Hủy
Phát triển bền vững

Có xanh là có tiền

Vũ Hoài Thứ Hai | 03/02/2025 08:00

Vấn đề lớn nhất hiện nay là thiếu khung pháp lý chuyên biệt cho trái phiếu xanh.

 
 
Năm 2024 đã chứng kiến sự sôi động trở lại của trái phiếu xanh, xã hội và bền vững.

Tính đến ngày 30/6/2024 Climate Bonds ghi nhận tổng khối lượng phát hành lũy kế đạt 5.100 tỉ USD từ các loại trái phiếu xanh, xã hội, bền vững, liên kết bền vững (SLBs) và trái phiếu chuyển đổi (gọi chung là GSS+). Riêng trong nửa đầu năm 2024, khối lượng phát hành phù hợp với chuẩn GSS+ đạt 554 tỉ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước; trái phiếu xanh chiếm 70% tổng khối lượng, đạt 385,1 tỉ USD.

Tại Việt Nam, thị trường trái phiếu xanh được đánh giá có tiềm năng phát triển mạnh trong những năm tới, nhờ vào sự gia tăng nhận thức về biến đổi khí hậu, nhu cầu đầu tư cho các dự án bền vững và sự hỗ trợ từ Chính phủ.

 

Theo số liệu từ FiinRatings, giai đoạn 2016-2023 Việt Nam đã phát hành 1,1 tỉ USD (khoảng gần 27.000 tỉ đồng) trái phiếu xanh, xã hội và bền vững. Trái phiếu thuộc nhóm này hiện có số dư khiêm tốn với các đợt phát hành từ EVNFinance, BIDV, Vinpearl và BIM Land, chiếm 1,8% tổng giá trị thị trường, thấp hơn đáng kể so với mức 5-7% của các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Philippines.

Năm 2024 chứng kiến sự sôi động trở lại với tổng giá trị phát hành mới của trái phiếu xanh, xã hội và bền vững. Trong năm 2024 đã có 4 lô trái phiếu xanh được phát hành theo nguyên tắc xanh của ICMA với tổng giá trị đạt gần 6.900 tỉ đồng, chiếm khoảng 2% tổng giá trị phát hành trong kỳ. Đáng chú ý là sự xuất hiện của trái phiếu xanh đầu tiên từ doanh nghiệp phi tài chính - Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I với giá trị 1.000 tỉ đồng, được bảo lãnh bởi GuarantCo.

Theo ước tính của FiinRatings, Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP mỗi năm, tương đương 368 tỉ USD cho đến năm 2040 cho các dự án thân thiện với môi trường. Với nhu cầu vốn lớn như vậy, trái phiếu xanh sẽ là công cụ huy động vốn tư nhân hiệu quả, góp phần giảm gánh nặng nợ công và thúc đẩy sự tham gia của khối doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Chia sẻ với NCĐT, bà Đinh Thúy Hằng, chuyên viên nghiên cứu rủi ro tín dụng và tài chính bền vững cấp cao của Công ty Cổ phần FiinRatings, cho rằng vấn đề lớn nhất hiện nay là thiếu khung pháp lý chuyên biệt cho trái phiếu xanh cũng như khung phân loại cho các dự án xanh, xã hội và bền vững. Theo dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán mới, yêu cầu về tài sản bảo đảm và bảo lãnh thanh toán sẽ tác động đáng kể đến nguồn cung trái phiếu ra thị trường. Theo FiinRatings, hiện tỉ lệ trái phiếu có tài sản bảo đảm chỉ chiếm 12% tổng giá trị phát hành trong 10 tháng năm 2024.

Tín hiệu đáng mừng là hiện nay, các doanh nghiệp đang chủ động xây dựng khung tài chính xanh/khung trái phiếu xanh và thực hiện đánh giá độc lập trước phát hành theo tiêu chuẩn quốc tế như của CBI và ICMA, với những khung phát hành tiên phong từ Công ty Điện Gia Lai, Ngân hàng BIDV, mới đây là Vietcombank, I.D.I và Công ty Nước Sạch Hòa Bình - Xuân Mai...

“Tuy còn nhiều thách thức, nhưng không thể phủ nhận cơ hội đối với công cụ tài chính là trái phiếu xanh có tiềm năng rất lớn. Các tổ chức tài chính quốc tế ngày càng quan tâm đến việc bảo lãnh cho trái phiếu xanh, trong  khi Việt Nam cũng hướng đến thực hiện các dự án xanh, bền vững nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Vì lẽ đó, nhiều doanh nghiệp cũng đang chủ động xây dựng khung tài chính xanh và thực hiện đánh giá độc lập theo các tiêu chuẩn quốc tế như của CBI và ICMA”, bà Hằng nhận định.

Đại diện của FiinRatings cũng chỉ ra 2 cơ chế để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, hiện thông qua 2 cơ chế chính. Thứ nhất là việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như CBI và ICMA, với các yêu cầu nghiêm ngặt về rà soát lựa chọn dự án, công bố thông tin và báo cáo. Gần đây, BIDV đã ban hành báo cáo phân bổ và đánh giá tác động cho lô trái phiếu xanh 2.500 tỉ đồng phát hành năm 2023, được FiinRatings xác nhận độc lập dưới sự ủy quyền của World Bank.

Thứ 2 là các tổ chức chứng nhận, xác nhận độc lập ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự minh bạch của thị trường. Các đơn vị này sẽ rà soát và xác nhận những dự án được tài trợ bằng trái phiếu xanh liệu có đáp ứng các tiêu chí đủ điều kiện đã được thiết lập. Sự hiện diện của các đơn vị chứng nhận độc lập sẽ góp phần nâng cao tiêu chuẩn phát hành trái phiếu xanh, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của công cụ này trong lĩnh vực tài chính và đầu tư. Việc có tổ chức độc lập xác nhận sẽ giúp tăng cường tính minh bạch và củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường.

“Theo tôi, trong 5-10 năm tới, trái phiếu xanh sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược đầu tư bền vững tại Việt Nam, nhờ vào những lợi ích và cơ hội mà nó mang lại cho cả nhà đầu tư và nền kinh tế”, bà Hằng nhận định. 

Hiện số dư trái phiếu xanh, xã hội và bền vững đạt gần 25.400 tỉ đồng trên tổng dư nợ hơn 1,4 triệu tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Con số này dự kiến tăng mạnh trong những năm tới khi các doanh nghiệp ngày càng chủ động xây dựng khung tài chính xanh.
 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới