Nhà đầu tư Việt đón nhận báo cáo bền vững
Báo cáo bền vững có thể nâng cao nhận thức thị trường và niềm tin của nhà đầu tư. Ảnh: Freepik.
Nhà đầu tư ở các thị trường tài chính mới nổi thường bị cho là coi trọng lợi ích trước mắt hơn tính bền vững lâu dài, và thị trường tài chính Việt Nam không phải là trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy đang có sự thay đổi trong lối suy nghĩ này.
Nghiên cứu mới được thực hiện bởi Tiến sĩ Samuel Buertey, Tiến sĩ Richard Ramsawak và Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bình từ Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, góp phần làm sáng tỏ cách các nhà đầu tư tại Việt Nam phản ứng với Giải thưởng Báo cáo phát triển bền vững (SRA). SRA là một giải thưởng ra mắt năm 2013 nhằm công nhận các công ty niêm yết có hoạt động bền vững nổi bật.
Phản hồi tích cực của thị trường với các giải thưởng bền vững
Nghiên cứu được thực hiện với những tổ chức được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam từ năm 2013 đến 2022. Sử dụng phương pháp nghiên cứu sự kiện, kết quả cho thấy nhà đầu tư Việt phản ứng tích cực với báo cáo bền vững, đặc biệt so với nhà đầu tư ở các thị trường mới nổi khác.
Những công ty nhận giải SRA ở Việt Nam cho thấy lợi nhuận cao hơn bình thường trong vòng năm ngày sau khi công bố giải thưởng. Điều này trái ngược với các thị trường như Trung Quốc, nơi nghiên cứu tương tự cho thấy nhà đầu tư có xu hướng phản ứng tiêu cực với sự công nhận về các nỗ lực liên quan đến phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Tương tự, trong khi nhà đầu tư ở một số nước Mỹ La tinh như Argentina và Chile có phản ứng tích cực trước các giải thưởng bền vững, phản hồi này lại không rõ nét như ở Việt Nam.
Tiến sĩ Ramsawak cho biết: “Nhà đầu tư ở thị trường chứng khoán Việt Nam đánh giá cáo hơn những nỗ lực minh bạch về phát triển bền vững của công ty, phù hợp với khuynh hướng toàn cầu về đầu tư có trách nhiệm”.
Vẫn còn những thách thức
Tiến sĩ Bình giải thích rằng mặc dù báo cáo bền vững ở Việt Nam đang dần được ưa chuộng nhưng vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế của đất nước. Báo cáo hiện chủ yếu tập trung ở các công tylớn trên thị trường chứng khoán và đối mặt với nhiều trở ngại.
Một trong những trở ngại chính là thiếu hướng dẫn quy định rõ ràng về các yếu tố cấu thành báo cáo bền vững toàn diện và đáng tin cậy. Mặc dù có nhiều khung báo cáo quốc tế khác nhau để các tổ chức tự nguyện áp dụng, hướng dẫn rõ ràng từ các nhà hoạch định chính sách là cần thiết để thiết lập quy chuẩn cho doanh nghiệp làm theo, cũng như thực thi trách nhiệm giải trình.
Một rào cản khác để thúc đẩy báo cáo bền vững là cam kết ở cấp độ quản lý và hội đồng quản trị, điều này giúp thiết lập tiêu chuẩn để mọi người trong công ty noi theo. Theo một báo cáo gần đây của Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết Việt Nam (VLCA), chỉ có 3,3% công ty ở Việt Nam có ủy ban ở cấp hội đồng quản trị hoặc thành viên hội đồng quản trị được chỉ định giám sát việc phát triển bền vững cho tổ chức, và trong số này chỉ có 2,7% xác định rủi ro và cơ hội liên quan đến các vấn đề phát triển bền vững.
Tiến sĩ Bình nhấn mạnh: “Để giải quyết những rào cản này sẽ cần tới các sáng kiến xây dựng năng lực, khung pháp lý mạnh hơn và thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp coi trọng tính minh bạch và bền vững lâu dài”.
Xu hướng tương lai là gì?
Tiến sĩ Buertey cho biết kết quả nghiên cứu gửi một thông điệp rõ ràng đến các công ty Việt – báo cáo bền vững có thể nâng cao nhận thức thị trường và niềm tin của nhà đầu tư. Các công ty đầu tư vào những hoạt động bền vững minh bạch và chất lượng cao có thể thấy phản ứng tích cực của thị trường và có khả năng thúc đẩy giá trị cổ phiếu của họ.
“Báo cáo bền vững không chỉ là nghĩa vụ đạo đức hay quy định mà còn là công cụ chiến lược để cải thiện vị thế trên thị trường”, Tiến sĩ Buertey nói.
Các giảng viên RMIT Việt Nam kỳ vọng xu hướng báo cáo bền vững chuẩn hóa và toàn diện sẽ ngày càng gia tăng trong các doanh nghiệp Việt. Ảnh: Pexels. |
Trong tương lai, Tiến sĩ Buertey dự đoán báo cáo bền vững trong các tổ chức Việt sẽ hướng tới chuẩn hóa và toàn diện hơn.
Khi nhận thức của nhà đầu tư về những yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) tăng lên, các công ty sẽ áp dụng những khung báo cáo minh bạch và có thể so sánh hơn. Thay đổi này có thể đến từ cả áp lực pháp lý và nhu cầu thị trường, khi ngày càng nhiều nhà đầu tư toàn cầu đưa các chỉ số bền vững vào tiêu chí đầu tư của họ.
Tiến sĩ Buertey cho biết: “Chúng tôi cũng hy vọng công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển báo cáo bền vững, với tiến bộ trong phân tích dữ liệu cho phép công ty theo dõi và báo cáo hiệu suất ESG của họ chính xác hơn”.
Ngoài ra, khi người tiêu dùng ngày càng ưu ái ủng hộ các thương hiệu có đạo đức và bền vững, doanh nghiệp Việt có thể bắt đầu dùng báo cáo bền vững không chỉ như một công cụ tuân thủ mà còn là một lợi thế cạnh tranh để tạo sự khác biệt ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Ông cũng tin rằng xu hướng này có thể ảnh hưởng đáng kể đến mặt bằng đầu tư của Việt Nam nhờ thu hút nhiều nhà đầu tư có ý thức bền vững hơn.
Gợi ý đề xuất chính sách
Tiến sĩ Ramsawak nhấn mạnh: “Từ góc độ chính sách, các nhà tổ chức SRA nên đảm bảo rằng giải thưởng tiếp tục phù hợp với những tiêu chuẩn được quốc tế chấp nhận, thúc đẩy hơn nữa niềm tin của nhà đầu tư”.
“Điều đó sẽ rất cần thiết để duy trì các tác động dài hạn trên thị trường và khuyến khích nhiều công ty áp dụng các thực hành bền vững”.
Tiến sĩ Buertey cho biết: “Để tăng cường hơn nữa vai trò của báo cáo bền vững trên thị trường tài chính Việt Nam, các cơ quan quản lý có thể đưa ra những hướng dẫn rõ ràng và nghiêm ngặt hơn về những tiêu chuẩn báo cáo bền vững, đảm bảo tính nhất quán và khả năng so sánh giữa các ngành”.
Điều này sẽ đem đến cho nhà đầu tư dữ liệu đáng tin cậy hơn để đánh giá giá trị dài hạn của công ty.
Theo Tiến sĩ Buertey, việc thúc đẩy thành lập các ủy ban bền vững trong cấu trúc quản trị doanh nghiệp cũng có thể đảm bảo rằng tính bền vững được xem là một ưu tiên chiến lược ở cấp hội đồng quản trị.
“Nhìn chung, các chính sách này sẽ thúc đẩy môi trường đầu tư bền vững và minh bạch hơn, với mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy tăng trưởng bền vững và nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường toàn cầu”, Tiến sĩ Buertey nói.
Tiến sĩ Bình kết luận: “Vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, và các nhà đầu tư tại Việt Nam ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của báo cáo bền vững”.
“Khi cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế đều nhận ra giá trị lâu dài của hoạt động kinh doanh bền vững, cân nhắc về ESG sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong bối cảnh đầu tư tại Việt Nam”.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Lam Ngọc