Hủy
Phát triển bền vững

TP.HCM chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Cẩm Tú Thứ Năm | 25/08/2022 16:01

Việc triển khai các biện pháp xử lý rác thải theo phương thức hiện đại thay thế dần biện pháp chôn lấp lạc hậu là cần thiết. Ảnh: T.L

Với 4 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sang đốt phát điện đang triển khai, TP.HCM kỳ vọng năm 2030 đạt 100% chỉ tiêu.
 

Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho thấy, hiện nay, công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố đã được xã hội hóa 100%; công nghệ đốt, compost, tái chế áp dụng xử lý chất thải rắn tái sinh hoạt trên địa bàn chiếm tỷ lệ khoảng 31%, còn lại 69% được chôn lấp hợp vệ sinh.  

Tuy nhiên, hiện nay, TP.HCM có 5 bãi chôn lấp đã ngưng tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt (bãi chôn lấp số 1, 1A, 2, Đông Thạnh, Gò Cát). Để quản lý hiệu quả, thành phố đã có chủ trương kêu gọi đầu tư xã hội hóa để phủ đỉnh các bãi chôn lấp 1, 1A, 2; cải tạo, phục hồi đối với 2 bãi chôn lấp Đông Thạnh và Gò Cát. Nhiều công ty cũng đề xuất phương án cải tạo, xử lý các bãi chôn lấp đã ngưng tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt như cải tạo mặt bằng để xây dựng công viên khoa học, khu du lịch sinh thái; tạo quỹ đất sạch để hình thành khu đô thị mới… 

 

Theo dự báo, từ nay đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10 - 16%/năm. Trong hoàn cảnh hệ thống công trình hạ tầng đô thị chưa được phát triển đồng bộ, trình độ và năng lực quản lý chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của quá trình đô thị hóa thì rác thải đã làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng. Việc triển khai các biện pháp xử lý rác thải theo phương thức hiện đại thay thế dần biện pháp chôn lấp lạc hậu là hết sức cần thiết. 

Do đó, TP.HCM đang khẩn trương hơn trong việc triển khai các dự án đốt rác phát điện nhằm tiết kiệm diện tích chôn lấp và nhân công phân loại rác tại nguồn. Trên địa bàn thành phố hiện đang có 4 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sang đốt phát điện được triển khai, trong đó, UBND thành phố đã ban hành Quyết định chủ trương đầu tư đối với 2 dự án chuyển đổi công nghệ của Công ty CP Vietstar (2.000 tấn/ngày), Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (2.000 tấn/ngày). Đồng thời, 2 đơn vị còn lại đang thực hiện các thủ tục pháp lý đầu tư dự án chuyển đổi công nghệ, gồm: Công ty CP Môi trường Tasco Củ Chi (500 tấn/ngày), Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (3.000 tấn/ngày). Tổng công suất xử lý sau khi chuyển đổi công nghệ khoảng 7.500 tấn/ngày.

UBND TP.HCM nhận định với giải pháp nêu trên, nếu các nhà đầu tư chuyển đổi công nghệ xử lý rác sinh hoạt đúng tiến độ và việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án mới xử lý chất thải rắn sinh hoạt có kết quả, nhà đầu tư hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành chậm nhất trong năm 2025 thì Thành phố bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu "Tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng đến năm 2030 đạt 100%". 

Có thể bạn quan tâm:

Nông trại thẳng đứng có phải là tương lai của nông nghiệp?


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới