Top 10 cải tiến bền vững
_211324588.png)
Rất khó phát hiện rác nhựa trên các bãi biển vì chúng lẫn chung với cát. Ảnh: TL
Sữa sinh thái Eco-Milk
Gia súc đóng góp tới 15% lượng khí nhà kính với phân nửa lượng khí thải ngành sữa toàn cầu là đến từ khí mê-tan, loại khí được tạo ra trong quá trình tiêu hóa thức ăn của các loài động vật nhai lại như bò. Sea Forest, một công ty công nghệ môi trường Úc, đã có giải pháp giúp chăn nuôi gia súc gần như không thải ra khí mê-tan bằng cách tăng cường SeaFeed vào khẩu phần ăn cho bò. Đây là chất phụ gia được làm từ rong biển Asparagopsis có nguồn gốc từ vùng biển Tasmania. Kết quả là sự ra đời của Eco-Milk, loại sữa thân thiện môi trường được thương mại hóa lần đầu tiên của thế giới, do Sea Forest kết hợp với Ashgrove Cheese, hãng sữa có trụ sở tại Tasmania, sản xuất. Eco-Milk không có sự khác biệt về hương vị và giá chỉ cao hơn một chút so với sữa thông thường trong khi chai đựng sữa Eco-Milk hoàn toàn được tái chế.
Nhận diện rác nhựa trên bãi biển từ vũ trụ
Rất khó phát hiện rác nhựa trên các bãi biển vì chúng lẫn chung với cát. Tuy nhiên, một công cụ ghi hình qua vệ tinh được phát triển bởi các nhà nghiên cứu đến từ Đại học RMIT của Úc có thể nhận diện những đặc điểm khác biệt trong cách cát, nước và nhựa phản chiếu ánh sáng, cho phép phát hiện nhựa trên bờ biển từ độ cao hơn 600 km. Công cụ này sẽ giúp nhận diện và làm sạch những bãi biển bẩn ở vùng sâu vùng xa.
Công nghệ giám sát vết dầu loang
SkyTruth, tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi vết dầu loang, đã ra mắt công cụ mới có tên Cerulean. Công cụ này sử dụng công nghệ máy học để dò các vết dầu loang trong hình ảnh vệ tinh và nhận diện nguồn gây ra ô nhiễm từ các tàu chở dầu hoặc các công trình hạ tầng ngoài khơi. Cerulean đã phát hiện được vụ đổ chất thải dầu cọ ra Biển Đông của một tàu treo cờ Singapore vào tháng 7/2024. Tính đến nay, nền tảng miễn phí này đã nhận diện được khoảng 15.000 vết dầu loang trên toàn cầu, với tổng diện tích hơn 225.000 km2. SkyTruth dự định tích hợp vào Cerulean cả chức năng giám sát và cảnh báo theo thời gian thực các số liệu môi trường khác như phát hiện rò rỉ khí mê-tan và giám sát các ngọn đuốc khí đốt.
Cà phê “không phá rừng”
Hãng công nghệ tế bào Israel Pluri đã ra mắt một nhãn hàng cà phê dựa trên tế bào mà giảm thiểu được lượng đất, nước và nhân công khổng lồ cần để thu hoạch loại cây này. Cà phê Pluri sử dụng ít hơn 98% lượng nước và ít hơn 85% lượng đất so với các phương pháp canh tác cà phê truyền thống. Cải tiến này vô cùng có ý nghĩa trong bối cảnh biến đổi khí hậu được dự báo sẽ làm giảm tới 50% diện tích đất canh tác cây cà phê trên toàn cầu vào năm 2050.
Bảo tháp băng
Sonam Wangchuk, một kỹ sư ở Ladakh, Ấn Độ, đã phát triển một phương pháp giúp giải quyết tình trạng khan hiếm nước mà nông dân phải đối mặt mỗi khi mùa xuân về trên các dãy núi Trans-Himalaya. Đó là các bảo tháp băng - những ụ băng hình nón cao chót vót lên tới gần 24 m có hình dáng giống như các bảo tháp Phật giáo Tây Tạng. Chúng được thiết kế để trữ nước băng tan và được giải phóng dần dần để cấp nước tưới tiêu cho các cánh đồng.
Tấm pin năng lượng mặt trời được tái chế đầu tiên của thế giới
Tỉ lệ tái chế thấp của các tấm pin năng lượng mặt trời từ lâu nay là một vấn đề nhức nhối trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Vì thế, sự kiện Trina Solar (Trung Quốc) phát triển tấm pin năng lượng mặt trời silicon tinh thể 100% được tái chế đầu tiên của thế giới được xem là cột mốc quan trọng. Các khung nhôm, bạc, silicon và kính có thể được thu hồi từ những tấm pin này. Theo Trina Solar, các tấm pin được tái chế có thể tạo ra công suất hơn 645 MW, cao hơn đáng kể so với mức công suất trung bình từ 250-400 MW.
Sâu ăn nhựa
Các nhà khoa học tại Đại học Công nghệ Nanyang Singapore (NTU) đã phát triển sâu nhân tạo để gia tăng tốc độ phân hủy nhựa. Những nghiên cứu trước đó đã phát hiện ra ấu trùng của loài bọ cánh cứng sẫm màu thường được dùng làm thức ăn cho thú cưng có thể sống bằng cách ăn nhựa vì ruột của chúng có chứa các vi khuẩn giúp phân hủy các loại nhựa thông thường. Tuy nhiên, việc đưa chúng vào quy trình xử lý nhựa vẫn chưa có thể đi vào thực tiễn do tốc độ cho ăn và nuôi sâu vẫn còn chậm. Các nhà khoa học ở NTU đã phân tách được vi khuẩn trong đường ruột sâu và sử dụng chúng để làm công việc này mà không cần phải nhân giống sâu trên diện rộng.
Bao bì từ vỏ cây
Bpacks (Anh Quốc) đã cho ra mắt công nghệ bao bì dựa trên vỏ cây đầu tiên của thế giới nhằm thay thế cho loại nhựa cứng có gốc dầu mỏ. Startup bao bì này sản xuất cả bao bì thành phẩm lẫn hạt có thể thay thế cho hạt nhựa bằng cách sử dụng vỏ cây - phế thải từ quá trình sản xuất gỗ - làm nguyên vật liệu chính. Công nghệ của Bpacks không đòi hỏi phải đầu tư vốn để làm khuôn đúc vì quy trình sản xuất của nó hoàn toàn tương thích với quy trình sản xuất nhựa hiện hành. Với công nghệ mới này, Bpacks đang nhắm đến thị trường bao bì nhựa toàn cầu trị giá 384 tỉ USD mỗi năm.
Tã lót tái chế
Tại các quốc gia như Indonesia và Philippines, tã lót trẻ em là loại rác rất phổ biến và thường thải ra sông, gây ô nhiễm môi trường. Tã lót cực kỳ khó tái chế, nhưng Diaper Recycling Technology (Singapore) lại có khả năng tái chế tã lót thành giấy và nhựa có thể tái sử dụng dựa trên một quy trình phức tạp mà giảm được lượng điện năng sử dụng. Công nghệ này đã giành được giải thưởng khởi nghiệp xanh tại Green Tech Festival ở Singapore vào tháng 10/2024.
Giảm nhiệt đô thị bằng phản quang
Phản quang, vốn được sử dụng trên các biển báo đường bộ giúp người đi đường dễ dàng đọc thông tin hiển thị trên biển báo trong điều kiện ban đêm, có thể là một giải pháp làm giảm nhiệt ở đô thị. Các kỹ sư tại Đại học Princeton đã phát hiện ra bằng cách trang bị bên ngoài bức tường của các tòa nhà và đường sá bằng vật liệu phản quang có thể làm giảm nhiệt độ bề mặt tới 20°C và làm mát nhiệt độ trên da người gần 0,5°C. Những bề mặt phản quang như vậy có thể là một giải pháp quan trọng giúp giảm nhiệt đô thị, đặc biệt ở các thành phố lớn, đông đúc như New York, Hong Kong, Singapore.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư

Tin cùng chuyên mục
-
Rajkishore Nayak - Donna Cleveland
Thời trang lên men: Biến màng sinh học kombucha thành vải sinh thái