Hủy
Kinh Doanh

Xuất khẩu gạo Việt Nam trước nguy cơ tụt lại phía sau

Thứ Năm | 18/10/2012 16:56

Việc không tham gia liên minh lúa gạo với các nước Đông Nam Á có thể làm lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam không được như mong muốn.
 

“Nếu không đổi mới cách điều hành xuất khẩu gạo và chủ động tham gia liên minh lúa gạo trong ASEAN, sức cạnh tranh của ngành xuất khẩu gạo Việt Nam có nguy cơ giảm và đánh mất thị trường” - GS Võ Tòng Xuân - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học An Giang nhận định.
Đứng ngoài chỉ có thiệt!

Vào đầu tháng 9-2012, các tập đoàn kinh doanh nông nghiệp chủ chốt của Philippines, Myanmar và Thái Lan đã thành lập một hiệp hội để phát triển chuỗi cung ứng gạo trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, Philippines đóng góp công nghệ và giống lúa, Myanmar cung cấp đất sản xuất, còn Thái Lan đảm trách tiếp thị toàn cầu.

Hơn nữa, ông Phạm Quang Diệu, chuyên gia lúa gạo của Công ty Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam (AgroMonitor), cho rằng nếu hiệp hội này hoạt động hiệu quả thì sẽ giống như liên minh OPEC của các nước xuất khẩu dầu mỏ. Tương tự như OPEC chi phối xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới, liên minh sản xuất gạo này cũng có mục tiêu tương tự trong thị trường cung cấp gạo.

Còn theo ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, chuyện bị đứng ngoài rìa là do cách “chơi” của ngành gạo. “Chúng ta đang bị các nước trong khu vực đánh giá thấp về cách điều hành, quản lý xuất khẩu gạo. Cụ thể là cách quản lý xuất khẩu gạo sang các thị trường truyền thống như Philippines, Malaysia, Indonesia. Trong khi nước họ đã chuyển từ ký hợp đồng tập trung thông qua đàm phán giữa hai chính phủ sang cho tư nhân đấu thầu thì Việt Nam cứ khư khư giữ cách cũ. DN vẫn chưa được phép tự ký hợp đồng thương mại. Đây là tự mình trói mình, “chơi không đẹp” với chính doanh nghiệp trong nước thì làm sao đòi các nước “chơi đẹp” với mình được?” - ông Nhị nhấn mạnh.

Trước nay Philippines, Indonesia và Malaysia luôn nhập từ Việt Nam một lượng gạo lớn ổn định (chiếm 2/3 tổng lượng gạo xuất khẩu). Thế nhưng hiện nay các thị trường truyền thống đang muốn giảm nhập gạo Việt Nam. Năm 2012, Philippines chỉ nhập 500.000 tấn mà đến nay chưa thực hiện đủ con số này. Indonesia ký tiếp bản ghi nhớ mua 1,2 triệu tấn trong năm 2012 song từ đầu năm đến nay chưa hề nhập về. Còn Malaysia, sau khi ký hợp đồng nhập 300.000 tấn từ đầu năm, đến nay đã là tháng 9 vẫn chưa có chuyển biến gì.

Trong khi đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam vẫn chỉ đạo các doanh nghiệp cứ chờ đợi thông tin từ các thị trường.

Đáng lưu ý là Ấn Độ, Pakistan đang và sẽ là thế lực cạnh tranh lớn với Việt Nam về xuất khẩu gạo giá rẻ. Họ sẽ chuyển đổi sản xuất gạo cao cấp (basmati, gạo đồ) trong năm tới. Campuchia và Myanmar thì lên kế hoạch phát triển vùng trồng lúa để xuất khẩu mạnh vào năm 2013.

Như vậy, không chỉ có thị trường truyền thống mà ngay cả các thị trường lớn như châu Phi, châu Âu hay Trung Quốc, gạo Việt Nam cũng có khả năng bị cạnh tranh rất lớn.

Đừng “nói mà không làm liền”

“Việt Nam là nước đầu tiên đưa ra sáng kiến thành lập liên minh lúa gạo với các nước trong khu vực, cụ thể là với Myanmar. Tuy nhiên, nói mà không chịu làm liền thì người khác làm là chuyện đương nhiên” - GS-TS Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, nhận định.

Để hạn chế việc “nói mà không chịu làm liền”, GS Xuân cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng tham gia hiệp hội với Thái Lan, Philippines và Myanmar, từ đó mở rộng liên kết lúa gạo ra ASEAN. Việc này sẽ giúp Việt Nam nâng cao công nghệ sản xuất chế biến xuất khẩu gạo như Thái Lan, phát triển giống tốt từ Philippines.

Cũng theo GS Xuân, một yếu tố quan trọng khác là “cởi trói” ngay thị trường truyền thống, nên để doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng thương mại xuất khẩu gạo.

Nguồn Pháp luật TPHCM


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới