Hủy
NTP

Cách mạng công nghệ: Chọn đột phá hay bị bóp nghẹt?

Thứ Hai | 26/12/2022 09:41

Hầu hết chúng ta đã sử dụng qua các ứng dụng của AI mà không hề nhận ra. Đơn cử chế độ đề xuất từ ngữ khi nhắn tin.

 
 
Doanh nghiệp Việt Nam có thể tạo đột phá hoặc bị bóp nghẹt trước những công nghệ hàng đầu như AI, blockchain, big data...

Sức ảnh hưởng của công nghệ đang bao trùm lên nhiều lĩnh vực kinh doanh ở Việt Nam. Nó có thể là động lực tăng trưởng của các doanh nghiệp trong vài thập niên tới, đồng thời cũng là yếu tố đẩy doanh nghiệp đến bờ vực phá sản trong thời gian ngắn hơn rất nhiều. 

"HÀNH ĐỘNG SỐ"

Cuối tháng 6/2018, thương hiệu gốm sứ nổi tiếng của Việt Nam là Minh Long đã bắt tay với sàn thương mại điện tử Tiki.vn để phân phối sản phẩm nồi sứ dưỡng sinh. Minh Long là doanh nghiệp truyền thống thứ ba ở Việt Nam đặt chân vào lĩnh vực thương mại điện tử chỉ trong vòng 2 năm. Trước đó, có thể kể đến các cái tên như Vinamilk, Biti’s...

Đây là điều khá bất ngờ, khi doanh số mảng bán lẻ thương mại điện tử chỉ chiếm khoảng 2% tổng thị trường bán lẻ ở Việt Nam nhưng vẫn có thể thu hút nhiều doanh nghiệp có hệ thống bán lẻ lớn nhất nhì cả nước tham gia, hoặc cũng có thể họ muốn hành động trước khi quá muộn. Câu chuyện Toy “R” Us có lẽ ít nhiều tác động đến quyết định tham gia thương mại điện tử của các doanh nghiệp nói trên. Nhà bán lẻ đồ chơi lớn nhất ở Mỹ đã tuyên bố phá sản ở tuổi 60, ngay thời điểm doanh thu thị trường đồ chơi Mỹ đang quay lại đà tăng trưởng.

Amazon được cho là đã “giết chết” một trong những biểu tượng kinh doanh của nước Mỹ. Không chi phí mặt bằng, không chi phí hàng tồn kho, không chi phí nhân viên bán hàng, giúp đơn vị này áp mức giá bán đồ chơi rẻ hơn một nửa, đến mức các khách hàng trung thành nhất của Toy “R” Us cũng phải quay lưng lại với họ. 

Trong khi đó, việc quá tập trung vào mô hình bán lẻ truyền thống và bỏ qua kênh thương mại điện tử khiến Toy “R” Us bị loại khỏi cuộc chơi sau một thời gian dài gồng mình chịu đựng các đợt giảm giá của đối thủ. Cũng phải nói thêm, giá luôn là một yếu tố nhạy cảm trong kinh doanh. Và đây cũng là độc chiêu thường xuyên được áp dụng khi một công ty có đầu tư công nghệ muốn giành thị phần trực tiếp với một công ty truyền thống.

Việc quá tập trung vào mô hình bán lẻ truyền thống và bỏ qua kênh thương mại điện tử khiến Toy “R” Us bị loại khỏi cuộc chơi.
Việc quá tập trung vào mô hình bán lẻ truyền thống và bỏ qua kênh thương mại điện tử khiến Toy “R” Us bị loại khỏi cuộc chơi.

Ở Việt Nam chưa có trường hợp như Toy “R” Us, nhưng cũng đã chứng kiến các ngành kinh doanh truyền thống điêu đứng như thế nào khi nhóm công nghệ tham gia. Vận tải hành khách là một ví dụ điển hình. Chỉ trong vòng 4 năm gia nhập thị trường, Grab và Uber đã làm bốc hơi hàng trăm tỉ đồng doanh thu, lợi nhuận của hai doanh nghiệp lớn nhất nhì ngành là Vinasun và Mai Linh. 

Theo báo cáo bạch của Vinasun 2017, cạnh tranh với Grab hay Uber là thách thức vì cả hai mạnh về mảng công nghệ hơn các hãng taxi truyền thống. Thông qua hệ thống kết nối, Grab và Uber có một lượng xe lớn mà không phải bỏ quá nhiều vốn đầu tư cho việc mua xe, xây dựng bến bãi, chi phí lương cho tài xế… Từ đó, tạo cơ sở đưa giá cước taxi cạnh tranh đến mức nhóm taxi truyền thống không theo nổi. Đó là chưa kể, cốt lõi của các công ty công nghệ là tạo ra các dịch vụ mới trong thời gian ngắn và họ dùng các dịch vụ mới để đắp vào các dịch vụ đang chịu lỗ hoặc tiếp tục giành thị phần.

Điển hình như Grab, đơn vị liên tục tung ra các dịch vụ mới như thanh toán trực tuyến, giao hàng, giao đồ ăn. Do đó, công ty chắc chắn sẽ tiếp tục áp dụng hình thức khuyến mãi để thu hút người sử dụng. Mới đây, sự xuất hiện của Go-jek, đối thủ duy nhất của Grab ở Đông Nam Á ở Việt Nam tiếp tục đẩy cuộc chiến về giá lên mức cao trào. Và cũng chắc chắn không một doanh nghiệp truyền thống nào muốn tiếp tục kéo dài cuộc chiến về giá với nhóm công nghệ. Trong lịch sử kinh doanh thế giới, rất hiếm trường hợp doanh nghiệp sẩy chân, tiến hành tái cơ cấu và đạt lại vị thế trên thương trường, ngay cả các công ty công nghệ.

ĐÓNG CỬA HOẶC MỞ CƠ HỘI

Chủ tịch Điều hành Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018), Giáo sư Klaus Schwab cho biết, hiện tổ chức này đã mở trung tâm về cách mạng công nghiệp 4.0 tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Singapore và trong 12 tháng tới sẽ tập trung xây dựng tại Việt Nam.

Đây là cơ hội tốt để Việt Nam tiếp thu các thông tin giá trị từ cộng đồng trong và ngoài nước, từ các chuyên gia của WEF để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam. Đặc biệt, là tạo môi trường sẵn sàng thay đổi với các công nghệ mới, làm chủ và phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), robot... ứng dụng trong phát triển kinh tế.

Theo đánh giá của WEF, với tốc độ tăng GDP gần 7% năm ngoái, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, để tiếp tục đà tăng này, điều kiện tiên quyết là phải có thêm nhiều chính sách đón đầu trong kỷ nguyên 4.0, đồng thời áp dụng các công nghệ liên quan đến AI, xe tự lái, internet vạn vật (IoT) và khối chuỗi (Blockchain).

Quay trở lại với câu chuyện của Minh Long, Biti’s hay Vinamilk, việc đầu tư vào thương mại điện tử cho thấy các doanh nghiệp này đang chuẩn bị cho tương lai hòa nhập với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Mặc dù hiện thương mại điện tử chỉ chiếm 2% tổng doanh thu bán lẻ, nhưng ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Tiki.vn, cho rằng đến năm 2025, tỉ lệ này sẽ tăng lên 7,7%. Trong đó, nhóm B2C (doanh nghiệp đến khách hàng) sẽ tăng trưởng rất nhanh với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm CAGR đạt 39%. 

Giải thích về vấn đề này, ông Sơn cho rằng thu nhập tăng cao khiến người tiêu dùng Việt Nam ngày càng có nhu cầu sử dụng các mặt hàng chính hãng, có chất lượng.

 

“Một điều lưu ý nữa là độ tuổi trung bình của người Việt Nam là 30-35 tuổi, trong khi thị trường đông dân như Indonesia là 40 tuổi. Đây là độ tuổi tiếp cận và tiêu dùng trên internet rất lớn. Tôi có niềm tin thương mại điện tử ở Việt Nam sẽ bùng nổ rất khủng khiếp!”, ông Sơn nhận định.

Không chỉ thương mại điện tử, một số doanh nghiệp Việt Nam còn đầu tư vào AI, một thuật ngữ chỉ có trong các bộ phim Hollywood, để tăng khả năng cạnh tranh. Có thể kể đến như Công ty Thủy sản Minh Phú cũng phối hợp cùng Microsoft để ứng dụng AI vào xây dựng nhà máy thông minh. Ngoài ra, Sacombank sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt các khách hàng VIP. Vietcombank sử dụng chatbot (trợ lý ảo) hỗ trợ khách hàng thực hiện các dịch vụ cơ bản như nạp tiền điện thoại, chuyển khoản qua số điện thoại và giải đáp các câu hỏi thường gặp. Vinmart đang thử nghiệm công nghệ nhận diện khuôn mặt để nhận diện thông tin nhân khẩu học của người mua hàng...

Theo báo cáo của hãng nghiên cứu IDC, 60% GDP của châu Á - Thái Bình Dương xuất phát từ các sản phẩm và dịch vụ công nghệ vào năm 2021 (gấp đôi mỗi năm từ 6% năm 2017). 40% chuyển đổi trong mô hình kinh doanh được khởi nguồn bởi công nghệ trong năm 2019 sẽ là AI. Báo cáo của IDC phối hợp cùng Microsoft cũng chỉ ra là các công ty dẫn đầu luôn đặt nặng đầu tư vào AI hơn, mà cụ thể là đầu tư vào phân tích dữ liệu lớn (18,6% tổng thu nhập). Những nhà tiên phong trong chuyển đổi được dự đoán có lợi gấp đôi so với những công ty chậm chân hơn.

Trên thực tế, AI không phải là khái niệm mới. Các dự án nghiên cứu để ứng dụng AI vào nhiều lĩnh vực đã nở rộ trong thập niên trước và các ứng dụng thành công đã ồ ạt xuất hiện trong các năm gần đây. “Hầu hết chúng ta đã sử dụng qua các ứng dụng của AI mà không hề nhận ra. Đơn cử chế độ đề xuất từ ngữ khi nhắn tin”, ông Francis Tuấn Anh Nguyễn, chuyên gia công nghệ cao cấp của Microsoft châu Á - Thái Bình Dương, cho biết.

Ứng dụng AI trải dài khắp các công nghệ có thể nhận diện âm thanh, hình ảnh; các công nghệ có thể đọc hiểu dữ liệu, phản ứng và tự sửa lỗi; các công nghệ có thể tư duy trên một lượng dữ liệu lớn để nhận diện các mẫu số chung. Cho đến thời điểm hiện tại, các ứng dụng AI đã đi xa thành các sản phẩm cụ thể có thể giúp người khiếm thị nhận diện con người và vật thể, giúp tiền chẩn đoán bệnh ung thư, dự đoán thay đổi khí hậu. “Những công ty lớn tại Việt Nam có thể nhân rộng quy mô kinh doanh lên 10 lần nếu biết quản lý và sử dụng dữ liệu mà họ có”, ông Francis Tuấn Anh Nguyễn nhấn mạnh.

Công bằng mà nói, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu cảm nhận được hơi thở của công nghệ và cũng hiểu được phần nào sự nguy hiểm khi từ chối nó. Điều này chứng minh bởi các xu hướng công nghệ mới trên thế giới đều cập bến ở Việt Nam không lâu kể từ khi ra mắt.

Blockchain là một ví dụ. Là một trong những xu hướng công nghệ có nhiều dư luận trái chiều nhất từ trước đến nay, sau cú sốc tiền ảo năm 2017, bản thân công nghệ này đã dần tách mình ra khỏi cái bóng của đầu cơ tiền ảo. Trên thực tế, tiền ảo là một phần không thể tách rời của Blockchain, nhưng đó chỉ là một phần của một công nghệ này.

Công nghệ chuỗi khối này mang tính minh bạch cao nhờ tính phi tập trung và không thể thay đổi của mình. Khi dữ liệu đã được tạo thành khối thì việc thay đổi dữ liệu đó là không thể. Ví dụ như dữ liệu về các giao dịch ngân hàng là dữ liệu tập trung trên Core Banking và có thể thay đổi nếu được phân quyền chỉnh sửa. Nhưng dữ liệu giao dịch qua Blockchain thì không thể thay đổi được một khi giao dịch đã hoàn thành và là dữ liệu mở.

IBM là một trong hai tập đoàn đặt cược lớn nhất vào Blockchain khi có số lượng ứng dụng rất lớn được tạo ra trong năm 2017.
IBM là một trong hai tập đoàn đặt cược lớn nhất vào Blockchain khi có số lượng ứng dụng rất lớn được tạo ra trong năm 2017.

Sáu ngân hàng lớn trên thế giới (Barclays, HSBC, Credit Suisse...) đã hợp lực để phát triển một loại tiền tệ ảo chung và dự định tung ra thị trường vào cuối năm 2018, nhằm mục đích minh bạch hóa các giao dịch của họ. Nhìn theo hướng khác, loại tiền ảo này không chỉ để minh bạch hóa hệ thống của họ, mà còn đẩy nhanh và làm quá trình giao dịch liên ngân hàng thuận tiện và tiết kiệm hơn là dùng các giao dịch tiền mặt. Ngoài ra, tiền ảo vốn dĩ là kênh đầu tư sinh lời khá tốt nếu các ngân hàng có thể liên minh để giữ giá đồng tiền.

IBM và Alibaba chính là hai tập đoàn đặt cược lớn nhất vào Blockchain khi có số lượng ứng dụng rất lớn được tạo ra trong năm 2017 (89 cho IMB và 90 cho Alibaba). Con số này gấp 2-3 lần các ứng dụng của các công nghệ khác tại thời điểm đang được đổ dồn đầu tư.

 

Theo ông David Lang, Giám đốc Sản phẩm của Infinity Blockchain Labs (IBL), cho rằng có 2 yếu tố tiên quyết để một công nghệ có thể vượt qua các rào cản để ứng dụng vào thực tế: sự đột phá trong công nghệ buộc các mô hình kinh doanh phải thay đổi và số lượng ứng dụng được hoàn thành trong thời điểm đó; Blockchain đang thỏa mãn cả 2 yếu tố này trong thời điểm hiện tại. Ông David Lang cũng cho biết, Blockchain đang trong giai đoạn tăng trưởng cực nhanh, giá trị thị trường vào năm 2030 sẽ đạt mức 20,3 tỉ USD, gấp hơn 12 lần giá trị hiện tại.

Chuỗi cung ứng, tài chính/Fintech và y tế là 3 mảng tập trung của các ứng dụng Blockchain hiện nay. Ngoài nhu cầu thị trường cao, sự minh bạch và phi tập trung của Blockchain cũng chính là yếu tố rất phù hợp và cần thiết trong 3 lĩnh vực này. Một trong những ứng dụng phổ biến và hợp lý nhất của Blockchain hiện nay là nhằm truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong chuỗi cung ứng. Những nhà bán lẻ lớn như Walmart, Nestlé, Unilever, Kroger đều đang chạy đua đưa ứng dụng truy xuất nguồn gốc thực phẩm này vào ứng dụng trên diện rộng. “IBL cũng đã hoàn thành dự án thử nghiệm tương tự tại Việt Nam”, ông David Lang nói.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới