Hủy
Phát triển bền vững

Tiến bộ vượt bậc trong công nghệ loại bỏ CO2 từ đại dương

Cẩm Tú Thứ Ba | 05/03/2024 11:58

Mô phỏng nhà máy loại bỏ CO2 đại dương lớn nhất thế giới tại Singapore. Ảnh: Equatic

Tại Singapore, nhà máy loại bỏ CO2 đại dương vừa được xây dựng, công nghệ điện phân sẽ loại bỏ tới 10 tấn CO2 mỗi ngày khỏi nước biển và khí quyển.
 

Đại học California Los Angeles (UCLA) hợp tác với Cơ quan nước quốc gia Singapore chính thức xây dựng Equatic-1, nhà máy loại bỏ CO2 đại dương lớn nhất thế giới. 

Dự án Equatic-1 được tiến hành sau khi triển khai thành công hai hệ thống thí điểm loại bỏ CO2 từ biển ở Los Angeles và Singapore năm 2023. Đây sẽ là nhà máy trình diễn quy mô đầy đủ với chi phí khoảng 20 triệu USD. Nhà máy dự kiến có thể loại bỏ 3.650 tấn CO mỗi năm, đồng thời sản xuất 105 tấn hydro âm carbon.

Một nhóm nhà nghiên cứu và Chuyên gia từ Viện Quản lý Carbon (ICM) và startup Equatic của UCLA đã tới cơ sở nghiên cứu và phát triển ở Tuas, phía tây Singapore, để bắt đầu xây nhà máy loại bỏ CO2 đại dương lớn nhất thế giới trong 18 tháng tới.

Một góc dự án thí điểm loại bỏ carbon trên đại dương của Equatic tại Nhà máy khử muối Tuas ở phía tây Singapore. Ảnh: Reuters
Một góc dự án thí điểm loại bỏ carbon trên đại dương của Equatic tại Nhà máy khử muối Tuas ở phía tây Singapore. Ảnh: Reuters.

Nhà máy thí điểm ở Singapore đã được coi là thành công sau khi loại bỏ 0,1 tấn CO2 mỗi ngày, trong khi Equatic-1 sẽ loại bỏ lượng CO2 nhiều gấp 100 lần. Thêm vào đó, công nghệ của Equatic-1 cũng có thể đồng thời sản xuất gần 300 kg hydro âm carbon mỗi ngày.

Theo chuyên gia Gaurav Sant, Giám đốc Viện Quản lý Carbon (ICM) thuộc UCLA, ý tưởng của nhóm nghiên cứu là biến đại dương thành một miếng bọt biển lớn để hấp thụ CO2. Trên thực tế, các đại dương đã hấp thụ 1/4 tổng lượng khí thải CO2, cũng như 90% nhiệt lượng phát sinh trong những thập kỷ gần đây do lượng khí nhà kính ngày càng tăng.

Tuy nhiên, các đại dương đang trở nên "quá tải" với nhiệm vụ này, biểu hiện qua tình trạng axit hóa, nhiệt độ tăng cao và khả năng hấp thụ CO2 giảm rõ rệt.

Nhóm nghiên cứu UCLA tập trung tìm cách tăng khả năng hấp thụ CO2 của các đại dương bằng cách sử dụng quy trình điện hóa học để loại bỏ lượng khí CO2 đã tích tụ trong nước biển từ trước, giống như làm sạch một miếng bọt biển để khôi phục khả năng hấp thụ chất bẩn của nó.

Chuyên gia Sant nhận định, nếu có thể loại bỏ khí CO2 đang có trong các đại dương thì sẽ giúp khôi phục khả năng các đại dương hấp thụ thêm loại khí này từ khí quyển.

Với ý tưởng này, các kỹ sư đã xây dựng một nhà máy nổi trên một chiếc thuyền dài 30 m. Nước biển được bơm vào trong nhà máy và được tích điện. Tiếp đó, các phản ứng hóa học được kích hoạt bởi quá trình điện phân chuyển đổi CO2 hòa tan trong nước biển thành một loại bột trắng mịn chứa canxi carbonat (CaCO3) - hợp chất có trong đá phấn, đá vôi và vỏ hàu hoặc hến.

Chuyên gia Sant giải thích rằng loại bột này có thể được đưa trở lại đại dương, nơi nó vẫn tồn tại ở dạng rắn và lưu giữ CO2 hàng chục ngàn năm.

Có thể bạn quan tâm:

Chi 250 tỉ đồng hỗ trợ người dân Cần Giờ sử dụng xe điện

Nguồn New Atlas và Reuters


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới