Thời gỗ thay thép
Ascent MKE ở Milwaukee, Mỹ là tòa nhà bằng gỗ khối cao nhất thế giới với 25 tầng, cao 86,5 m.
Từ thời xưa, tại Việt Nam, đã có nhà 3 gian được làm hoàn toàn bằng gỗ. Thế nhưng, từ căn nhà trệt có diện tích chưa đến 100 m2 đến tòa nhà bằng gỗ khối cao 25 tầng có tên Ascent MKE ở Milwaukee, Mỹ là một câu chuyện khác.
Việc ứng dụng gỗ làm vật liệu xây dựng có bàn tay lớn của chuyển đổi xanh và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, khi vật liệu từ thiên nhiên này có sức cạnh tranh cao so với những vật liệu khác trong việc đong đếm hàm lượng carbon. “Gỗ có dấu chân carbon âm”, ông Laurent Corpataux, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Haring Timber Technology (thuộc Haring Group), phân tích về việc cây cối đã hoàn thành việc lọc khí thải CO2 để trả O2 về môi trường trong suốt vòng đời trước khi kết thúc dưới dạng những khúc gỗ nguyên liệu.
Tuy vậy, giá thành cao là hạn chế của loại vật liệu xanh này. Một ví dụ là tòa nhà Gaia cao 6 tầng ở Singapore có diện tích sàn 43.500 m2. Tòa nhà nằm trong khuôn viên Trường Đại học Kỹ thuật Nanyang với tổng chi phí xây dựng 93 triệu USD có mọi thứ từ lan can đến ghế dài, khung cửa đến vách ngăn phòng (thậm chí cả trạm xe buýt liền kề) đều được xây dựng bằng gỗ. Tuy con số chênh lệch giữa chi phí xây dựng bằng gỗ so với bằng bê tông cốt thép thông thường không được công bố, ông Laurent cho biết Chính phủ Singapore đã hỗ trợ 80% phần chênh lệch để khuyến khích thực hiện dự án. “Ban đầu, cần có hỗ trợ từ Chính phủ để hoàn thành công trình, từ đó những người khác mới có cơ sở để đầu tư”, ông nói.
Ngành gỗ vốn là một ngành có lợi thế xuất khẩu tại Việt Nam. Từ 3 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2010, gỗ đã trở thành 1 trong 10 ngành có đóng góp lớn nhất vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với 16 tỉ USD vào năm 2022. Năm 2023, ngành gỗ lần đầu chứng kiến xuất khẩu sụt giảm, ở mức 15%, nhưng triển vọng của ngành vẫn được nhiều tổ chức đánh giá cao, trong đó có Chương trình Xúc tiến Nhập khẩu Thụy Sĩ (SIPPO).
Theo SIPPO, tại Việt Nam, ngành chế biến gỗ đang nhận ra tầm quan trọng của các hoạt động bền vững và ngày càng đầu tư vào nguồn cung ứng có trách nhiệm. Nỗ lực hướng tới việc đạt được chứng nhận FSC và PEFC phản ánh cam kết về tính bền vững của môi trường phù hợp với kỳ vọng của người tiêu dùng châu Âu. Các công ty đang tích cực nắm bắt các cơ hội liên quan đến những thách thức trong ngành gỗ châu Âu.
“Chúng tôi có niềm tin lớn vào tiềm năng của gỗ”, bà Trần Như Trang, Đại diện Quốc gia tại Việt Nam của SIPPO, nói trong buổi đối thoại giữa SIPPO, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và đại diện các hiệp hội ngành gỗ tại GEFE 2024. Bên cạnh dự án “Tăng năng suất ngành gỗ” phối hợp với ILO, SIPPO cũng tích cực hỗ trợ tìm kiếm ứng dụng mới của gỗ bên ngoài công năng làm đồ nội, ngoại thất, trong đó nổi bật là ứng dụng làm vật liệu xây dựng.
Trên khắp 4 châu lục, trừ châu Phi, rải rác những công trình cao tầng được xây bằng gỗ khối. Bằng cách liên kết nhiều lớp ván gỗ lại với nhau, sản phẩm có kết cấu vững chắc hơn so với gỗ truyền thống, cho phép sử dụng như một giải pháp thay thế khả thi, ít carbon cho bê tông. Tại Việt Nam, đã có một số khu đô thị sinh thái, khu nghỉ dưỡng như An Lâm Retreats ứng dụng một trong những loại gỗ dán nhiều lớp có tên gọi glulam để xây dựng.
“Một ưu điểm của glulam là khả năng uốn cong vượt trội hơn 80% so với gỗ tự nhiên và linh hoạt trong việc điều chỉnh chiều dài”, đại diện của Trần Đức Homes cho biết. Các dự án sử dụng glulam có thể được lắp đặt nhanh chóng hơn vì vật liệu đã được gia công trước tại nhà máy. Nguyên liệu mà họ sử dụng đến từ những nguồn rừng trồng được giám sát, nhập khẩu về Việt Nam.
Sau 1 năm sử dụng, tòa nhà Gaia đã gặp một vấn đề mà những người đang xem xét việc sử dụng gỗ làm vật liệu xây dựng quan ngại là nấm mốc. Tuy nhiên, các chuyên gia kết luận rằng hơi nước ngưng tụ và tiếp xúc với mưa là nguyên nhân chính gây ra vấn đề nấm mốc tại Gaia, không phải tại gỗ. Với điều kiện địa lý và khí hậu tương đồng, vị chuyên gia của Haring cho rằng Việt Nam cần đi qua 2 bước để có thể áp dụng thành công bài học từ Malaysia và Singapore. Ở giai đoạn đầu, giống như Singapore, có thể nhập khẩu gỗ và áp dụng những tiêu chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn xây dựng trong nước. Tại giai đoạn này không cần chú ý nhiều đến việc chọn loại gỗ vì những tiêu chuẩn có sẵn như Eurocode đã quy định sẵn về các loại gỗ được sử dụng và cường độ của các khối gỗ dán.
Đến giai đoạn 2 là phát triển nguồn nguyên liệu địa phương thì việc chọn loại gỗ đóng vai trò lớn. “Nếu chọn sai loại gỗ và năng suất chuyển đổi khúc gỗ thành gỗ khối thấp thì hiệu quả kinh tế sẽ không tăng lên. Vì vậy, việc chọn đúng loại gỗ, đúng đặc tính và đúng chu kỳ thu hoạch là rất quan trọng”, ông Laurent phân tích.
“Tôi nghĩ cây keo lá tràm (acacia) có tiềm năng để xem xét”, ông Laurent nhận định. Chia sẻ với NCĐT, ông cho biết thay vì trồng cây keo ngắn ngày để lấy nguyên liệu cho ngành giấy, có thể kéo dài chu kỳ thu hoạch để lấy gỗ làm nguyên liệu cho gỗ xây dựng. “Việc này sẽ giúp tăng giá trị của rừng trồng”, ông nói.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Việt Phong (Tổng hợp)
-
Hằng Nguyễn
-
An Hạ