Tuy nhiên, cũng nên tránh nhầm lẫn quan điểm của Tirole là luôn luôn phải quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp độc quyền. Trong một số trường hợp, có thể các nhà quản lý phải lùi lại, không khuyến khích các hãng đầu tư và đổi mới. Bởi trong nhiều ngành kinh tế, những đánh đổi là không thể tránh khỏi giữa thúc đẩy tiến bộ công nghệ với việc ngăn các hãng khỏi làm tổn hại đến người tiêu dùng.

Ngoài ra, Tirole cũng chỉ ra rằng, mọi nỗ lực kiểm soát doanh nghiệp độc quyền đều vô nghĩa khi các doanh nghiệp này thao túng chính các nhà quản lý. Vậy mới nói "điều tiết các doanh nghiệp có sức mạnh trên thị trường là việc hết sức khó khăn". Lựa chọn duy nhất của chúng ta là thấu hiểu những khó khăn đó, nhận biết sự phức tạp và tỉ mỉ trong mỗi tình huống cá biệt, và làm những điều tốt nhất có thể.

Cũng may mắn là đã có Tirole và các cộng sự, giúp tập hợp những tình huống cá biệt đó và mô hình hóa chúng. Lý thuyết của Tirole cho thấy, để giải quyết vấn đề độc quyền, cần bắt tay vào làm, chứ không thể ngôi im và đợi thị trường hay cạnh tranh có thể lo liệu hết tất cả mọi việc. Ít nhất, giải Nobel kinh tế năm nay đã phát đi tín hiệu chỉ ra rằng, kinh tế học hiện đại không còn ủng hộ quan điểm thị trường tự do của trường phái Chicago. Bằng cách chấp nhận thị trường không hoàn hảo, thông tin bất đối xứng, thậm chí méo mó bởi độc quyền, giải thưởng Nobel năm nay đã gần gũi hơn với đời sống thực và cũng không còn xa lạ với Việt Nam.

Nguồn GAFIN/Theo DVO


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới