Hệ thống thủy lợi: Xương sống của nền kinh tế nông nghiệp
Hệ thống thủy lợi giống như xương sống của nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam. Người Việt Nam nhiều năm qua sinh sống, trồng trọt canh tác và phát triển dựa vào hệ thống sông ngòi, kênh, rạch…
Theo Tổng cục Thủy lợi, nước ta hiện có hàng chục nghìn công trình thủy lợi các loại trong đó có hơn 900 hệ thống thủy lợi lớn và vừa, quy mô diện tích từ 200ha trở lên.
Hai hệ thống thủy lợi lớn cũng gắn liền với 2 vùng nông nghiệp lớn nhất cả nước là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.
Khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Hưng Hải
Đồng bằng sông Hồng là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước với nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng và cũng là khu vực tập trung phần lớn diện tích trồng lúa tại phía Bắc. Diện tích đất trồng lúa vùng đồng bằng sông Hồng là 1,3 triệu ha, với khoảng 124.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ và nước ngọt.
Theo tính toán, nhu cầu nước cho kinh tế, xã hội và môi trường của các tỉnh đồng bằng sông Hồng năm 2009 là 24.639 x 106 m3 trong đó nhu cầu nước tưới vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất đến 54,4%, các nhu cầu khác bao gồm chăn nuôi, thuỷ sản, công nghiệp, sinh hoạt, môi truờng chỉ chiếm 45,6%.
Nhu cầu nước vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2020 dự kiến khoảng 30.939 x 106 m3, trong đó nhu cầu nước cho tưới vẫn lớn nhất chiếm khoảng 52%, nhu cầu nước cho thuỷ sản và môi trường cũng tăng nhanh, nhưng tổng các nhu cầu ngoài tưới cũng chỉ chiếm 48%.
Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải là công trình thủy lợi lớn nhất của khu vực này, cung cấp nước tưới cho 135.000 ha và tiêu úng cho 185.000 ha đất canh tác. Đồng thời Bắc Hưng Hải còn cung cấp nước sử dụng cho nhiều mục đích khác như cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, sản xuất của các làng nghề...
Bắt đầu xây dựng từ năm 1958, Bắc Hưng Hải là tên gọi tắt từ tên của các tỉnh mà 200 km hệ thống kênh chính này chảy qua, gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương.
Đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống sông ngòi chằng chịt
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là phần cuối cùng của châu thổ sông Mekong với nhiều sông lớn nhưu sông Tiền, sông Hẩu, sông Vàm Cỏ, Cái Lớn – Cái Bé và sông Giang Thành. Chính vì vậy, hệ thống sông ngòi, kênh rạch ở đây nhìn chung đủ để cấp nước, tiêu nước, thoát lũ.
Toàn ĐBSCL hiện có trên 15.000 km kênh trục và kênh cấp I, gần 27.000 km kênh cấp II và khoảng 50.000 kênh cấp III và nội đồng, 80 cống rộng trên 5 m.
Ngoài ra, khu vực này có khí hậu phân thành hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô, trong đó mùa mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11. Đến mùa lũ, nước dâng có thể gây ngập khoảng 1,2 đến 1,9 triệu ha.
Kênh đào lớn nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam – kênh Vĩnh Tế nằm trên địa bàn tỉnh An Giang và Kiên Giang của khu vực này. Với chiều dài 87 km, rộng 30 m, kênh Vĩnh Tế đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của kinh tế khu vực ĐBSCL từ khi ra đời đến nay.
Nguồn Theo DVO
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư