Hủy
Phát triển bền vững

Nhiều doanh nghiệp tích cực chuyển dịch công nghệ để phát triển xanh

Cẩm Tú Thứ Sáu | 24/03/2023 14:44

Chi phí ban đầu cho quá trình "xanh hóa" là khá cao. Ảnh: Aquaco

 
 
Ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc giảm phát thải ra môi trường và tìm cách tham gia vào thị trường mua bán tín chỉ carbon.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, thời gian gần đây, những câu hỏi mà Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao nhận được nhiều nhất từ các hội viên là việc làm thế nào để có thể giảm phát thải ra môi trường, và cách nào để có thể tham gia vào thị trường mua bán tín chỉ carbon. Điều này cho thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xanh.

Theo chia sẻ của đại diện Công ty Tái chế Duy Tân (DTR), nhà máy tái chế nhựa của DTR mỗi năm có thể thu gom, xử lý và tái chế 30.000 tấn nhựa PET, dự kiến sắp tới sẽ tăng gấp đôi công suất lên 60.000 tấn/năm. Với nhựa HDPE và nhựa PP, công suất hiện tại là 10.000 tấn/năm mỗi loại và dự kiến cũng sẽ nâng gấp 3 công suất lên 30.000 tấn/năm. Đáng chú ý là các sản phẩm nhựa tái chế của DTR đã đạt tiêu chuẩn để có thể sử dụng trong ngành thực phẩm với 15 tiêu chuẩn quốc tế khắt khe như ISO, FDA, HACCP... Năm 2022 DTR đã thu gom và tái chế được hơn 1,3 tỉ chai nhựa, trong đó, có 4.000 tấn hạt nhựa tái chế đã được xuất khẩu thành công sang Mỹ. Ngoài Mỹ là thị trường khắt khe hàng đầu thế giới, hạt nhựa tái chế của DTR cũng đã được xuất khẩu tới 12 thị trường khác.

Giảm thiểu lượng nhựa thải ra môi trường chính là mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp hướng đến. Ảnh: DTR
Giảm thiểu lượng nhựa thải ra môi trường chính là mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp hướng đến. Ảnh: DTR

Mới đây, Công ty La Vie cũng thực hiện thành công mô hình tuần hoàn đối với bình nước La Vie 19 L, bình rỗng sau khi thu hồi từ thị trường được vệ sinh, tiệt trùng để tái sử dụng với vòng đời 15 lần, sau đó được dùng để tái chế góp phần giảm thiểu lượng nhựa thải ra môi trường. Bên cạnh đó, La Vie hướng đến mục tiêu hoàn trả 100% lượng nước sử dụng trong sản xuất vào năm 2025.

Nước đóng vai then chốt trong hoạt động kinh doanh của công ty, vậy nên việc tiết kiệm nước trong quá trình sản xuất và đảm bảo chất lượng nước thải ra môi trường là một trong những ưu tiên hàng đầu của La Vie. Đến nay, lượng nước sử dụng để sản xuất mỗi sản phẩm La Vie đã giảm 30% so với năm 2010 nhờ vào việc đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại và quy trình sản xuất tiên tiến. Hiện La Vie là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam được cấp chứng nhận quốc tế về quản lý nước bền vững từ Liên minh Quản lý Nước (AWS).  

 

Vừa qua, hợp tác giữa La Vie và Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Long An đã giúp chuyển đổi một hệ thống xử lý nước ngầm thành hệ thống xử lý nước mặt, nâng cấp công suất xử lý từ 12.000 m3 lên 16.800 m3/ngày đêm, góp phần giảm thiểu áp lực đối với mạch nước ngầm và đem lại nhiều nguồn nước sạch hơn cho cộng đồng.

Nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang có sự chuyển dịch tích cực cả về công nghệ, quy trình sản xuất, tái chế nhằm phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, quá trình “xanh hóa” sản xuất vẫn còn nhiều rào cản. Như chia sẻ của DTR thì chi phí đầu tư ban đầu là khá cao. Bên cạnh đó, giá hạt nhựa tái chế hiện ở mức cao nên kém cạnh tranh hơn so với hạt nhựa thông thường. Nguyên nhân của việc này là do việc phân loại rác thải nhựa chưa tốt. Tại nhà máy DTR, lượng tạp chất chiếm tới 50% trong số rác thải nhựa được thu gom về. Ngoài ra, việc thiết kế bao bì hiện cũng chưa có quy chuẩn để “thân thiện” với hoạt động tái chế.

Từ góc độ của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, bà Vũ Kim Hạnh cho biết Hội đang chuẩn bị loạt chương trình tập huấn cho doanh nghiệp về các chính sách của Nhà nước và chính sách của các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, nhằm tránh rủi ro có chất lượng tốt nhưng lại không được nhập khẩu vì các vấn đề về bao bì không thân thiện với môi trường. “Chúng tôi luôn nghiên cứu và cập nhật thường xuyên cho các doanh nghiệp, thậm chí hướng dẫn cho doanh nghiệp lựa chọn chất liệu, bao bì phù hợp với các thị trường xuất khẩu nhưng vẫn có giá cả hợp lý”, bà Hạnh chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm:

Rác thải nhựa trên đại dương có thể tăng gần gấp 3 lần vào năm 2040


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới