Hủy
Kinh Doanh

Vùng xanh cổ phiếu ngân hàng

Vũ Hoài Thứ Hai | 11/10/2021 14:00

Ảnh: Quý Hòa.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã liên tục giảm mạnh trong thời gian qua, đưa mức định giá của nhóm này về vùng hấp dẫn.
 

Ngân hàng hiện là ngành có tỉ trọng vốn hóa lớn nhất ở thị trường chứng khoán Việt Nam. Do đó, biến động giá của nhóm này ảnh hưởng lớn đến diễn biến chung của thị trường. 6 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ với gần 28% đối với chỉ số VN-Index. Đóng góp vào đà tăng của thị trường chung không thể thiếu nhóm cổ phiếu ngân hàng. Phần lớn cổ phiếu thuộc nhóm này đã tăng giá mạnh, bình quân hơn 33%.

Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 6/2021, đà tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã bắt đầu chững lại khi nhà đầu tư cho rằng kết quả kinh doanh quý II/2021 của các ngân hàng đã đạt đỉnh và đã được phản ánh vào thị giá. Với đà tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2021, việc lựa chọn cổ phiếu ngân hàng cũng trở nên chọn lọc hơn khi rủi ro nợ xấu ngày càng bộc lộ rõ.

Ảnh: Quý Hòa.
Ảnh: Quý Hòa.

Số liệu thống kê của NCĐT từ đầu tháng 7 đến hết phiên giao dịch 6/10 cho thấy phần lớn cổ phiếu ngân hàng đã giảm điểm trong khoảng thời gian này. Trong số 26 ngân hàng, có đến 22 mã cổ phiếu giảm điểm, với nhiều mã giảm tới hơn 20%. Tiêu biểu như cổ phiếu VIB của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam giảm mạnh nhất ngành, với mức giảm hơn 30,2%. Hay cổ phiếu CTG của VietinBank và EIB của Eximbank cũng giảm lần lượt 28,2% và 26,2% trong hơn 3 tháng qua. Ở phần còn lại, có tới 13 cổ phiếu trong ngành ghi nhận mức giảm từ 10,7-20,7% trong khoảng thời gian này.

Trong khi đó, một vài cổ phiếu thuộc nhóm này trở thành điểm sáng với mức tăng khá mạnh, tiêu biểu như cổ phiếu NVB của Ngân hàng Quốc Dân và TPB của TPBank tăng giá lần lượt 44,6% và 15,1% trong hơn 3 tháng qua. Tính chung toàn ngành, giá cổ phiếu ngân hàng đã giảm bình quân hơn 9,7% trong thời gian qua.

Nhìn nhận về nhóm ngân hàng, chuyên viên của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính lợi nhuận trong quý III của các ngân hàng có thể tăng trưởng chậm lại đáng kể so với quý II/2021. Ngoài ra, sau tròn một quý thực hiện giãn cách tại TP.HCM, bức tranh nợ xấu của ngành ngân hàng đang là vấn đề được quan tâm nhiều hơn. VDSC vẫn duy trì kỳ vọng nợ xấu và nợ được cơ cấu lại của ngành ngân hàng tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm và ảnh hưởng lên tốc độ và độ lớn của trích lập dự phòng. Tuy nhiên, nợ xấu sẽ có độ trễ trong việc hình thành và đồng thời cũng có sự lệch pha giữa tốc độ tăng nợ xấu của các ngân hàng.

 

“Chúng tôi kỳ vọng điểm rơi về nợ xấu sẽ chủ yếu ở quý IV, nhưng các ngân hàng sẽ chủ động trích lập dự phòng trong quý III tùy tình hình và năng lực tài chính của từng ngân hàng. Do yếu tố độ trễ này, chúng tôi duy trì quan điểm lạc quan trong thận trọng về ngành ngân hàng, với tầm nhìn tích cực tập trung tại một số cổ phiếu nhất định”, VDSC nhận xét.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, nhà đầu tư đều lường trước lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2021 sẽ bị ảnh hưởng bởi làn sóng COVID-19 thứ 4 và do đó sẽ sớm chuyển sự chú ý sang triển vọng kinh doanh trong năm 2022.

Theo số liệu được VNDirect đưa ra, giá cổ phiếu ngân hàng đã giảm tới 15% kể từ mức đỉnh và sự điều chỉnh giá này đã phản ánh phần nào những rủi ro giảm giá liên quan đến làn sóng COVID-19 thứ 4. Do đó, công ty chứng khoán này đánh giá mức độ rủi ro/lợi nhuận của ngành ngân hàng hiện đã khá hấp dẫn và nhóm này sẽ là đại diện tiêu biểu cho sự hồi sinh của nền kinh tế Việt Nam. 

“Chúng tôi ưa thích những ngân hàng có khả năng đẩy mạnh tín dụng, hoặc có khả năng nâng cao tỉ trọng thu nhập ngoài lãi, chất lượng tài sản vững chắc và có nguồn dự phòng dồi dào. Trong bối cảnh cạnh tranh tiền gửi ít gay gắt hơn và thanh khoản dồi dào, chúng tôi ưu tiên các ngân hàng có khả năng thúc đẩy cho vay cá nhân để có được lợi suất tài sản tốt hơn. Vietcombank, Techcombank và ACB là những lựa chọn hàng đầu của chúng tôi trong lĩnh vực này”, VNDirect nhận định.

 

Nhìn nhận ở góc độ cá nhân, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Nghiên cứu Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán MB (MBS), cho rằng khi nền kinh tế hồi phục, cổ phiếu ngân hàng vẫn là một trong những lựa chọn số một. Bởi lẽ, đây là nhóm cổ phiếu có tỉ trọng dòng tiền duy trì top đầu kể từ đầu năm đến nay. Riêng với nhóm ngân hàng, ông Sơn cho rằng nhà đầu tư nên chọn lọc những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tốt và quản trị rủi ro tốt. Trong đó, các ngân hàng như MB, Techcombank hay VPBank là những ứng viên mà nhà đầu tư có thể quan tâm. Ngoài ra, theo ông Sơn, khi nhóm ngân hàng tăng trở lại, sẽ tác động tích cực đến xu hướng dòng tiền nói chung và các nhóm chỉ số nói riêng.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới